Dịch vụ công - tiện dụng hay mức phí?

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi quy định thu phí, lệ phí nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Lợi ích của dịch vụ công trực tuyến cho bản thân người dùng rất lớn nhưng vì sao họ chưa mặn mà? Nguyên nhân có đơn thuần là mức phí?

Số liệu Cổng dịch vụ công Quốc gia công bố cho thấy trong năm 2022, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công nộp trực tuyến đạt 35,62% (9,6 triệu hồ sơ được nộp trực tuyến/27 triệu tổng số hồ sơ dịch vụ công). Trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đưa ra là năm 2023, số lượng hồ sơ nộp trực tuyến sẽ đạt 50%.

Với việc số lượng hồ sơ giải quyết theo hình thức dịch vụ công trực tuyến như vậy chưa nhiều, Bộ Tài chính đề xuất cần có chính sách khuyến khích sử dụng thông qua giảm phí, lệ phí. Từ khía cạnh tạo động lực, đây là có thể coi là một giải pháp hợp lý. Dù vậy, Thông tư này cần cân nhắc thêm 2 điểm. Thứ nhất, loại dịch vụ công nào sẽ thuộc diện giảm phí, lệ phí? Việc khuyến khích sẽ có hiệu quả, thực chất hơn nếu áp dụng với các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lớn và việc thực hiện trực tuyến với các dịch vụ này chưa phổ biến. Do đó, các dịch vụ công được lựa chọn để giảm phí, lệ phí cần đáp ứng 2 tiêu chí: số lượng hồ sơ lớn và tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến thấp.

Thứ hai, việc giảm phí, lệ phí chỉ có tác động tích cực khi thu hút thêm người dân, doanh nghiệp sử dụng mới (bên cạnh những người sử dụng sẵn có). Vì vậy, nên thiết kế mức giảm mạnh trong thời gian nhất định để tăng độ hấp dẫn thay vì duy trì mức giảm “khiêm tốn” trong thời gian dài. Chẳng hạn, như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề xuất, cơ quan soạn thảo có thể cân nhắc 2 mức: miễn phí, lệ phí (giảm 100%) với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến rất thấp; giảm 50% phí, lệ phí với các dịch vụ công có số lượng nộp hồ sơ trực tuyến thấp.

Tuy nhiên, ngoài việc "giảm giá" để khuyến khích sử dụng “sản phẩm” và “quảng bá” để thu hút người dùng mới, thực chất điều quan trọng hơn là cần đánh giá tại sao người dùng chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến. Giao dịch trực tuyến đem lại hai lợi ích lớn. Một là, tiết kiệm chi phí cho chính bản thân người làm thủ tục do giảm thời gian đi lại, xếp hàng, chờ đợi… Hai là, không tiếp xúc trực tiếp cán bộ làm thủ tục sẽ giảm rủi ro bị nhũng nhiễu, vòi vĩnh các khoản chi phí không chính thức.

Lợi ích là vậy nhưng người dùng không mặn mà chứng tỏ có nguyên nhân khác. Các nghiên cứu chỉ ra, việc thực hiện thủ tục trực tuyến vẫn khó khăn, hay bị lỗi kỹ thuật, thiếu sự hỗ trợ từ bên cung cấp dịch vụ khi gặp sự cố, lỗi. Bên cạnh đó là sự bất tiện, khó dùng; tình trạng “nửa hiện đại, nửa thủ công” khi vẫn cần giấy tờ; nhiều khi chậm hoặc ít phản hồi…

Vì vậy, cùng với việc khuyến khích sử dụng thông qua giảm phí, lệ phí, điều quan trọng hơn là phải cải thiện chất lượng quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân theo hướng đơn giản, dễ làm, dễ thao tác và có phản hồi đầy đủ. Nộp hồ sơ mới chỉ là một phần - chứ chưa đạt đến việc ngồi nhà và làm toàn bộ từ A đến Z - tức chưa đạt "toàn trình". Như vậy, khó có thể nói là trực tuyến và cung cấp được cho người dân dịch vụ xứng đáng như mong đợi.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/dich-vu-cong---tien-dung-hay-muc-phi-i342488/