Điểm lại các kênh đầu tư tại Việt Nam năm 2023

Trong diễn biến thăng trầm của các kênh đầu tư, thị trường Việt Nam vẫn đón nhận nhiều điểm sáng trong năm 2023, đến từ các kênh đầu tư cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), vàng...

Hiệu suất đầu tư cổ phiếu cao gấp đôi lãi suất tiết kiệm

VN-Index đóng cửa năm 2023 đạt 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm 2022, hơn gấp đôi lãi suất tiết kiệm. Mức tăng giá của chỉ số VN-Index được dẫn dắt bởi những nhóm ngành như chứng khoán, tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin, hóa chất, dầu khí, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng. Đây là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Diễn biến VN-Index năm 2023. Nguồn: TCBS

Nhìn chung, thị trường cổ phiếu năm qua diễn biến tích cực cho đến đầu tháng 9, có thời điểm VN-Index ghi nhận mức tăng gần 24% so với đầu năm, đạt hơn 1.255 điểm. Động lực chính là chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN, với 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán năm 2023 có độ nhạy cao với chính sách tiền tệ. Thị trường hưng phấn, tăng mạnh sau động thái cắt giảm lãi suất liên tiếp của NHNN và phản ứng tiêu cực khi có động thái hút tiền từ cơ quan này để ổn định tỷ giá. Hai tháng cuối năm, sau khi NHNN ngừng hút tiền, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định trở lại, diễn biến thị trường chứng khoán hồi phục nhẹ rồi đi ngang

Lượng tài khoản mở mới đều duy trì ở mức cao trên 150 nghìn tài khoản/tháng trong 6 tháng cuối năm. Điều này đã giúp gia tăng dòng tiền mới vào thị trường chứng khoán. Dòng tiền cá nhân nhập cuộc thận trọng giai đoạn đầu, nhưng mạnh mẽ hơn từ cuối tháng 4 đã giúp VN-Index dần đi lên, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng điểm ấn tượng trên thế giới.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi, tăng 19%

Thị trường TPDN phục hồi trong năm 2023 với tổng cộng 336 đợt phát hành sơ cấp, tổng giá trị phát hành đạt 321 nghìn tỷ đồng. Tính riêng quý IV/2023, giá trị phát hành ước đạt 135 nghìn tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức phát hành chỉ 4 nghìn tỷ đồng trong quý IV/2022.

Nguồn: HNX; VBMA

Tính chung cả năm 2023, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 287.164 tỷ đồng, giá trị phát hành ra công chúng là 37.070 tỷ đồng. Tỷ trọng phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2023 tăng vọt lên 11,43%, cao hơn 7,3 điểm phần trăm so với 2022 và là mức cao nhất kể từ 2015

Sự cải thiện về giá trị phát hành cũng phần nào được hỗ trợ bởi sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, giúp gia tăng thanh khoản và minh bạch thông tin cho thị trường TPDN.

Trong năm 2023, Ngân hàng vẫn đang là nhóm ngành áp đảo về giá trị phát hành với 188.163 tỷ đồng, chiếm tới 58% tổng giá trị phát hành. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm nhà đầu tư chính mua trái phiếu ngân hàng. Theo sau là nhóm Bất động sản, phát hành 73.702 tỷ đồng (chiếm 22,7%).

Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm 9,4% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế, giảm 2,6 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2022. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã cải thiện mạnh trong nửa cuối năm, khoảng hơn 2/3 giá trị phát hành cả năm được thực hiện trong giai đoạn này.

Có thể thấy, niềm tin nhà đầu tư đã dần trở lại kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được ban hành, cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn nợ trái phiếu và hoán đổi trái phiếu thành tài sản khác với giá trị 12.352 tỷ đồng.

Lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống sâu kỷ lục

Do kinh tế chưa phục hồi như kỳ vọng trong năm 2023, NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành trong năm 2023 nhằm mục đích hạ mặt bằng cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đang ở mức thấp lịch sử, thấp hơn giai đoạn COVID-19.

Sau nhiều tháng liền điều chỉnh giảm, trong những ngày cuối tháng 12/2023, lãi suất huy động vẫn tiếp tục trên hành trình lập kỷ lục xuống thấp. Hầu hết lãi suất các kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đã giảm xuống dưới mức 6%/năm tại thời điểm cuối năm 2023.

Lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng. Nguồn: NHNN, TCBS

Việc lạm phát được kiểm soát tốt kỳ vọng khiến NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế. Do vậy, mặt bằng lãi suất ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2024.

Tuy lãi tiền gửi xuống "đáy" sâu, song tiền nhàn rỗi tiếp tục chảy vào ngân hàng. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối năm 2023 tăng 10,03% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,85%. Thống kê từ NHNN đến hết tháng 9/2023 cũng cho thấy, lượng tiền gửi của cư dân và các tổ chức kinh tế vẫn đạt gần 12,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,3% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.

Bất động sản: Thiếu nguồn cung căn hộ

Thị trường căn hộ trong năm 2023 ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang chững lại về nguồn cung, nguyên nhân vẫn đến từ khó khăn trong thủ tục pháp lý dự án và áp lực tài chính tại nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản (BĐS).

Hầu hết giao dịch thành công đến từ những căn hộ đã mở bán từ các giai đoạn trước. Năm 2023, chỉ gần 10 nghìn căn hộ được bàn giao tại Hà Nội.

Tình hình giao dịch các căn hộ tại Hà Nội. Nguồn: Savills; TCBS

Để giải quyết khó khăn của thị trường BĐS, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ ban hành tới 7 nghị quyết, nghị định và thông tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường, điển hình như Nghị định số 08/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33/NQ-CP về giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản; Công văn 178/TTG-CN thúc đẩy, tháo gỡ cho thị trường bất động sản; Nghị định số 10/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng…

Bên cạnh đó, hàng loạt hội nghị gỡ khó cho thị trường bất động sản được tổ chức nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình vực dậy thị trường. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đã phần nào tác động đến bức tranh thị trường bất động sản; Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng thúc đẩy sự tham gia của một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Viglacera.

Cuối năm 2023, đầu năm 2024, Quốc hội liên tiếp thông qua các bộ Luật liên quan đến thị trường BĐS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS. Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ vấn đề pháp lý cho nhiều dự án, cải thiện nguồn cung cũng như số lượng giao dịch thành công trong thời gian tới.

Giá vàng bùng nổ, tăng 13%

Năm 2023, chứng kiến giá vàng tăng kỷ lục và đang đắt nhất mọi thời đại. Trong khi các kênh đầu tư truyền thống kém hấp dẫn cộng thêm sự giới hạn trong nguồn cung vàng miếng đã thúc đẩy giá vàng tăng cao trong những tháng cuối năm. Căng thẳng địa chính trị leo thang, có thể kế đến như xung đột Nga - Ukraine và xung đột giữa Israel - Hamas khiến vàng tiếp tục được coi là kênh trú ẩn an toàn. Kết thúc năm, giá vàng tăng hơn 13% so với đầu năm.

Giá vàng trong nước và thế giới. Nguồn: Fiinpro

Có thời điểm, giá vàng miếng SJC vọt lên sát 77 triệu đồng/lượng, cao nhất lịch sử, xô đổ kỷ lục 74 triệu đồng đã từng lập tháng 3/2022.

Trong bối cảnh thế giới bất ổn chính trị, lạm phát neo cao, dự báo năm 2024, dòng tiền vẫn tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng. Do đó, giá vàng chưa thể hạ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng vẫn chỉ nên coi vàng là một kênh để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Bởi với các nhà đầu tư Mỹ, ưu tiên hàng đầu vẫn là cổ phiếu, trái phiếu và tài sản. Ngoài ra, người mua vàng cũng nên cảnh giác khi giá vàng trong nước diễn biến tăng liên tục không hoàn toàn cùng nhịp với giá vàng thế giới.

Tỷ giá USD/VND được duy trì ổn định

Năm 2023, tỷ giá USD/VND trung tâm tăng khoảng 1,2%, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng hơn 3% so với VND.

Chênh lệch lãi suất ngắn hạn của USD và VND ở mức cao nhất lịch sử khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao năm 2023, trong khi đó, NHNN Việt Nam liên tiếp hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế khiến tỷ giá USD tăng mạnh trong quý III/2023.

Diễn biến tỷ giá trung tâm. Nguồn: NHNN; TCBS

Song tỷ giá USD/VND đã ổn định trở lại khi NHNN thực hiện các giải pháp bình ổn tỷ giá, như phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày và nâng trần tỷ giá trung tâm lên mức 24.000VNĐ.

Do Việt Nam vẫn duy trì được xuất siêu cùng số liệu tích cực từ giải ngân FDI và kiều hối, dư địa điều hành tỷ giá trong thời gian tới được đánh giá tương đối tích cực.

Ngoài ra, kỳ vọng chu kỳ lãi suất cao của Fed đã đạt đỉnh và dự đoán giảm từ năm 2024 cũng là yếu tố hỗ trợ cho sự ổn định hơn của tỷ giá trong thời gian tới.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/diem-lai-cac-kenh-dau-tu-tai-viet-nam-nam-2023.html