Điểm yếu chí mạng khiến Quan Vũ chết thảm

Võ thánh Quan Vũ được xem là biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, trung thành. Là người đứng đầu trong ngũ hổ tướng của nhà Thục, Quan Vũ được đánh giá có một điểm yếu chí mạng là quá kiêu ngạo dẫn tới cái chết bi thảm.

Trong "Tam quốc diễn nghĩa", Quan Vũ, tự Vân Trường, được mô tả là võ tướng dũng mãnh, gan dạ, thiện chiến và hết mực trung thành với nhà Thục. Ông và Trương Phi là anh em kết nghĩa của hoàng đế Lưu Bị.

Võ tướng Quan Vũ là một công thần khai quốc của nhà Thục khi góp công lớn giúp Lưu Bị gây dựng đại nghiệp. Với võ nghệ và tài năng hơn người, ông được xếp vị trí đầu trong ngũ hổ tướng của nhà Thục.

Hình ảnh Quan Vũ mỗi khi ra trận, đánh địch thường gắn liền với hình ảnh cưỡi Xích Thố, tay cầm thanh Long đao và lập được nhiều chiến công lừng lẫy khiến kẻ thù khiếp sợ. Ông được xem là biểu tượng của tính hào hiệp, trượng nghĩa, trung thành.

Vào năm 220, Tào Tháo và Tôn Quyền đã liên hợp với nhau, cùng tấn công Quan Vũ ở Kinh Châu. Do bị tấn công bất ngờ nên Quan Vũ không thể giữ được Kinh Châu. Trong tình huống nguy cấp đó, ông chỉ huy quân Thục đánh bại Mạch Thành, phá vòng vây về phía Ích Châu, tìm viện binh nhưng thất bại.

Cuối cùng, Quan Vũ bị lực lượng của Tôn Quyền bắt sống. Sau đó, Tôn Quyền hạ lệnh chém đầu Quan Vũ. Thủ cấp của võ tướng này sau đó được Tôn Quyền gửi cho Tào Tháo.

Phần đầu của Quan Vũ về sau được Tào Tháo cho an táng trọng thể ở Lạc Dương. Trong đó, phần thi hài còn lại của Quan Vũ thì được chôn cất ở nơi bị chặt đầu. Vì vậy, dân gian có câu nói về 2 ngôi mộ của võ tướng này: "Đầu ở Lạc Dương, thân nằm Đương Dương, hồn về cố hương".

Liên quan đến cái chết của Quan Vũ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng võ tướng của nhà Thục có kết cục bi thảm như vậy là vì có một điểm yếu chí mạng. Đó là mãnh tướng của nhà Thục quá kiêu ngạo. Các nhà nghiên cứu đưa ra dẫn chứng lý giải cho điều này. Vào năm 214, sau khi biết tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Vân Trường đang ở Kinh Châu đã viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.

Biết Quan Vũ là người ngạo mạn, Khổng Minh khéo léo viết thư trả lời rằng: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài”. Điều này khiến Quan Vũ vô cùng đắc ý và mang thư do Gia Cát Lượng gửi để khoe với mọi người.

Tiếp đến, trước khi quyết định liên minh với Tào Tháo tấn công Kinh Châu, Tôn Quyền đã phái sứ giả tới cầu hôn con gái của Vân Trường cho con trai mình. Lúc ấy, Quan Vũ không chỉ cự tuyệt hôn ước mà còn nhục mạ sứ giả và Tôn Quyền khi nói rằng “nòi hổ không thể gả cho giống chó”.

Câu nói này cho thấy Quan Vũ quá kiêu căng, ngạo mạn, coi con gái mình là "nòi hổ" trong khi xúc phạm con trai Tôn Quyền cũng như nhà Đông Ngô một cách thậm tệ. Chính vì vậy, Tôn Quyền quyết tâm liên thủ với Tào Tháo tấn công và giết chết Quan Vũ không chút do dự. Ảnh trong bài mang tính minh họa.

Mời độc giả xem video: Nấm khổng lồ to hơn 1 quả bóng rổ tại Trung Quốc. Nguồn: VTV24.

Tâm Anh (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/diem-yeu-chi-mang-khien-quan-vu-chet-tham-1980054.html