Dịch giả Nguyễn Duy Bình: 'Không nên phá hủy truyền thống của tha nhân'

Cuối năm 2023, bản dịch tiếng Việt cuốn 'L'Empire des signes' (Đế chế ký hiệu) của Roland Barthes do Nguyễn Duy Bình dịch được ấn hành, tạo một cơn sốt nhẹ ở nhóm độc giả yêu văn hóa Nhật Bản, có quan tâm tới Barthes hay ký hiệu học.

Trước đó 5 năm, dịch giả Nguyễn Duy Bình đã cho ra mắt một dịch phẩm mỏng (và khó) tương tự, cũng về Nhật Bản - cuốn Mặt khác của trăng của Claude Lévi-Strauss. TS. Nguyễn Duy Bình hiện là Phó trưởng Khoa Sư phạm Ngoại ngữ, Trường Đại học Vinh. Ông dành cho chúng tôi cuộc trao đổi ngắn xoay quanh hai dịch phẩm này.

“Nghề bất an”

Tiếp cận Nhật Bản từ Pháp, trong khung thời gian thập niên 1970 và có sự chuyển tiếp chủ nghĩa cấu trúc - hậu cấu trúc. Hai dịch phẩm này có xuất phát từ một chủ ý nhất quán nào đó của người dịch?

Hai dịch phẩm này không phải do tôi lựa chọn mà do các công ty sách đặt hàng. Tuy nhiên, nhờ vậy mà tôi có điều kiện đọc kỹ hai tác phẩm và khám phá tinh hoa văn hóa Nhật Bản qua hai nhà nghiên cứu người Pháp.

Tôi có cảm giác dù là với chìa khóa nhân học hay ký hiệu học, thì Claude Lévi-Strauss lẫn Roland Barthes khi viết bằng tiếng Pháp đều là những hậu duệ của truyền thống René Descartes (hiểu nôm na là tư duy phân tích tính). Tôi nghĩ có lẽ cũng đã gặp nhiều khó khăn và không ít ngập ngừng khi đi vào một Nhật Bản vi tế như những điểm màu (theo Strauss), lại vừa “rỗng” (theo Barthes). Tuy mỏng, nhưng hẳn đây là hai tác phẩm khó chuyển ngữ sang tiếng Việt?

Học giả Pháp thời kỳ hậu hiện đại như Strauss, Barthes, Foucault hay Derrida đều có tư duy sắc sảo, cao siêu và cách diễn đạt ngôn ngữ rất bác học. Tư duy càng bác học thì ngôn ngữ càng cao siêu. Đúng như anh nói, tư duy phân tích tính của Claude Lévi-Strauss và Roland Barthes đã thể hiện qua sự chọn lọc ngôn từ rất hàn lâm và cấu trúc văn phạm rất phức tạp. Không phải là lần đầu tôi dịch tài liệu nghiên cứu (trước đây tôi đã từng dịch bài nghiên cứu của Derrida và Foucault), tuy nhiên tôi nhận thức được mức độ khó của hai quyển sách này.

Người dịch muốn chuyển nghĩa thì trước tiên phải hiểu văn bản đã, anh dịch mà không hiểu ý tác giả muốn nói gì thì câu dịch của anh chỉ là đuổi theo câu chữ, chứ không phải làm chủ câu chữ. Có hiểu thì mới vượt qua bản gốc chứ không chết chìm trong bản gốc. Khi dịch, tôi luôn cố gắng làm sao cho tiếng Việt thuần nhất có thể để bản dịch nó trôi chảy một cách tự nhiên.

Dịch giả Nguyễn Duy Bình. Ảnh: CTV

Cụ thể, làm sao để thể hiện được một “Nhật Bản của Claude Lévi-Strauss” hay “Nhật Bản của Roland Barthes” trong tiếng Việt?

Tiếng Việt vô cùng phong phú, có thể diễn đạt tất cả, kể cả những gì bác học nhất, cao siêu nhất. Vấn đề ở chỗ dịch giả có đủ tầm để chuyển ngữ hay không. Thành thật mà nói, khi dịch Đế chế ký hiệu chẳng hạn, có đoạn tôi thực sự không yên tâm, và điều này vượt qua tất cả những gì gọi là nghĩa từ điển và kiến thức thông thường. Nếu Barthes còn sống thì tôi có thể đã gửi email hỏi ông rồi!

Nói chung người dịch có trách nhiệm thì không bao giờ yên tâm với bản dịch của mình, kể cả thứ tiếng Việt mà mình đã diễn đạt. Nghề dịch đúng nghĩa là nghề bất an. Ở đây, tôi muốn cảm ơn các biên tập viên. Họ là một quyền lực thực sự trong việc bảo đảm chất lượng của bản dịch. Bản dịch trơn tru hơn nhiều với công nhuận sắc của họ.

Strauss từ góc độ nhân học và lịch sử cho rằng nền văn hóa Nhật có tính hướng tâm, còn Barthes thì thông qua các diễn giải ký hiệu học, lại nhấn mạnh yếu tố giải trung tâm khi quan sát mọi mặt của văn hóa Nhật Bản. Là người dịch bám sát hai văn bản này, anh có cho rằng đã có một sự “lệch pha” giữa họ khi cùng nhìn về một đối tượng từ hai phương pháp khác nhau, dù thoạt trông cứ ngỡ tương đồng?

Hai tác giả có một điểm chung đó là có cùng đam mê văn hóa Nhật Bản. Với họ, Nhật Bản có sức hấp dẫn ngoại lai, họ tìm đến Nhật Bản như tìm đến tha nhân để khám phá chính mình. Tuy nhiên, như mọi người biết, Strauss có xu hướng nhìn Nhật Bản dưới góc độ nhân học, huyền thoại học, tức ông chú trọng đến truyền thống hơn là hiện tại. Ông đã từng nói nghề của các nhà nhân chủng học là quá khứ.

Người dịch muốn chuyển nghĩa thì trước tiên phải hiểu văn bản đã, anh dịch mà không hiểu ý tác giả muốn nói gì thì câu dịch của anh chỉ là đuổi theo câu chữ, chứ không phải làm chủ câu chữ.

Hơn nữa, Strauss chủ yếu thể hiện óc khảo sát tư liệu, đúng hơn là soi chiếu những gì tai nghe mắt thấy ở Nhật Bản bằng tư liệu khi viết Mặt khác của trăng. Đọc Mặt khác của trăng, ta thấy như lạc vào một cõi huyền thoại, đầy điển tích.

Với Đế chế ký hiệu, Barthes lại thể hiện óc quan sát cực kỳ tinh tế về một Nhật Bản hiện đại với những ghi chép, phác họa rất chi tiết nhưng cũng rất đời thường, như những trang nhật ký du lịch có minh họa bằng hình ảnh vậy. Bằng những tản văn, Barthes đã biến những điều tưởng chừng như tầm thường trở thành có ý nghĩa.

“Bởi chính mình là tha nhân”

Rõ ràng, cả hai cuốn sách này đều truyền đến người đọc một nguồn cảm hứng để đi vào một nền văn hóa khác biệt. Và đồng thời cũng có ý nghĩa trong việc soi chiếu lại bản sắc hay căn tính mỗi dân tộc, quốc gia thông qua những cái nhìn đến từ bên ngoài (Claude Lévi-Strauss có nói, bản chất văn hóa là vô ước). Anh nghĩ sao về những “gợi ý” này trong bối cảnh toàn cầu hóa và những cuộc khủng hoảng chia rẽ vẫn không ngừng diễn ra mà một phần là do con người ngày càng mất khả năng thấu hiểu, mất ham muốn được hiểu người khác và được người khác hiểu mình?

Câu hỏi của anh tự nó đã là một câu trả lời mang chiều kích triết học. Triết học phương Tây đã nghiên cứu sâu về khao khát của con người trong việc đi tìm tha nhân để hiểu bản thể. Paul Ricoeur có cuốn Chính mình là người khác trong đó ông khẳng định “Tha nhân không chỉ bù đắp cho cái tôi bản thể mà còn góp phần thầm kín tạo nghĩa cho cái tôi bản thể”. Nỗ lực tìm hiểu tha nhân thì phổ biến ở mọi quốc gia, tuy nhiên, tìm hiểu tha nhân từ phương pháp tiếp cận khoa học sắc sảo như các học giả hiện đại Pháp như Lévi-Strauss, Barthes hay Derrida thì không nhiều. Những nghiên cứu của các tác giả này hẳn đã làm dấy lên cái gọi là niềm đam mê Nhật Bản ở người Pháp. Cựu Tổng thống Jacques Chirac đã từng thăm Nhật Bản đến gần 50 lần!

Hai dịch phẩm của dịch giả Nguyễn Duy Bình đã tạo cơn sốt nhẹ ở nhóm độc giả yêu văn hóa Nhật Bản. Ảnh: NVN

Tôi nghĩ sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã được thế giới hiểu hơn rất nhiều và nhờ vậy, ít nhất sau khi quân đồng minh rút khỏi đất nước từ năm 1952, họ gần như không có xung đột lớn với bất cứ quốc gia nào và thậm chí đã trở nên phồn thịnh về cả kinh tế lẫn văn hóa đến mức các cường quốc phương Tây cũng phải ganh tị! Dân tộc nào, tôn giáo nào cũng có căn tính riêng, mà đã gọi là căn tính thì các giá trị riêng biệt đã cắm rễ sâu vào truyền thống. Chính Lévi-Strauss có nói trong Mặt khác của trăng: để sống ở hiện tại, không nhất thiết phải căm ghét và phá hủy quá khứ.

Nếu dân tộc này không nỗ lực tìm hiểu dân tộc kia mà cứ cố tìm cách làm cho các giá trị truyền thống của người khác bật rễ thì dĩ nhiên sẽ xảy ra xung đột, khủng hoảng quan hệ.

Việc dịch những cuốn như Đế chế ký hiệu, Mặt khác của trăng có ý nghĩa thế nào với công việc nghiên cứu ở đại học của anh?

Là người làm nghề dạy học, tôi thấy việc đọc và dịch các tài liệu nghiên cứu về văn hóa giúp tôi rất nhiều trong việc giảng dạy. Cho dù hai cuốn này nói về Nhật Bản nhưng ngay cả khi tôi không dạy về văn hóa Nhật Bản thì tôi cũng có thể sử dụng ngữ liệu này để minh chứng cho các phương pháp tiếp cận khoa học. Tôi nghĩ hai cuốn này sẽ là tư liệu tốt cho những ai quan tâm đến việc nghiên cứu Nhật Bản.

Về công việc nghiên cứu, tôi có mối quan tâm lớn đến vấn đề tường giải học, đặc biệt liên quan đến dịch thuật. Việc dịch hai cuốn này ít nhiều giúp tôi nhìn nhận rõ hơn về vấn đề dịch thuật hay diễn giải văn hóa.

Xin cảm ơn anh.

Nguyễn Duy Bình là tiến sĩ ngành văn học so sánh, luận án về tiếp nhận văn học Pháp, bảo vệ tại Đại học Aix-Marseille 1 (Pháp) năm 2008.

Các dịch phẩm đã xuất bản:
1. Những linh hồn xám (tiểu thuyết của Philippe Claudel), xuất bản năm 2008
2. Lời hứa lúc bình minh (tiểu thuyết của Romain Gary), xuất bản năm 2009
3. Vườn tình (tiểu thuyết của Marcus Malte), xuất bản năm 2010
4. La Mã sụp đổ (tiểu thuyết của Jérôme Ferrari), xuất bản năm 2013
5. Không khóc (tiểu thuyết của Lydie Salvayre), xuất bản năm 2016
6. Vera (tiểu thuyết của Jean-Pierre Orban), xuất bản năm 2016
7. Hẹn gặp lại trên kia (tiểu thuyết của Pierre Lemaître), xuất bản năm 2016
8. Nam và Sylvie (tiểu thuyết của Phạm Duy Khiêm), xuất bản năm 2017
9. Mặt khác của trăng (tiểu luận của Claude Lévi-Strauss), xuất bản năm 2017
10. Mênh mông đại dương và muôn trùng hải đảo (tiểu thuyết của Jean-Pierre Orban), xuất bản năm 2019
11. Mẹ (tập thơ của Hélène Delforge và Quentin Greban), xuất bản năm 2019
12. Paul Cézanne (chân dung họa sĩ của Gérard Denizeau), xuất bản năm 2021
13. Đế chế ký hiệu (tiểu luận của Roland Barthes), xuất bản năm 2023.

Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dich-gia-nguyen-duy-binh-khong-nen-pha-huy-truyen-thong-cua-tha-nhan-43188.html