Điểm chung của 3 tổ chức mua cổ phần PG Bank

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa thông báo đã bán xong toàn bộ 120 triệu cổ phần sở hữu tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã: PGB) với giá trung bình 21.400 đồng/cp, thu về 2.568 tỷ đồng. Danh sách nhà đầu tư trúng đấu giá gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Lượng cổ phần mà Petrolimex đấu giá thành công tương đương 40% cổ phần PG Bank.

3 tổ chức mua thành công cổ phiếu PG Bank là: CTCP Quốc tế Cường Phát (Cường Phát), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (Vũ Anh Đức) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh (Gia Linh).

3 tổ chức mua 40% cổ phần PG Bank đều có mối liên quan đến Thành Công Group. (Ảnh: Int)

Được biết, 3 tổ chức này nắm lượng cổ phần PG Bank gần như ngang bằng nhau, trên dưới 13%, và tổng số xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu, bằng lượng Petrolimex đem đấu giá.

Đáng chú ý, có nhiều mối liên hệ giữa 3 tổ chức đấu giá PG Bank thành công với một doanh nghiệp ngành ô tô, đó là Thành Công Group.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cường Phát là ông Nguyễn Văn Mạnh (1981), là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của gia đình chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Văn Tuấn. Vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn sáng lập và sở hữu vốn PL Iro. Cũng mới đây, Cường Phát tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 822 tỷ đồng.

Chủ tịch tại công ty Vũ Anh Đức là ông Vũ Văn Nhuân (1973), một nhân sự của Thành Công Group. Ông Nhuân từng được biết trong vai trò giám đốc CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng. Công ty với cơ cấu cổ đông gồm CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 của PG Bank, chủ tịch ngân hàng Nguyễn Quang Định nói rằng: “Trong kết quả đấu giá không có tên Thành Công Group”.

Mặc dù câu trả lời này là đúng sự thật, nhưng vấn đề Thành Công Group có liên quan không thì vẫn là câu hỏi trước những liên quan nêu trên.

Thành Công Group từng sở hữu lượng đáng kể cổ phần ngân hàng Eximbank (khoảng 30%). Tập đoàn từng đưa bà Lê Hồng Anh, vợ chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn vào hội đồng quản trị nhà băng; ngoài ra còn có thêm ông Đào Phong Trúc Đại, là Tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hưng. Đầu năm nay, hai đại diện từ Thành Công Group rút khỏi HĐQT Eximbank.

Thành Công Group sở hữu 3 trụ cột kinh doanh chính: công nghiệp ô tô, bất động sản, dịch vụ. Tập đoàn là đối tác duy nhất trong khu vực của Hyundai Motor.

Năm ngoái, doanh thu Thành Công Group đạt 118.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD), nộp ngân sách Nhà nước 22.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Các đơn vị thuộc khối ô tô tập đoàn bán gần 81.600 xe, tăng gần 16% so với năm trước.

Mảng kinh doanh ô tô ấn tượng trong nhiều năm giúp Thành Công Group thu về lượng “tiền tươi” ấn tượng, giúp tập đoàn này có thể tham gia cuộc chơi về tài chính – ngân hàng.

Chứng khoán DSC, một công ty khác được hậu thuẫn bởi Thành Công Group đã toàn tất thủ tục để tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng đầu năm nay. DSC được nhà Thành Công thâu tóm năm 2021, thời điểm đó vốn điều lệ vỏn vẹn 60 tỷ đồng.

Về PG Bank, kết quả kinh doanh năm 2022 cho thấy có sự cải thiện đáng kể khi ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (+ 56,2%), chủ yếu nhờ tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tăng 90 điểm cơ bản và chi phí hoạt động (CIR) giảm đáng kể, giảm còn 49% từ mức 57% trong năm 2021.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn khá khiêm tốn, chỉ 4% do mảng cho vay chính là khách hàng doanh nghiệp giảm 7,5%, trong khi cho vay khách hàng cá nhân tăng 30% (tỷ trọng tăng lên mức 46% từ mức 35% trong 2021). Nhờ mở rộng lĩnh vực cho vay khách hàng cá nhân, NIM của PGBank đã có sự cải thiện đáng kể, lên 2,9% từ mức 2% trong năm 2021.

Dù có sự cải thiện về hoạt động kinh doanh, nhưng về chất lượng tài sản PGBank vẫn chưa ghi nhận nhiều sự cải thiện. Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng dư nợ VAMC của PGBank lên đến 951 tỷ đồng, trong đó đã trích lập và thu hồi 350 tỷ đồng, khoản còn lại dự kiến trích lập và thu hồi trong vòng 3 năm, nhưng với tình cảnh khó khăn như hiện nay thì mục tiêu này xem ra rất khó khăn.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2022, dư nợ cho nhóm doanh nghiệp bất động sản là 2.000 tỷ đồng, dư nợ xây dựng 3.000 tỷ đồng. Đây là những con số đáng báo động với ngân hàng có vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng như PGBank.

Đặc biệt, nếu so với các ngân hàng có quy mô tương đương đang niêm yết, thì chất lượng tài sản của PGBank cũng ở mức thấp. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của PGBank vẫn ở mức cao so với các ngân hàng niêm yết cùng quy mô (2,6% vào thời điểm cuối 2022), và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) rất thấp chỉ 38%.

Không chỉ vậy, nhiều thông tin cho thấy việc không còn là “con” của Petrolimex khiến PGBank chịu áp lực rất lớn từ thương vụ thoái vốn này.

Tuy nhiên, sau phiên đấu giá của Petrolimex, cổ phiếu PGB liên tục được kéo tăng trong sự ngỡ ngàng của giới đầu tư, thậm chí nhiều nhà đầu tư nghi ngờ cổ phiếu này đang bị “thổi giá" để trục lợi. Đến phiên giao dịch ngày 12/4, cổ phiếu PGB tăng chạm mốc 37.000 đồng/cp.

Với mức giá trên, PGB chỉ xếp sau VCB (Vietcombank) và BID (BIDV), nhưng “qua mặt” hàng loạt "ông lớn" ngân hàng đang niêm yết như: ACB, STB, VPB, TCB, TPB, HDB, MBB, MSB. PGB dù sau đó giảm về mốc 34.000 đồng/cp (chốt phiên 27/4), song đối với giới đầu tư, đây vẫn là điều hết sức phi lý.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/diem-chung-cua-3-to-chuc-mua-co-phan-pg-bank-1092275.html