Điểm tin 19/10: Bổ sung vốn ngân sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định cần bổ sung nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn (2016-2020). Theo đồ án Quy hoạch vùng, TP HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung đa cực. Ngày 19/10, trên Báo điện tử Xây dựng còn có một số tin tức nổi bật khác như: TP HCM thí điểm xây hồ điều tiết ngầm chống ngập; Thái Lan khởi xướng điều tra sản phẩm thép tấm không hợp kim nóng; Sản xuất gạch và đồ nội thất từ giấy tái chế;...

Bổ sung vốn ngân sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

Giải trình về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa diễn ra sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, đây là chính sách an sinh xã hội có tính nhất quán, được thực hiện liên lục từ nhiều năm qua. Do đó, nguồn vốn để thực hiện chính sách này cần phải được bổ sung vào kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn (2016 – 2020).

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 9/2016, trong tổng số 80.000 hộ thì có 75.600 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ, còn 4.400 hộ đang triển khai thực hiện (dự kiến hoàn thành trong năm 2016). Về nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ, theo số liệu đến tháng 8/2016 thì tổng kinh phí cần cấp từ ngân sách trung ương để hỗ trợ cho 282.848 hộ là khoảng 7.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 1.716 tỷ đồng.

TP HCM sẽ phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thẩm định Quy hoạch Xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà - Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch vùng (QHV) TP HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của của TP và 7 tỉnh lân cận gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang với quy mô dân số khoảng 19,34 triệu người, diện tích đất tự nhiên gần 31 nghìn km2. Theo đồ án QHV, TP HCM sẽ trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, có vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực và thế giới. Về mô hình phát triển, TP sẽ phát triển theo mô hình tập trung đa cực.

Trong phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu đơn vị tư vấn cần làm rõ mô hình phát triển và mục tiêu phát triển đơn giản hơn, hệ thống hơn.

TP HCM thí điểm xây hồ điều tiết ngầm chống ngập

UBND TP HCM vừa chấp thuận cho Trung tâm chống ngập cùng các bên liên quan làm việc với một công ty của Nhật Bản để lựa chọn vị trí xây thí điểm hồ điều tiết dung tích 100m3, bằng vật liệu "Cross - Wave", để giải quyết ngập trên địa bàn.

Đây là vật liệu chế tạo từ Polypropylene, được cho là có độ bền cao, dễ thi công tháo lắp, có thể áp dụng tại các khu vực mặt bằng nhỏ hẹp, không gian trữ nước lên tới 90% và thân thiện môi trường. Với khả năng chịu tải thẳng đứng 25 tấn, sau khi xây dựng xong hồ điều tiết ngầm, mặt bằng sẽ được hoàn trả cho các công trình như công viên, bãi đỗ xe, sân vận động... Vì vậy, việc ứng dụng vật liệu này để xây hồ điều tiết được cho là rất thích hợp với những đô thị lớn, năng động và quỹ đất không còn nhiều như TP HCM.

Thái Lan khởi xướng điều tra sản phẩm thép tấm không hợp kim nóng

Vừa qua, Cục Ngoại thương (DFT) – Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng điều tra, rà soát gia hạn biện pháp tự vệ với sản phẩm thép tấm không hợp kim nóng cuộn và không cuộn nhập khẩu. Đây là một trong số các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan.

Được biết trong vụ việc này, Việt Nam được loại ra khỏi danh sách các nước bị áp dụng biện pháp vì lượng xuất khẩu không đáng kể và là nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong vụ việc điều tra gia hạn lần này, nếu lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 3% tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan, DFT có thể sẽ không loại trừ hàng xuất khẩu của Việt Nam ra khỏi biện pháp tự vệ (nếu áp dụng).

Sản xuất gạch và đồ nội thất từ giấy tái chế

Một sản phẩm mới có tên gọi PaperBricks được tạp chí ARCHITECT công bố là những viên gạch từ giấy báo tái chế.

PaperBricks là sản phẩm của nhà thiết kế Hàn Quốc – New Zealand WooJai Lee. Giấy báo cũ được tái chế thành bột và trộn bằng keo, sau đó đổ vào khuôn để tạo thành gạch có hình dạng như gạch từ bê tông. Sau một thời gian nhất định, những viên gạch được lấy ra khỏi khuôn, để khô và cuối cùng là đánh bóng một cách trơn tru. Những viên gạch có độ dày 5,08cm, rộng 10,16cm và dài 29cm.

PVN tìm giải pháp để triển khai các dự án điện

Ngày 18/10, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức hội nghị công tác quản lý, triển khai các dự án điện và thiết kế, xây lắp các công trình dầu khí.

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng chỉ đạo, đối với mảng thiết kế và xây lắp các công trình dầu khí, trong thời gian tới, PVN cần tập trung dịch vụ cho các dự án, công trình như dự án lọc hóa dầu, vận chuyển chế biến khí và nhà máy điện… Trong việc quản lý, triển khai các dự án điện, việc xử lý tro xỉ, cụ thể tại các dự án điện ở Long Phú, Sông Hậu, Bộ Xây dựng đã có hướng xử lý như dùng làm vật liệu xây dựng, gạch không nung, dùng để san lấp mặt bằng, nền đường, nguyên liệu sản xuất xi măng… bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

Báo điện tử Xây dựng

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/diem-tin-1910-bo-sung-von-ngan-sach-ho-tro-nha-o-cho-nguoi-co-cong.html