Di tích văn hóa lịch sử Hội thề Lũng Nhai đang bị lãng quên?

Di tích văn hóa lịch sử Hội thề Lũng Nhai (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) là di tích có ý nghĩa to lớn về mặt văn hóa, lịch sử quan trọng. Tuy nhiên chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Ngày 31/12/2013, Di tích lịch sử văn hóa Hội Thề Lũng Nhai trên đồi Bái Chanh (khu vực Pù Me, thuộc thôn Xuân Thành, xã Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa) đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Bằng di tích cấp tỉnh, thành phố.

Mặc dù di tích lịch sử văn hóa Hội thề Lũng Nhai có giá trị hết sức to lớn về mặt văn hóa lịch sử nhưng vẫn chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm.

Đường lên di tích này phải đi qua đoạn đường đất dài, dốc, nhiều đá sỏi. Nếu trời mưa thì phải đi bộ mới lên được. Các hạng mục ở khu trung tâm di tích Hội thề Lũng Nhai như bia tưởng niệm vinh danh 19 vị anh hùng tham gia buổi lễ hội thề, hệ thống tượng đài, miếu thờ, nhà tưởng niệm... vẫn chưa được xây dựng.

Di tích văn hóa lịch sử Hội thề Lũng Nhai chưa được quan tâm đầu tư xứng tầm. Thành nơi chăn thả dê với đầy rác rưởi bên ngoài.

Gian nhà thờ để người dân dâng hương vào các ngày lễ được bà con xây dựng nhưng không có người trông coi trở thành nơi ở của đàn dê. Xung quanh khu nhà thờ có rác, phân dê vương vãi khắp nơi.

Hiện nay, trong vùng có nhiều địa điểm di tích liên quan đến 19 vị anh hùng trong Hội thề Lũng Nhai được người dân lưu truyền qua các câu truyện kể. Dưới chân Pù Me có một khu mộ đá rộng hơn 2 héc ta có hàng ngàn ngôi mộ cổ được cho là nơi chôn cất của nghĩa quân Lam Sơn. Trước kia, nhiều người dân trong vùng đã đập bia đá mang về làm móng nhà, nấu vôi.

Vị trí được cho là nơi diễn ra hội thề.

Sau đó, UBND xã Ngọc Phụng nghiêm cấm không cho người dân xây nhà trong khu mộ cổ, ngăn chặn việc đập đá làm thay đổi hiện trạng của khu mộ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều hộ dân đến nhận người nằm dưới mộ đá là tổ tiên của gia đình mình nên tự ý mang xi, gạch, cát ra xây dựng lại mộ theo kiến trúc hiện đại.

Dưới chân núi Pù Me còn có làng Xuân Thắng, trước năm 1964, ngôi làng này có tên là làng Phụng Dưỡng do Vua Lê Lợi đặt. Trong làng này có miếu Phụng Dưỡng. Người dân nơi đây kể lại rằng, các tướng lĩnh, binh lính của nghĩa quân Lam Sơn khi đánh giặc nếu bị thương sẽ được đưa về đây điều trị, dưỡng bệnh. Sau khi đánh tan giặc Minh, Lê Lợi đặt tên làng là Phụng Dưỡng để tưởng nhớ công ơn của bà con.

Nơi đây còn có “Hòn đá đánh bài (chơi cờ)” được xem là nơi các vị anh hùng sau khi tham dự hội thề đã đến đây bàn việc quân chống giặc Minh và chơi cờ lúc nhàn rỗi.

Ông Nguyễn Thanh Lâm (Nguyên Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng) chia sẻ, từ khi di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai được nhận bằng xếp hạng cấp tỉnh, thành phố đến nay di tích này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầu tư cho dù là nhỏ nhất từ cấp tỉnh, nhà nước.

Tất cả mọi sự đầu tư, tôn tại đều do người dân trong vùng đóng góp và lấy từ ngân sách địa phương. Trước kia cũng có một doanh nghiệp ở Hà Nội đầu tư mở đường lên di tích và xây dựng một gian nhà thờ, nơi dùng chân cho khách nên mới có được như hôm nay.

Đường lên khi di tích.

Ông Lê Xuân Đấu, Bí thư đảng ủy xã Ngọc Phụng cho biết, lấy ngân sách huy động từ người dân địa phương cùng các nhà hảo tâm nên đã xây dựng được một gian thờ, ba gian khách ngồi nghỉ và một đoạn đường lên di tích. Chính quyền và người dân rất mong được các cấp hỗ trợ đầu tư, quy hoạch khu di tích cho xứng tầm.

Ông Cầm Bá Huyến, Trưởng phòng văn hóa UBND huyện Thường Xuân chia sẻ, việc tôn tạo, tu bổ khu di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn ngân sách. Địa phương lại là huyện miền núi nghèo nên cần được hỗ trợ về vốn. Hiện, khi di tích vẫn chưa có quy hoạch cụ thể, việc này phụ thuộc vào ý kiến của các nhà khoa học thì mới cho xây dựng bia tưởng niệm, cụm tượng, đình, miếu thờ được.

Nguyệt Chi

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/di-tich-van-hoa-lich-su-hoi-the-lung-nhai-dang-bi-lang-quen-d40449.html