Di tích chiến thắng Chư Nghé (Gia Lai): Đúng nhưng chưa đủ! (Kỳ cuối): Gửi về Tỉnh ủy Gia Lai!

Nếu nói Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé mà chỉ đề cập trong hồ sơ di tích để công nhận là di tích lịch sử, nội dung cứ liệu lịch sử chỉ ghi trên nhà bia ở Chư Nghé rằng: Vào ngày nọ, tháng kia, năm ấy E nọ, F kia đã tiến công như vũ bão đánh D biệt động quân (VNCH) lập nên chiến công hiển hách... Theo chúng tôi là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứ điểm Chư Nghé bị quân giải phóng tấn công 3 lần. Và, không chỉ 1 lần chiến thắng, cả 3 lần đều chiến thắng!

Chúng tôi, trong đó có 2 chỉ huy là Đại tá Lê Văn Chương, trung tá Nguyễn Văn Thìn (nguyên D phó và chính trị viên phó D là 2 trong 5 chỉ huy trận đánh Chư Nghé) cùng một số cán bộ, chiến sĩ từng tham gia trận đánh cứ điểm Chư Nghé (tháng 9/1972) hiện còn sống tại nhiều địa phương vẫn thường xuyên liên lạc với nhau và luôn tự hào với truyền thống D631 anh hùng.

Cha con cựu binh Rơ Chăm Hết (dân tộc Giá Rai) lúc đánh Chư Nghé là lính truyền đạt D631 anh hùng.

Suốt 10 năm kể từ khi vào chiến trường Tây Nguyên (cuối năm 1964 đến tháng 10/1974), D631 sống, chiến đấu tại vùng ven Khu 4 (huyện 4) Gia Lai với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ đã làm nên “thương hiệu 631” - đơn vị anh hùng. Đặc biệt dù trong điều kiện gian khổ, hết sức khó khăn, ác liệt, bộ đội 631 luôn bám dân, bám buôn, làng “một tấc không đi, một ly không rời” đoàn kết một lòng, đánh giặc vì dân - vì dân nên luôn chở che, đùm bọc lẫn nhau trở thành con em của đồng bào các dân tộc Khu 4 Gia Lai. Xương máu của bộ đội 631 đã đổ xuống mảnh đất Gia Lai không ít, đến hôm nay vẫn còn 264 liệt sĩ (phần nhiều hy sinh tại Gia Lai) kiên cường “bám trụ” nơi chiến trường khốc liệt năm xưa. Máu xương, da thịt những người lính anh hùng năm xưa trong đó có các chiến sỹ hy sinh tại trận đánh cứ điểm Chư Nghé (tháng 9/1972) đã hòa vào cỏ, cây, hoa, lá của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ... Đề cập một chút về vấn đề này, những cựu binh D631 anh hùng còn sống đến hôm nay kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm trước anh linh của các anh hùng liệt sĩ nói chung, của D631 nói riêng.

Tháng 10/1974, cán bộ, chiến sỹ D631 anh hùng tạm biệt Khu 4 Gia Lai thân yêu hành quân sang Đăk Lăk đứng chân trong đội hình E25-B3. Phát huy truyền thống anh hùng “chân ướt chân ráo” đến chiến trường mới D631 là D đánh trận đầu tiên mở đầu Chiến dịch Tây Nguyên (hướng Đăk Lăk) đêm 4 rạng ngày 5/3 tiêu diệt đại đội bảo an, cắt đứt QL21 (nay là QL26). Tiếp đến đánh đoàn xe địch hơn 100 chiếc trên QL21; đánh chiếm giải phóng Quận lỵ Khánh Dương; tiến công lũ dù 3 ngụy trên đèo Phượng Hoàng. Đặc biệt từ ngày 13 đến 16/4/1975, D631 (D1-E 25-B3) là D luồn sâu, lót sẵn tấn công đánh chiếm làm chủ hoàn toàn Sân bay Thành Sơn Phan Rang góp phần giải phóng tỉnh Ninh Thuận ngày 16/4/1975. Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 5/1975, D631 được lệnh hành quân trở lại Đăk Lăk truy quét Fulro, rồi lên biên giới (Đăk Lăk - Campuchia) đánh Khmer Đỏ. Tháng 12/1978, D631 là D1 đứng trong đội hình E142-F315-QK 5 đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia đến năm 1989 mới về nước. Và, hiện nay mang phiên hiệu D4-E142-F315-QK5 đứng chân tại Chu Lai - Quảng Nam.

Nhà bia tại di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé (Ảnh: Báo điện tử Gia Lai)

Trở lại chuyện Di tích Chiến thắng Chư Nghé đã được UBND tỉnh Gia Lai xếp hạng, chúng tôi xin có đôi lời. Nếu nói Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Nghé mà chỉ đề cập trong hồ sơ di tích để công nhận là di tích lịch sử, nội dung cứ liệu lịch sử chỉ ghi trên nhà bia ở Chư Nghé rằng: Vào ngày nọ, tháng kia, năm ấy E nọ, F kia đã tiến công như vũ bão đánh D biệt động quân (VNCH) lập nên chiến công hiển hách... Theo chúng tôi là đúng, nhưng chưa đủ. Bởi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứ điểm Chư Nghé bị quân giải phóng tấn công 3 lần. Và, không chỉ 1 lần chiến thắng, cả 3 lần đều chiến thắng!

Lần thứ nhất, cuộc chiến diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 2/9/1972, D631 anh hùng đội hình là cấp D độc lập trực thuộc Mặt trận Tây Nguyên (B3) dũng mãnh tiến công, tiêu diệt gọn D địch trong công sự vững chắc (cấp D tiêu diệt D địch). Lần thứ 2, vào tháng 9/1973, E48-F320 đã anh dũng tiến đánh cứ điểm Chư Nghé tiêu diệt gọn D địch trong công sự vững chắc (cấp E đánh tiêu diệt gọn D biệt động quân 80 của địch). Trận thứ 3, vào đầu năm 1975, E24-F10 đánh trận hợp đồng binh chủng, tiêu diệt gọn D biệt động trong công sự vững chắc (cấp E đánh D biệt động quân).

Chúng tôi không có ý so sánh vì xương máu bộ đội E28, E24 cũng như xương máu bộ đội 631. Vì thế, khi tôn vinh, ghi danh E48-F320 thì E24, D631 anh hùng cũng phải được ghi danh và tôn vinh... Xây dựng hồ sơ để công nhận là di tích lịch sử thì những cứ liệu, sự kiện lịch sử càng khách quan, trung thực, càng nhiều, càng dầy, di tích càng có sức hấp dẫn, càng lung linh tỏa sáng...

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo các ban, ngành chức năng liên quan và huyện Ia Grai rà soát lại hồ sơ di tich Chiến thắng Chư Nghé. Nếu, trận đánh mẫu mực D631 tiêu diệt D biệt động quân chưa có dòng nào trong hồ sơ hoặc trong lịch sử Đảng bộ Gia Lai xin được bổ sung một chút về hoạt động của D631 anh hùng trên đất Gia Lai thân yêu và trận đánh Chư Nghé năm 1972 để linh hồn các liệt sĩ của D631 trong trận đánh này được siêu thoát...

Chư Nghé, tháng 9/1972 - Thanh Hóa tháng 2/2024

Cao Ngọ

(Cựu chiến binh Tiểu đoàn 631 anh hùng)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quoc-phong-an-ninh/di-tich-chien-thang-chu-nghe-gia-lai-dung-nhung-chua-du-ky-cuoi-gui-ve-tinh-uy-gia-lai/207748.htm