Điểm nhấn từ hai cuộc bầu cử

Hai cuộc bầu cử ở Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ khép lại với nhiều kết quả ban đầu đáng chú ý.

Lãnh đạo đảng MFP Pita Limjaroenrat (áo trắng) ăn mừng cùng người ủng hộ ngoài Tòa thị chính Bangkok, ngày 15/5. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Chiến thắng không tuyệt đối

Kết quả sơ bộ do Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) cho thấy, chiến thắng áp đảo của hai đảng đối lập tại xứ sở chùa vàng.

Cụ thể, đảng Tiến bước (MFP) giành 152/500 ghế tại Hạ viên (gồm 113 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 39 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng). Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng thứ hai với 141 ghế (tương ứng lần lượt là 112 và 29 ghế).

Trong khi đó, các đảng trong liên minh cầm quyền lại có phần hụt hơi. Đảng Tự hào Thái Lan (Bhumjaithai) đứng thứ ba với 70 ghế (67 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và ba ghế theo danh sách đảng). Đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP) của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon đứng sau với 40 ghế. Còn đảng Quốc gia Thái thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha xếp vị trí thứ năm với 36 ghế (23 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 13 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng). Có một vài yếu tố dẫn đến kết quả nảy.

Đầu tiên, xứ sở chùa vàng đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đại dịch Covid-19, tăng trưởng năm 2020 đã sụt giảm ở mức 6%. Tuy nhiên, sau đại dịch, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 chỉ đạt mức 2,8%, thấp hơn so với mục tiêu 3,4% và thuộc nhóm các nước phục hồi chậm ở Đông Nam Á. Các tranh cãi về chính trị liên quan đến Hoàng gia dẫn đến tuần hành, bùng bạo động vào năm 2020 và 2021, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của nước này.

Thứ hai, EC cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 75,22%, cao hơn mức kỷ lục 75,03% trong cuộc bầu cử năm 2011. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cử tri đối với cuộc bầu vừa qua, đồng thời phản ánh mong muốn tìm kiếm “làn gió mới” trong bối cảnh Thái Lan đứng trước nhiều khó khăn trong và ngoài nước.

Thứ ba, cuộc bầu cử chứng kiến sự hiện diện ngày càng quan trọng của các cử tri trẻ tuổi. Theo thống kê, ba triệu cử tri Thái Lan lần đầu tiên thực hiện quyền công dân. Chính sách đặc biệt nhắm tới đối tượng này đã giúp MFP, tiền thân là đảng Tương lai mới (FFP) và Pheu Thai giành được chiến thắng vừa qua.

Sau khi có kết quả bầu cử sơ bộ, lãnh đạo đảng MFP, ông Pita Limjaroenrat cho biết sẽ tìm cách xây dựng một liên minh sáu bên, bao gồm đảng Pheu Thai. Nhà lãnh đạo 42 tuổi này đã liên hệ với bà Paetongtarn Shinawatra, ứng cử viên thủ tướng của Pheu Thai và con gái út cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, để mời tham gia liên minh nhằm thành lập chính phủ mới. Nếu kịch bản thành hiện thực, liên minh đối lập này sẽ giành 293 ghế và chiếm đa số tại Hạ viện.

Tuy nhiên, mọi chuyện chưa hẳn đã an bài. Để thành lập chính phủ, phe đối lập cần tối thiểu 376/750 ghế tại lưỡng viện. Tuy nhiên, theo Hiến pháp Thái Lan sửa đổi năm 2017, cả 250 ghế tại Thượng viện đều sẽ do quân đội lựa chọn. Điều này đồng nghĩa rằng các nghị sĩ này nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên có xuất thân/công tác trong lực lượng vũ trang. Năm 2019, Pheu Thai là chính đảng lớn nhất, song liên minh của ông Prayut đã tập hợp đủ sự ủng hộ để bầu chính trị gia này làm Thủ tướng. Giờ đây, kịch bản này có thể lặp lại một lần nữa.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng phu nhân trong đêm bầu cử ngày 14/5. (Nguồn: Getty Images)

Còn đó cuộc đua song mã

Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc bầu cử tổng thống vẫn chưa thể tìm ra người chiến thắng ngay sau vòng đầu tiên.

Ngày 15/5, kênh truyền hình TRT TV (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin, với việc 100% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 14/5, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã giành được 49,35% số phiếu bầu. Chính trị gia Kemal Kilicdaroglu bám sát ngay sau với 45%. Ứng cử viên Sinan Ogan của Liên minh ATA chỉ có 5,22% số phiếu bầu. Trong khi đó, ông Muharrem Ince, người đã rút lui, giành được 0,43% số phiếu ủng hộ. Cơ quan bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn coi số phiếu mà ông này nhận được là hợp lệ.

Xét kết quả nêu trên, do không có ứng cử viên nào giành được hơn 50% số phiếu ủng hộ, theo quy định của nước này, đương kim Tổng thống Erdogan và ông Kilicdarogu sẽ bước vào vòng thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 28/5.

Kết quả này phản ánh một số nét đáng chú ý như sau:

Trước hết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử đạt mức cao kỷ lục là 88,84%, phản ánh sự quan tâm đặc biệt của cử tri tới việc lựa chọn lãnh đạo dất nước.

Thứ hai, mặc dù vẫn chiếm ưu thế, song ông Tayyip Erdogan không thể giành chiến thắng trực tiếp như năm năm trước. Kết quả cũng phản ánh thái độ của cử tri trước những khó khăn Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt, từ đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng biến động, lạm phát tăng cao và đồng Lira liên tục mất giá, tới trận động đất kinh hoàng tháng Ba vừa qua.

Ankara cần tìm lời giải cho nhiều bài toán như căng thẳng với Athens, vấn đề người Kurd, thỏa thuận di cư với Liên minh châu Âu (EU) hay quan hệ với Washington, đối tác lớn trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thứ ba, dù bám sát ngay sau đương kim Tổng thống, song chính trị gia Kemal Kilicdaroglu được cho là chưa đủ sức nặng để đánh bại ông Tayyip Erdogan. Ngoài ra, trong hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của ông Kemal, đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) chưa thể giành chiến thắng cuối cùng trong bầu cử. Đồng thời, có ý kiến cho rằng, chính trị gia này quá “gần gũi với phương Tây”, thiếu đi sự cân bằng cần thiết trong chính sách đối ngoại hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ.

Có thể thấy, dù bầu cử đã khép lại, song tình hình tại Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/diem-nhan-tu-hai-cuoc-bau-cu-227560.html