Di tích Hải Vân Quan: Của tin còn lại chút này!

Ngày 17-11, hai Sở Văn hóa-Thể thao thành phố Đà Nẵng và TT- Huế đã ký kết bản ghi nhớ về bảo vệ và phát huy giá trị của di tích Hải Vân Quan. Thế là bao nhiều năm chờ đợi, cuối cùng đã có một tín hiệu tích cực để bảo vệ Hải Vân Quan đang xuống cấp nghiêm trọng.

Có lẽ ít có di tích nào có giá trị đặc biệt như Hải Vân Quan lại có số phận hẩm hiu khi trong suốt bao nhiêu năm, di tích này cứ trơ gan cùng tuế nguyệt mà chẳng có sự trùng tu hay tôn tạo nào. Thế nên khi Hải Vân Quan ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, hai cửa quan, phần chính của công trình dần bong tróc, lối đi bị xói lở và che khuất bởi cây cỏ um tùm. Hằng ngày có rất đông du khách đến tham quan Hải Vân Quan, tuy nhiên lại không có sự quản lý cụ thể nào. Khách du lịch xả rác, leo trèo lên các lô cốt để chụp ảnh, không ít cặp đôi vẽ hoặc khắc tên lên tường di tích để lưu dấu tình yêu; các dịch vụ du lịch ở đây thì bát nháo, việc chèo kéo du khách xảy ra thường xuyên... Những hình ảnh như thế, không khỏi khiến cho người quan tâm đến di tích Hải Vân Quan xót xa...

Lãnh đạo hai Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cùng ký kết bản ghi nhớ bảo vệ di tích Hải Vân Quan.

Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), trong Đại Nam thực lục chính biên chép rằng "Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ "Hải Vân Quan", ngạch sau viết 6 chữ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Tương truyền cái tên "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" do vua Lê Thánh Tông đặt, khi ông dừng chân trên đỉnh Hải Vân trong một lần nam chinh. Đúng như tên gọi, Hải Vân Quan là cửa ngõ hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc Nam thuở trước. Các vua triều Nguyễn đã chú trọng xây dựng Hải Vân Quan kiên cố. Các số liệu xưa còn lưu lại cho thấy cửa trước Hải Vân Quan cao và bề dài 15 thước, ngang 17 thước 1 tấc; cửa sau bề cao 15 thước, dài 1 thước, ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, bề ngang 8 thước 1 tấc, hai bên tả hữu cửa quan xếp đá làm tường, trước sau liền nhau. Chính nhờ vậy, Hải Vân Quan đã góp phần ngăn bước tiến của quân Pháp từ Đà Nẵng ra kinh đô Huế trong cuộc chiến năm 1858. Từ một quan ải lừng lẫy, bây giờ Hải Vân Quan xuống cấp và có nguy cơ trở thành phế tích.

Nói về thực trạng của Hải Vân Quan, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng cho rằng, "Hải Vân Quan chứa đựng những giá trị quan trọng về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, quân sự gắn liền với vương triều nhà Nguyễn nên rất đau lòng khi nhìn thấy sự xuống cấp của di tích. Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này nhưng chủ yếu là do nhập nhằng về địa giới hành chính giữa thành phố Đà Nẵng và TT-Huế, nên việc bảo tồn, bảo vệ Hải Vân Quan vẫn chưa được tiến hành".

Di tích Hải Vân Quan đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Với những bức thiết như thế, nên hai Sở VH-TT thành phố Đà Nẵng và TT-Huế đã cùng bàn cách cứu di tích Hải Vân Quan. Theo biên bản ghi nhớ, thời gian tới Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Quản lý Di sản thành phố Đà Nẵng hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Hải Vân Quan, trình Sở VH-TT hai địa phương báo cáo lãnh đạo hai thành phố đề nghị Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia. Đồng thời, tiến hành khoanh vùng bảo vệ Hải Vân Quan gồm hai khu vực I và II thuộc địa giới hành chính của H. Phú Lộc (tỉnh TT-Huế) và Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) để đảm bảo giữ gìn, bảo tồn những hạng mục, yếu tố gốc gắn liền với công trình và tạo cơ sở cho việc phục hồi, tu bổ, tôn tạo cũng như phát huy hiệu quả giá trị của Hải Vân Quan. Sở VH-TT hai địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch bảo tồn sau khi công trình được xếp hạng di tích. Trong khi chờ đợi hai địa phương làm thủ tục để công nhận di tích, lãnh đạo 2 Sở cũng thống nhất đề nghị giao cho H. Phú Lộc và Q. Liên Chiểu tăng cường công tác kiểm tra, có giải pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan di tích này. Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT TT-Huế cho biết, thời gian đến hai Sở sẽ gấp rút hoàn thành hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia đối với Hải Vân Quan, từ đó sẽ xây dựng phương án bảo tồn và quản lý di tích này theo Luật Di sản, ngăn chặn tình trạng xâm hại và xuống cấp như hiện nay. Còn ông Huỳnh Văn Hùng thì tâm sự: "Hải Vân Quan là di tích lịch sử quan trọng của cả nước chứ không riêng gì của Đà Nẵng hay TT-Huế nên chúng ta phải có phương án bảo vệ di tích này. Bảo tồn và phát huy di tích Hải Vân Quan là trách nhiệm của hậu thế đối với di sản của cha ông".

Việc hai địa phương Đà Nẵng và TT-Huế cùng chung tay bảo vệ di tích Hải Vân Quan quả là tín hiệu vui, bởi Thiên hạ đệ nhất hùng quan chỉ còn lại chút này để tự hào.

Hoàng Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_157833_di-ti-ch-ha-i-van-quan-cu-a-tin-co-n-la-i-chu-t-na.aspx