Điểm sáng công nghiệp văn hóa lọt top 10 sự kiện VHTT&DL tiêu biểu 2023?

Sáng 5/11, Bộ VHTT&DL tổ chức Họp báo Bình chọn 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023.

Ấn vàng Hoàng đế chi bảo 2 lần được bình chọn

Trong danh sách đề cử của BTC, sự kiện “Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương” tiếp tục có tên. Đây là lần thứ hai sự kiện liên quan đến ấn vàng lọt vào danh sách đề cử 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu. Trước đó, sự kiện này là một trong 10 sự kiện văn VHTTDL tiêu biểu năm 2022.

“Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hồi hương” tiếp tục có tên trong đề cử 10 sự kiện VHTT&DL tiêu biểu 2023.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Phạm Định Phong cho biết có sự khác nhau của hai đề cử. Theo đó sự kiện lọt vào Top 10 sự kiện VHTT&DL tiêu biểu năm 2022 là đàm phán thành công việc hồi hương kim ấn Hoàng đế chi bảo. Năm 2023, ấn vàng Hoàng đế chi bảo mới chính thức được đưa về nước.

Đây cũng là một dấu mốc đặc biệt quan trọng, là kết quả của hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, Pháp tháng 11/2022 và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu cho việc chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam, theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ VHTT&DL chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư Pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

“Dù gặp nhiều khó khăn trong suốt một năm qua song kết quả này là sự khẳng định những nỗ lực của Việt Nam để đưa di sản văn hóa quan trọng này về nước. Sự kiện cũng sẽ mang đến nhiều thông tin có lợi trong bối cảnh chúng ta còn có nhiều di sản giá trị chưa được hồi hương, thu hút sự quan tâm và đồng thuận của dư luận. Đồng thời, trong quá trình sửa đổi Luật Di sản Văn hóa tới đây, sự kiện hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cũng sẽ góp phần tạo thêm những tiền đề thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực đưa di sản trở về quê hương” - ông Phạm Định Phong nhấn mạnh.

Ngoài ra, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng 2 năm liên tiếp được vào đề cử 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu. Theo BTC, năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022 được Quốc hội thông qua. Đến 1/7/2023 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.

Điểm mới trong Luật lần này là xác định tầm quan trọng của thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống BLGĐ nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử của mỗi tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn bạo lực gia đình cũng như các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện Luật, trong đó có vận động xã hội hóa công tác này.

Dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô

Cũng trong buổi họp báo sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu, nội dung được các cơ quan báo chí quan tâm, đặt nhiều câu hỏi là về “Công nghiệp văn hóa có nhiều thành tựu nổi bật. Hội An, Đà Lạt được công nhận Thành phố sáng tạo của UNESCO”.

Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023. Ảnh: Lại Tấn

Theo Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Phan Thanh Nam: Sau khi Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một Thành phố sáng sáng tạo âm nhạc (Đà Lạt) và một Thành phố sáng tạo thủ công và nghệ thuật dân gian (Hội An). Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi 2 năm sẽ có tối đa 2 TP Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập UCCN với mục tiêu sẽ có từ 4 đến 6 TP được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Năm 2023 cũng là năm ghi nhận nhiều điểm sáng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Việc tạo điều kiện tổ chức thành công 2 đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, nhiều địa chỉ như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, làng nghề Lụa Vạn Phúc, thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái… liên tục đổi mới cách tiếp cận, khai thác để biến các lĩnh vực văn hóa thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa. Đặc biệt, phát triển du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ đang cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong học hỏi, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; quyết tâm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Công thông tin bình chọn.

Hoạt động bình chọn được tổ chức dưới 2 hình thức: Tổ chức bình chọn trực tiếp ngày 5/12/2023 tại trụ sở Bộ VHTT&DL với sự tham gia của đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương. Tổ chức bình chọn trực tuyến tại địa chỉ: http://sukienvhttdl.bvhttdl.gov.vn/; Báo Văn hóa điện tử: www.baovanhoa.vn; Báo Điện tử Tổ quốc: www.toquoc.vn. Thời gian bình chọn trực tuyến, từ 8 giờ 30 ngày 5/12/2023 đến 17 giờ 7/12/2023.

Danh sách 10 sự kiện VHTT&DL tiêu biểu năm 2023 sẽ được Ban tổ chức công bố ngày sau khi tổng hợp kết quả bình chọn từ hai hình thức trên.

Minh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/diem-sang-cong-nghiep-van-hoa-lot-top-10-su-kien-vhttdl-tieu-bieu-2023.html