Điểm sáng thực hiện Đề án 06

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và bằng những cách làm hay, sáng tạo, huyện Quang Bình là một trong những địa bàn đi đầu triển khai, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Sau hơn 2 năm thực hiện, Đề án 06 đã thu được những kết quả tích cực bước đầu, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ cao. Với sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của UBND huyện Quang Bình, các cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn trên toàn địa bàn đã cùng chung tay vào cuộc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06. Bên cạnh vai trò đặc biệt của lực lượng nòng cốt là Công an huyện, các thành viên của tổ công tác Đề án cấp huyện, cấp xã và tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy tinh thần, trách nhiệm cao nhất, vượt qua mọi khó khăn, vất vả để về đích sớm, vượt tiến độ những nội dung đặt ra. Tính đến tháng 6.2023, huyện là đơn vị đầu tiên của tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp Căn cước công dân (CCCD) với 52.492 hồ sơ và dẫn đầu trong việc kích hoạt định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện.

Công an huyện Quang Bình và xã Yên Thành hướng dẫn anh Hoàng Văn Dương, thôn Yên Lập đăng ký thủ tục nhận tiền trợ cấp hàng tháng cho con qua tài khoản ngân hàng.

Thời gian qua, huyện Quang Bình cũng đã triển khai mô hình dịch vụ công thiết yếu, 16 bộ phận một cửa các cấp được trang bị máy in đa năng, thiết bị đọc mã Qrcode thẻ CCCD. Tỷ lệ người dân dùng thẻ CCCD khám, chữa bệnh thay thế thẻ Bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh được 34.680 lượt người, đạt 65,4%. Các trường học, cơ sở triển khai thu học phí và các khoản thu khác không bằng tiền mặt. Toàn huyện có 447/3.693 đối tượng hưởng chế độ chính sách được chi trả chế độ an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, việc khai báo lưu trú và tố giác tội phạm trên ứng dụng định danh điện tử VNeID đã đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý công dân cư trú, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự.

Nhờ các tiện ích của Đề án 06 mang lại, năm 2023, huyện Quang Bình đã tiếp nhận 8.065/11.288 hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, đạt 71,4% và tăng 57,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng lĩnh vực công an tiếp nhận 5.996/8.033 hồ sơ trực tuyến.

Trung tâm hành chính công huyện Quang Bình lắp đặt thiết bị đọc mã Qrcode giúp người dân thuận tiện tra cứu các dịch vụ công trực tuyến.

Anh Hoàng Văn Dương, thôn Yên Lập, xã Yên Thành chia sẻ: “Với các hình thức tuyên truyền, phổ biến đa dạng, phong phú và dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân chúng tôi đã được tiếp cận với một số dịch vụ công thiết yếu. Gia đình tôi có con bị khuyết tật, nằm trong diện được hưởng chế độ chính sách với mức hỗ trợ 950 nghìn đồng/tháng. Vừa rồi, cán bộ Công an huyện và xã đã trực tiếp đến gia đình để hướng dẫn đăng ký thủ tục nhận tiền trợ cấp hàng tháng cho con qua tài khoản ngân hàng. Đến nay, mỗi lần có tiền chế độ, tôi chỉ cần ra cây ATM rút về, không phải sắp xếp thời gian, công việc đi lấy tiền mặt”.

Năm 2024, những nhiệm vụ cần phải hoàn thành sẽ khó hơn, phức tạp hơn, song với quyết tâm chính trị và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, huyện sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung vào nâng cao hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến cũng như các mô hình điểm của Đề án 06. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt và số hóa dữ liệu chuyên ngành, đảm bảo dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” - đồng chí Đào Quang Diệu, Chủ tịch UBND huyện Quang Bình khẳng định.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202403/diem-sang-thuc-hien-de-an-06-4d3009c/