Dị ứng mỹ phẩm, làm sao tránh?

Sử dụng mỹ phẩm không nguồn gốc có thể gây dị ứng. ( Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG )

Rẻ cũng hại mà đắt cũng hại Trên thị trường, tại các thành phố lớn hiện nay có đa chủng loại mỹ phẩm, từ rẻ đến đắt tiền; từ hàng hiệu đến hàng xách tay... Chị em tha hồ lựa chọn sản phẩm phù hợp với túi tiền của mình. Là sinh viên năm thứ ba Học viện Ngân hàng (Hà Nội), cũng như các bạn cùng trang lứa, N.M.Kh., bắt đầu chú ý đến việc trang điểm để được xinh hơn và nổi bật trước đám đông trong những ngày lễ, hội của sinh viên. Hiềm nỗi, để mua được một bộ trang điểm (make-up) hàng hiệu thì phải mất ngót nghét chục triệu, cô không có đủ. Gần đây, nghe bạn mách có một người chuyên bán mỹ phẩm hàng xách tay vừa rẻ vừa đẹp cho nên chẳng cần suy nghĩ nhiều, vội đến lựa hàng "kẻo hết"... Tính chưa đến hai triệu đồng mà Kh. đã có trọn bộ "make-up" ưng ý. Tuy nhiên, sau khoảng ba tháng sử dụng, Kh. thấy da mặt sạm và mốc. Cô đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán sạm da do sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng. Bước sang tuổi "băm", ai cũng khen chị Tr.T.H. trẻ và vẫn giữ được nước da đẹp như thời con gái. Tuy vậy, chị H. tự biết mình đang bị "xuống cấp" bởi các vết nhăn nơi đuôi mắt và chiếc cằm hơi sệ mà phải ngắm kỹ mới thấy được. Chị đã nghĩ đến việc sử dụng các loại kem dưỡng da, chống nhăn, chống xệ, tái tạo da... để duy trì và kéo dài tuổi trẻ. Là người kỹ tính cho nên trước khi làm việc gì chị cũng cân nhắc cẩn thận, chị không tiếc bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua bộ mỹ phẩm và nhờ năm hãng mỹ phẩm khác nhau tư vấn cách sử dụng. Tuy nhiên, dù đã mua hàng hiệu, đắt tiền như vậy, nhưng chị H. vẫn bị mỹ phẩm làm hại. Ngay buổi đầu tiên cô nhân viên bán hàng kiêm chuyên gia chăm sóc sắc đẹp của hãng mỹ phẩm đến tận nhà mát-xa da mặt (theo bộ mỹ phẩm chị đã mua) chị đã thấy hơi ngứa ngáy mặt, nhưng chị nghĩ, chắc do da mình mỏng, cho nên lần đầu mát-xa có thể khiến nó bị như thế, chứ bộ dưỡng da chị mua đắt như thế thì làm gì có chuyện... Chỉ đến lần mát-xa thứ ba, khi các nốt mụn nước bắt đầu mọc ở hai bên cằm chị mới tá hỏa và dừng hẳn mát-xa. Nhưng không dừng ở đấy, các mụn mủ nhỏ to "thi nhau" mọc lần lượt từ hai bên cằm lan dần lên hai bên má khiến chị kinh hãi và đến chuyên khoa da liễu khám bệnh. Tại đây, bác sĩ đã kết luận chị bị dị ứng mỹ phẩm do da của chị quá dễ bị kích ứng. Lần ấy, tuy các mụn không để lại sẹo nhưng cũng phải mất nửa năm sau, các vết thâm trên da mặt mới dần biết mất. Tuy tiếc của, nhưng chị H. cũng không dám tặng lại ai, đành vứt đi bộ mỹ phẩm đắt tiền mà trong lòng hậm hực: tiền mất tật mang... Theo bác sĩ Lê Đức Thọ, Trưởng khoa da liễu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ, những trường hợp được coi là dị ứng mỹ phẩm nếu thấy có những dấu hiệu sau, đó là: Cảm thấy ngứa hay đau rát tại chỗ khoảng năm đến mười phút sau khi dùng mỹ phẩm. Có thể nổi mẩn ngứa, lúc đầu ít rồi tăng dần thành những nốt ban đỏ, mụn nước. Vùng mắt, nhất là quanh mắt thường bị hiện tượng này. Một số trường hợp bị nổi mày đay, viêm da tiếp xúc, mụn trứng cá, khô da, teo da. Một số mỹ phẩm chiết xuất từ thực vật khi phản ứng với ánh sáng có thể để lại vết sạm đen trên da. Móng tay, móng chân bị bong tróc, thay đổi mầu, viêm đau do thuốc sơn móng. Tóc giòn, gãy, xơ cứng do các loại thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc. Ngoài tác dụng tại chỗ, dị ứng mỹ phẩm còn có thể có những tác hại toàn thân, đôi khi để lại di chứng khó hồi phục. Tại sao dị ứng? Ngoài tác dụng làm đẹp tích cực, đôi khi mỹ phẩm có thể gây tình trạng dị ứng với tác hại không mong muốn mặc dù tỷ lệ dị ứng mỹ phẩm không cao, ước lượng khoảng 0,68/100.000 lượt người sử dụng. Trên thực tế, số người dùng mỹ phẩm bị dị ứng có thể còn nhiều hơn nhưng vì ở mức độ nhẹ, không đáng phải đến bác sĩ điều trị, cho nên không được ghi nhận. Bác sĩ Lê Đức Thọ cho biết, khi dùng mỹ phẩm để làm đẹp tức là ta đưa những "chất lạ" vào cơ thể. Cơ thể ta có thể chấp nhận những "chất lạ" đó với phản ứng bình thường, không ảnh hưởng đến các quá trình sinh học khác của hoạt động sống. Đôi khi, những hóa chất trong mỹ phẩm lại gây ra các phản ứng quá mẫn, đó là tình trạng dị ứng. Dị ứng mỹ phẩm có khi chỉ là các triệu chứng nhẹ như ngứa ngáy, sưng phù, nổi mày đay, nổi mụn..., nhưng cũng có thể nghiêm trọng như sốc phản vệ, dẫn đến tử vong. Tất cả các loại mỹ phẩm, dù là hàng hiệu đắt tiền hay các loại hàng không rõ nguồn gốc, đều là những "chất lạ" và có thể gây dị ứng cho người sử dụng. Thường dễ gây dị ứng nhất do các bạn gái là các loại nước hoa, thuốc mọc tóc, kem làm trắng da, kem chống nếp nhăn, kem chống mọc lông. Tiếp theo là các loại thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng tóc, hóa trang mặt, kem trị mụn trứng cá, kem lót khi trang điểm, son môi, kem chống nắng, thuốc khử mùi và giảm mồ hôi. * BS Lê Đức Thọ, Trưởng khoa Da liễu, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cách xử trí khi bị dị ứng mỹ phẩm: Nếu nghi ngờ bị dị ứng loại mỹ phẩm nào, đầu tiên là phải ngừng sử dụng ngay và rửa sạch vị trí bôi mỹ phẩm bằng nước sạch. Trường hợp bị dị ứng nghiêm trọng, cần đến khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Việc điều trị muộn sẽ làm tình trạng dị ứng nặng nề hơn, khó chữa và có thể để lại dấu vết trên da, gây mất thẩm mỹ. Tuyệt đối không nên tiếp tục sử dụng lại loại mỹ phẩm đã gây dị ứng hoặc tự điều trị vì có thể gây nguy hiểm, đặc biệt ở những người sẵn có cơ địa dị ứng, sẩn ngứa, mày đay, hen phế quản... Không nên lạm dụng việc đắp mặt nạ thiên nhiên vì nhựa tiết ra từ các loại củ quả cũng có thể gây dị ứng, viêm nhiễm cho da khi không phù hợp. Cách lựa chọn mỹ phẩm thích hợp: 1- Chọn mua những loại mỹ phẩm đã quen dùng, có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chất lượng tin cậy được và không gây dị ứng. Không nên mua mỹ phẩm sử dụng theo người khác hoặc các loại mỹ phẩm pha chế truyền khẩu. Trước khi dùng một loại mỹ phẩm mới nào, nên bôi thử một ít trên phần da nhỏ, sau vành tai chẳng hạn, trong vòng ít nhất 24-48 giờ. Sau đó, nếu không thấy có phản ứng gì lạ tại chỗ mới có thể sử dụng tiếp. 2- Nên mua mỹ phẩm một lần để dùng được tương đối lâu; trong quá trình dùng phải bảo quản và giữ vệ sinh cẩn thận, tránh ánh nắng và nhiệt độ cao. Khi dùng xong, nhớ đậy nắp kín và nên thường xuyên vệ sinh các dụng cụ làm đẹp như bông phấn, chổi kẻ môi, mắt... để tránh gây nhiễm trùng da do dụng cụ bẩn. 3- Không dùng chung mỹ phẩm với người khác. Cuối cùng, điều mà bạn cần nhớ nhất là mỹ phẩm chỉ đem đến vẻ đẹp tạm thời bên ngoài. Muốn có một làn da thật sự đẹp, khỏe, tươi tắn, bạn hãy chăm chỉ tập thể dục, giữ vệ sinh da tóc, uống đủ nước, ăn nhiều rau quả, trái cây, thức ăn chứa nhiều vitamin C, vitamin E.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhan-dan-h-ng-thang/nhan-dan-h-ng-thang/i-s-ng-x-h-i/d-ng-m-ph-m-lam-sao-tranh-1.311982