Điểm báo 26/12: Quy định đặt cọc mua nhà, chủ đầu tư hết cơ hội 'tự tung tự tác'

Quy định đặt cọc mua nhà, chủ đầu tư hết cơ hội 'tự tung tự tác'; Khai thác cơ hội từ hiệp định thương mại; Di dời trường đại học ra khỏi nội đô: Thiếu chính sách hay thiếu quyết tâm?; Nhiều hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng, đầu tư tiền kỹ thuật số nở rộ;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 26/12.

QUY ĐỊNH ĐẶT CỌC MUA NHÀ, CHỦ ĐẦU TƯ HẾT CƠ HỘI “TỰ TUNG TỰ TÁC”

Lần đầu tiên, nội dung về tiền đặt cọc mua nhà hình thành trong tương lai được đưa vào luật Kinh doanh bất động sản. Điều này cho thấy chủ đầu tư hết cơ hội “tự tung tự tác”. Thông tin đáng chú ý trên trang nhất báo Kinh tế và Đô thị số ra sáng nay.

Thời gian qua, hàng loạt những dự án đã thu tiền cọc, tiền thanh toán theo tiến độ của khách hàng nhưng hàng chục năm không thể hoàn thành bàn giao nhà ở theo đúng cam kết. Nguyên nhân sâu xa là kết quả của hệ thống pháp quy chậm sửa đổi, hay nói cách khác không theo kịp với thực tế phát triển; thiếu những quy định rõ ràng để bảo vệ người mua nhà và chế tài chưa đủ sức nặng răn đe đối với chủ đầu tư. Và tới đây, với quy định, Chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ điều kiện đưa vào kinh doanh có hiệu lực. Quy định này được đánh giá là rất hợp lý nhưng các chuyên gia cho biết, theo kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, họ dùng bên thứ ba là các ngân hàng, tổ chức tín dụng đứng ra giám sát, quản lý số tiền này với một tài khoản chung mà không “chảy” vào túi của chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì khách hàng được lấy tiền về, phía ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm với khoản tiền này.

KHAI THÁC CƠ HỘI TỪ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp cho hay, họ vẫn đối diện nhiều thách thức khi tham gia vào dòng chảy của các FTA.

Phần lớn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chưa xây dựng được các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA. Việt Nam xuất khẩu nhiều vào các thị trường trọng điểm tại châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản... nhưng cũng nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN... nên hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn nằm xung quanh các chuỗi giá trị. Giới chuyên gia cho rằng yếu tố cơ bản là cần cải thiện năng lực kinh tế. Cơ quan quản lý nên đưa ra các chính sách để gia tăng khả năng cạnh tranh cho quốc gia và DN, tăng cường truyền thông để cộng đồng DN hiểu và có chiến lược chuẩn bị cho những biến động, xu hướng thay đổi từ các thị trường lớn trên thế giới.

DI DỜI TRƯỜNG ĐẠI HỌC RA KHỎI NỘI ĐÔ: THIẾU CHÍNH SÁCH HAY THIẾU QUYẾT TÂM?

Theo chuyên gia đô thị, để di dời trường đại học ra khỏi nội đô, cần tính toán nguồn lực xây dựng nhà ở, ký túc xá cho sinh viên và giáo viên. Trong đó, cần tính toán cơ chế chính sách ưu đãi về thuê, mua nhà ở cho đội ngũ giảng viên.

Cụ thể, các chuyên gia nhận định, di dời các trường ĐH không nhất thiết vẫn ở trong Hà Nội, vì trong định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng có Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm và Vùng Thủ đô. Các ba vùng đều đặt ra vấn đề tiếp nhận các trường ĐH để trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển đào tạo giáo dục. Đồng thời dẫn chứng khi xây dựng trường ĐH, Các nước trên thế giới đều tính toán xây dựng nhà ở cho sinh viên, giáo viên và có chính sách ưu đãi. Trong đó nhà ở giáo viên là đặc thù, tùy cấp độ mà có người được giao nhà, có người được cho thuê, có người được mua nhà với giá ưu đãi. Di dời các trường ĐH ra khỏi nội đô là yêu cầu cấp bách. Đã có rất nhiều chỉ đạo, cuộc họp, hội thảo tại nhiều cấp nhằm giải quyết vấn đề này nhưng tiến độ vẫn “giậm chân tại chỗ”. Vậy do thiếu chính sách hay thiếu quyết tâm của lãnh đạo mỗi trường, của nhiều cấp ngành liên quan?

NHIỀU HÌNH THỨC LỪA ĐẢO BÁN HÀNG QUA MẠNG, ĐẦU TƯ TIỀN KỸ THUẬT SỐ NỞ RỘ

Theo thống kê tại Việt Nam, có tới gần 26 triệu người sở hữu tiền kỹ thuật số, trong khi nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền kỹ thuật số nào. Đáng lưu ý, số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến tiền kỹ thuật số tại Việt Nam chiếm tới 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Theo đó, nhiều đối tượng lừa đảo dụ dỗ dưới hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền mã hóa, một loại tài sản có giá trị điện tử); mua/bán trên các sàn giao dịch nhị phân, sàn đầu tư ngoại hối… cam kết trả lãi suất cao gấp nhiều lần và hoàn tiền nếu gặp rủi ro đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng. Và bằng nhiều chiêu trò, các đối tượng sở hữu các app không minh bạch để lôi kéo và thu hút hàng chục nghìn người tham gia đầu tư, rồi bất ngờ đóng tài khoản của nạn nhân để chiếm đoạt tiền. Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo này là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp, hay thậm chí là cả các cán bộ hưu trí… Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực; cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào đặc biệt là không gian mạng.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-26-12-quy-dinh-dat-coc-mua-nha-chu-dau-tu-het-co-hoi-tu-tung-tu-tac-204449.htm