Dịch cúm gia cầm: khó kiểm soát

SGTT.VN - Nguy cơ lây nhiễm vi rút H5N1 và H7N9 từ đàn gia cầm nội và gia cầm nhập lậu vẫn rất nhiều do khó kiểm soát nguồn lây bệnh. Thông tin này được đưa ra từ cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chiều ngày 19.4

Gia cầm nhập lậu: vẫn tràn lan

Để kiểm soát nguồn lây nhiễm vi rút H7N9 đang gây ra dịch tại Trung Quốc, việc kiểm soát nhập lậu gia cầm từ biên giới phải được thực hiện triệt để. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: “Chưa thể ngăn chặn được gia cầm nhập lậu vì việc này đem lại siêu lợi nhuận cho thương lái”. Càng khó nhập lậu thì thủ đoạn của họ càng tinh vi hơn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: “Chưa thể ngăn chặn được gia cầm nhập lậu vì việc này đem lại siêu lợi nhuận cho thương lái”.

Theo ông Trọng, hàng ngày vẫn có 2-3 tấn gà thải loại được bán ở chợ Hà Vỹ, Hà Nội. Không chỉ gà thịt, chợ gà giống Phú Xuyên, Hà Nội, vẫn bán gà choai, ngỗng và vịt choai (loại chưa lớn hẳn) mà những loại này thị trường nội địa hầu như không bán, chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc.

“Một số nơi khẳng định 100% gà đều có giấy kiểm dịch là không đúng”, ông Trọng nói. Theo ông Trọng, quy định không bắt buộc ngành thú y phải thực hiện kiểm dịch và cấp giấy kiểm dịch cho các lô gia cầm từ 50 con trở xuống nên thương lái đã tìm cách xé nhỏ các lô hàng và vận chuyển gia cầm bằng xe máy nên dễ dàng qua các trạm kiểm dịch.

Tại tỉnh Cao Bằng, có thông tin cho thấy cả sáu chợ tại thành phố Cao Bằng và hai chợ huyện của tỉnh đều nhiều gà Trung Quốc nhập lậu, thậm chí cả người Trung Quốc cũng sang các chợ này để trực tiếp bán.

Theo thông tin liên ngành y tế- nông nghiệp- công an- công thương cho biết, khi kiểm tra gà Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam thì 100% là gà thải loại, 46,25% có nhiễm cúm gia cầm (cúm A), 95% có lượng kháng sinh độc hại, 100% có các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Những chất này khiến buồng trứng của con gà teo lại và hầu như hỏng.

Trong nước: thêm chim trĩ nhiễm H5N1

Thông tin mới nhất vào chiều ngày 19.4 từ ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết, đã phát hiện thêm 177 con chim trĩ tại Tiền Giang dương tính với vi rút H5N1.

Trước đó cơ quan thú y đã phát hiện ra các mẫu dương tính với vi rrút H5 N1 từ chim yến chết tại tỉnh Ninh Thuận. “Chim yến sống hoang dã, dù được nuôi nhưng cũng đi kiếm mồi khắp nơi nên có thể chúng không chết gần tổ khi bị nhiễm cúm mà chết trên đường kiếm ăn nên thực sự khó kiểm soát nguồn lây nhiễm này”, ông Đàm Xuân Thành, phó cục trưởng cục Thú y (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết.

Theo ông Thành, hiện nay cục Thú y đã rà soát lại 500 mẫu được lấy từ gia cầm nhập lậu và gia cầm tại các chợ có nguy cơ nhiễm cúm cao vào tháng 9.2012 để xét nghiệm bổ sung và xác định các mẫu này có vi rút cúm A nhưng không có vi rút H5N1 và H7N9.

Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, để kiểm soát tốt các nguồn lây bệnh cúm H5N1 và H7N9 từ gia cầm hiện nay, cơ quan thú y cần triển khai lấy mẫu và xét nghiệm khoảng 7.500 mẫu từ gia cầm trong hai tuần tới và bộ này sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan khác để ngăn chặn gia cầm nhậu lậu.

Đồng thời, với những đàn chim nuôi tại các vùng ổ dịch, cơ quan thú y cần khoanh vùng, bao vây và tiêu hủy để dập dịch.

Lê Phượng

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/thoi-su/176869/dich-cum-gia-cam-kho-kiem-soat.html