Dịch chuyển dân cư do BĐKH

Theo kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng năm 2015, kịch bản chi tiết được cập nhật đến cấp huyện, kịch bản nước biển dâng đến cấp tỉnh, bản đồ nguy cơ ngập úng với mực nước biển dâng chi tiết đến cấp xã.

Về mực nước biển dâng, số liệu quan trắc cho thấy khu vực ven biển Nam bộ tăng mạnh nhất: 5,6mm/năm. Như vậy có nghĩa, nếu nước biển dâng 1m, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có nguy cơ ngập cao (39,40% diện tích), trong đó tỉnh Kiên Giang có nguy cơ ngập cao nhất (75% diện tích).

Vì vậy, dự kiến sẽ có dịch chuyển dòng di cư của nông dân các vùng ven biển bị tác động bởi BĐKH và nước biển dâng lên các đô thị vùng phía Bắc và phía Tây, như: Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tân An… Điều này khiến các quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thách thức, môi trường đô thị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số.

Tại TP Rạch Giá nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, đẩy nước ngọt trên sông Cái Sắn và kênh Rạch Giá - Hà Tiên ra xa hơn. Các khu vực trồng rau màu dọc theo hai tuyến này đang đứng trước nguy cơ thiếu nước tưới tiêu và phải kết thúc sớm mùa vụ. Khu vực trồng rau ở P.Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá cũng đang gặp khó khăn về nước tưới vì nước mặn đã xâm nhập đến kênh thủy lợi phía Nam.

Tình trạng xâm nhập mặn cả về nồng độ lẫn chiều sâu vào nội địa ở tỉnh Kiên Giang đang là vấn đề cấp thiết, cần có biện pháp phòng chống để phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở địa phương. Để giải quyết phần nào ảnh hưởng xâm nhập mặn, Kiên Giang đã tập trung thực hiện một số biện pháp cụ thể như tạo nguồn nước đủ để đẩy lùi mặn như nạo vét kênh mương và tăng khả năng tiêu thoát; Hệ thống công trình thủy lợi như đê bao và cống đập ngăn mặn đồng bộ khép kín; Nạo vét khơi thông kênh rạch nội đồng để tăng khả năng chuyển nước; Xây dựng các trạm đo mặn ở các cống đầu mối cả phía sông và phía đồng.

Không chỉ có Kiên Giang, với đô thị lớn nhất nước là TP.HCM, nguy cơ ngập lụt cũng hiển hiện. Các dữ liệu thủy văn cho thấy, tình trạng gia tăng liên tục của mực nước trên sông Sài Gòn cùng với những trận mưa có vũ lượng lớn xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn, trong khi hệ thống thoát nước và kiểm soát triều vẫn chưa đủ khả năng đáp ứng đã làm cho tình trạng ngập lụt đô thị ở TP.HCM ngày càng trở nên trầm trọng.

Các phân tích về diễn biến đô thị hóa ở TP.HCM đều cho thấy sự biến động rất mạnh trên toàn cục đã có tác động xấu đến tình hình mưa và mực nước trong khu vực. Vì thế, các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông và kiến trúc cần hướng giảm bớt dần tỉ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ, tăng hệ số phản xạ bề mặt, tiết kiệm năng lượng để giảm nhiệt độ đô thị là những giải pháp tích cực giúp ngăn chặn quá trình vũ lượng tăng dần. Việc khôi phục lại các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát việc khai thác nước ngầm cũng như phân tán tải trọng bằng cách hạ thấp chiều cao của các khối nhà cũng góp phần cải thiện tình trạng lún trên diện rộng.

Thêm nữa, việc bao đê quá sớm trên diện rộng về thực chất càng thúc đẩy mạnh hơn các tác động nhân tạo đang làm xấu đi tình trạng ngập lụt đô thị hiện nay ở TP.HCM. Về lâu dài, tác động của hiện tượng mực nước biển dâng cùng với tình trạng lún mặt đất sẽ ngày càng rõ rệt và đòi hỏi các giải pháp tổng hợp để ứng phó. Bằng không, kinh phí lên đến hàng tỉ USD dành cho dự án kiểm soát triều có thể sẽ không mang lại hiệu quả cho việc giảm ngập ở TP.HCM.

Rõ ràng, giải pháp bền vững cho vấn đề ngập lụt và di dân ở các vùng chịu tác động của BĐKH trước mắt và lâu dài cần phải được tiếp cận theo hướng tổng hợp giữa nhiều yếu tố: Bảo vệ bằng giải pháp công trình; Thích nghi và hòa hợp với thiên nhiên; thậm chí, đối với một số khu vực, có thể phải chọn cả giải pháp rút lui để tránh lao vào một cuộc chiến với thiên nhiên mà sẽ không có điểm dừng.

Ngọc Lý

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/dich-chuyen-dan-cu-do-bdkh.html