Điểm sàn 15: Lo thiếu nguồn tuyển

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 28-7 đã công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào ĐH cho tất cả các khối thi là 15

Mức điểm sàn này trái với dự đoán của nhiều chuyên gia vì phổ điểm năm nay thấp hơn năm 2015, đặc biệt ở các khối C, D.

Trường tốp dưới lo âu

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM, cho rằng điểm sàn khối C, D không giảm nhưng điểm chuẩn của một số ngành xét tuyển theo khối C, D có thể sẽ giảm.

Các thí sinh kết thúc môn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 tại TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong khi đó, ThS Trương Tiến Sĩ, Phó Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định tổng chỉ tiêu ĐH năm nay là 420.000, các trường có thể gọi vượt 5%-10% thì tổng chỉ tiêu ĐH sẽ lên 450.000. Khi điểm sàn quy định là 15 thì không đủ thí sinh để các trường tốp dưới tuyển. Số thí sinh dự thi xét ĐH có 569.000, rớt tốt nghiệp khoảng 5% do điểm liệt thì còn lại 530.000. Với điểm sàn là 15 thì chỉ hơn 350.000 thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển.

Lạc quan hơn, TS Mỵ Giang Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) định ra điểm sàn, dĩ nhiên phải tính dư nguồn tuyển cho các trường. Tuy nhiên, thực tế các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay không lại là vấn đề khác.

Trong những năm qua, các trường ĐH đóng ở những TP lớn về cơ bản đều tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí tuyển dư. Khó khăn chủ yếu rơi vào các trường ĐH công lập tốp dưới, trường ở tỉnh. Ông Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết điểm sàn bộ quy định chung cho các tổ hợp môn là 15, trong khi điểm thi môn tiếng Anh và sử năm nay khá thấp. Do đó, sẽ khó xét tuyển đối với các ngành có môn sử, tiếng Anh. Ở Trường ĐH Tiền Giang, 3 năm trở lại đây, trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu dù mỗi năm, bộ đều khẳng định nguồn tuyển dôi dư so với chỉ tiêu chung.

PGS-TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc điều hành phụ trách đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, phân tích các trường ngoài công lập sẽ gặp nhiều khó khăn trong xét tuyển. Lượng thí sinh năm nay giảm 15% so với năm 2015 và điểm thi thấp hơn năm ngoái dẫn đến nguồn tuyển hạn chế. Mỗi thí sinh có 4 lựa chọn ngành trong đợt 1 xét tuyển, đồng thời nhiều trường xét tuyển học bạ nên thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên. Lượng hồ sơ ảo nhiều đối với các trường ngoài công lập và trường tốp 2, các đợt tuyển sinh nguyện vọng bổ sung ít mang lại hiệu quả. Do vậy, trong đợt 1 xét tuyển, các trường cạnh tranh khốc liệt trong công tác tuyển sinh.

Không chạy theo chỉ tiêu

Trao đổi với báo chí ngày 28-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định Hội đồng Xác định điểm sàn muốn mức 15 để mỗi môn thi của thí sinh phải đạt 5 điểm.

Theo ông Bùi Văn Ga, dù Bộ GD-ĐT băn khoăn mức điểm này có thể hơi cao so với khối D nhưng các trường vẫn quyết tâm phải bảo đảm chất lượng chứ không chạy theo chỉ tiêu. Bộ đã có phương án các khối A, B, C là 15 điểm, còn riêng khối D là 14 điểm do môn ngoại ngữ năm nay khá thấp. Tuy nhiên, các trường đều thống nhất chọn phương án điểm các khối cùng là 15.

Trước lo lắng về mức điểm sàn này có thể các trường sẽ thiếu nguồn tuyển do hệ số dôi dư thấp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay chỉ tiêu được tính để xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào còn phụ thuộc vào phương thức tuyển sinh của các trường. Tổng chỉ tiêu đăng ký của các trường là hơn 420.000 thí sinh nhưng đã có hơn 100 trường ĐH tuyển theo xét học bạ ở phổ thông, tương ứng với khoảng 102.000 thí sinh nên điểm sàn được Hội đồng Xét tuyển bảo đảm nguồn xét tuyển cho 320.000 chỉ tiêu.

Ông Ga nhấn mạnh các trường xác định chỉ tiêu thực hiện dựa trên năng lực đào tạo tối đa của nhà trường nên việc tuyển đủ hay thiếu không có ý nghĩa như trước đây. Hội đồng Xác định điểm sàn xác định chỉ tiêu với 5 khối truyền thống là A, A1, B, C, D chứ không xác định với các tổ hợp khối thi do các trường tự bổ sung. Số lượng thí sinh trên điểm sàn của 5 khối thi này chỉ là số tối thiểu.

Theo Bộ GD-ĐT, tuy với mức điểm sàn 15, hệ số dôi dư chỉ là 1,27, thấp hơn so với năm ngoái nhưng đây chỉ là số tối thiểu cho 5 khối thi truyền thống, các trường vẫn có tổ hợp xét tuyển riêng. Vì thế, nguồn tuyển dư ra khá nhiều so với nguồn tuyển truyền thống.

Về việc điểm thi môn ngoại ngữ thấp có thể sẽ gây khó khăn về nguồn tuyển cho các trường tuyển sinh khối D, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định các trường không cần lo lắng về điều này. Tuy phổ điểm môn thi tiếng Anh năm nay không cao nhưng số lượng các em đạt từ 5 điểm trở lên cũng rất đông. Đây cũng chính là các em có nguyện vọng sử dụng tiếng Anh để xét tuyển vào ĐH. Như vậy, thí sinh quyết tâm thi khối D điểm tiếng Anh cao chứ không phải thấp.

“Điều đó cũng có nghĩa nguồn tuyển khối D không hề hạn hẹp, các trường không nên lo lắng. Hiện nay, tăng cường dạy học ngoại ngữ là 1 trong 8 chương trình lớn được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trương thực hiện. Do đó, sắp tới, chắc chắn việc dạy học ngoại ngữ sẽ được cải thiện” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.

Thử nghiệm đăng ký xét tuyển trực tuyến

Chiều 28-7, Bộ GD-ĐT đã mở trang đăng ký xét tuyển trực tuyến để các thí sinh tập duyệt, dùng thử. Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, để sử dụng phương thức đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh cần lưu ý phải sử dụng tài khoản cá nhân của mình đã được cấp khi đăng ký dự thi.

“Cần hết sức lưu ý đến số CMND và số điện thoại của các em. Bởi lẽ, trong quá trình đăng ký xét tuyển trực tuyến, các thí sinh sẽ nhận được một mã xác thực được gửi đến số điện thoại của mình” - ông Trinh giải thích. Chuyên gia này cũng lưu ý trong quá trình đăng ký xét tuyển trực tuyến, khi có kết quả trả về, các thí sinh phải in ra và giữ lấy mẫu xác nhận rằng đã đăng ký thành công.

Y.Anh

Yến Anh - Huy Lân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/diem-san-15-lo-thieu-nguon-tuyen-20160728222054306.htm