Di sản của Lenin luôn mang tính thời sự

Cố vấn của Giám đốc bảo tàng Lenin- Boris Vlasov cho biết, di sản của Lenin mang tính thời sự không chỉ đối với người dân Nga mà toàn thế giới nói chung.

Ngày 22/4, người dân Nga cũng như nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới kỷ niệm 153 năm ngày sinh lãnh tụ của giai cấp vô sản V.I.Lenin, người đầu tiên đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác vào thực tiễn nước Nga để làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười rung chuyển thế giới.

Hiện tại, ở nước Nga, các bảo tàng, tượng đài, đường phố mang tên Người hiển hiện khắp nơi. Trong số đó, một địa điểm đặc biệt và quy mô hơn cả là khu Bảo tồn-Bảo tàng Lịch sử nhà nước Gorki- Leninskiye, cách trung tâm thủ đô Matxcơva khoảng 40 km. Ở đây có điền trang Gorki, nơi Lenin đã sống những năm tháng cuối đời, bảo tàng “Phòng làm việc và căn hộ của V.I.Lenin ở Điện Kremlin” và “Bảo tàng V.I.Lenin”.

Bảo tàng-điền trang Gorki, nơi V.I.Lenin sống những ngày cuối đời

Ông Boris Vlasov, Cố vấn của Giám đốc Bảo tàng Lenin đích thân hướng dẫn phóng viên thăm quan khu Bảo tồn-Bảo tàng Lịch sử nhà nước Gorki- Leninskiye. Ông là nhà sử học, đã 15 năm gắn bó với công việc này.

Quần thể kiến trúc và công viên của điền trang Gorki là viên ngọc quý của Khu bảo tồn-Bảo tàng Lịch sử nhà nước Gorki- Leninskiye, được xây từ cuối thế kỳ 18 và vào tháng 6/1918 đã được quốc hữu hóa.

Môi trường xung quanh là khung cảnh thiên nhiên Nga đẹp như tranh vẽ, hòa quyện với kiến trúc và lịch sử độc đáo của điền trang.

Ngày 25/09/1918, người đứng đầu chính phủ Xô viết đầu tiên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân V.I. Lênin đã đến đây. Tại điền trang Gorki, Người đã hồi phục sức khỏe sau khi bị thương, sau đó đến nghỉ ngơi và nghỉ cuối tuần. Từ năm 1923, Lenin sống thường xuyên ở Gorki, khi sức khỏe không cho phép tiếp tục làm việc ở Điện Kremlin.

Bàn làm việc của Lenin nhìn ra cửa sổ

Người đã viết sách, các bài báo, thư từ, suy nghĩ về những ý tưởng hình thành nên cơ sở của kế hoạch điện khí hóa nước Nga, sự phát triển của chính sách kinh tế mới và sự thành lập Liên Xô. Tổng cộng, Lenin đã dành hơn hai năm rưỡi ở Gorki.

Trong căn nhà lớn, trên tầng 2, vẫn còn đó bàn làm việc của Lenin trông ra cửa sổ. Lịch trong phòng dừng ở thứ hai ngày 21/1/1924 khi Người ra đi mãi mãi. Còn trong phòng ngủ sát cạnh, nơi Người sống những ngày cuối cùng, vẫn lưu giữ chuông để gọi phục vụ và các loại thuốc dùng để điều trị.

Tấm lịch dừng lại ở thứ hai, ngày 21/1/1924 khi Người trút hơi thở cuối cùng

Điều đáng lưu ý trong căn phòng này là 2 cuốn sách “Hội nghị lần thứ 13 Đảng Cộng sản Nga” và cuốn truyện “Tình yêu cuộc sống” của nhà văn Mỹ Jack London mà Lenin được vợ là bà N.Krupskaya đọc cho nghe trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Các căn phòng của Lenin và gia đình đều được trang bị rất khiêm tốn, chỉ có những vật dụng gần như là tối thiểu, mộc mạc, giản dị.

Ông Boris Vlasov cho biết, nếu nhìn vào lịch sử thế kỷ XX, có lẽ khó tìm thấy một nhân vật như vậy, người đã tạo ra những ảnh hưởng to lớn trong toàn bộ lịch sử thế giới, trong các mối quan hệ giữa các tầng lớp xã hội, trong mối quan hệ giữa nhân dân và nhà nước:

“Công lao vĩ đại của Lenin ở chỗ, Người chỉ ra rằng, người lao động có thể và nên tạo dựng nhà nước riêng của mình, dựa trên sự khởi đầu của công bằng, sự khởi đầu của tôn trọng lẫn nhau. Mặt khác, Người cũng xuất phát từ nguồn gốc tự do của các dân tộc khác nhau kêu gọi đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, và nói chung là toàn bộ kiến trúc của lịch sử thế kỷ XX diễn ra dưới ngọn cờ của Lenin", ông Boris Vlasov nói.

Cách không xa khu dinh thự chính của điền trang Gorki, trong công viên của điền trang là Bảo tàng “Phòng làm việc và căn hộ của V.I.Lenin ở Điện Kremlin”, được chuyển về đây vào năm 1994. Trước đây bảo tàng này nằm trên tầng 3 tòa nhà Thượng viện cũ ở Điện Kremlin, trong các phòng mà từ năm 1918 đến hết năm 1922 Lenin sống và làm việc, các thành viên gia đình ông tiếp tục sống cho đến năm 1939.

Các hiện vật nguyên bản của bảo tàng tái hiện không chỉ không khí hoạt động của Xô viết các Chính ủy Nhân dân và vị Chủ tịch đầu tiên của nó, mà cả những chi tiết nhỏ nhất về điều kiện sinh hoạt của gia đình Lenin. Điều này trở thành một trong những điểm hấp dẫn khi du khách tới thăm bảo tàng Lenin.

Phòng ngủ của Lenin và nơi N.Krupskaya đọc sách cho Người

Ông Vlasov kể, căn phòng này rất quan trọng như một nơi để tưởng nhớ về Người, nơi Người thông qua những quyết định quan trọng của quốc gia. Ở đây, du khách cũng có thể thấy các đồ vật mà Lenin sử dụng trong công việc của mình như chiếc bút, cái chặn giấy, dọc giấy mà Người thường xuyên sử dụng.

Trên bàn còn có những cây nến được Lenin sử dụng vào buổi tối khi làm việc. Bởi sau Cách mạng, tình hình đất nước đã rất khó khăn và điện thường xuyên bị gián đoạn, thậm chí ở Điện Kremlin cũng không có điện. Phía trước bàn làm việc của Người có 4 chiếc ghế mềm cho khách, trong khi chính Người ngồi trên một chiếc ghế đan bằng liễu gai đơn giản để tập trung làm việc.

“Lenin là người có khả năng làm việc rất cao và đòi hỏi làm việc có trách nhiệm từ toàn bộ bộ máy nhà nước, từ các cấp dưới, từ các ủy viên nhân dân. Theo hồi ức của các nhà lãnh đạo, Lenin khá nghiêm khắc. Người luôn đòi hỏi để bất kỳ một người trình báo cáo có thể nhanh chóng, rõ ràng, dễ hiểu nói về một vấn đề, đề xuất những giải pháp. Người cho rằng, một chuyên gia giỏi là trong 10 phút có thể trình bày bất kỳ vấn đề nào", ông Vlasov kể.

Phòng làm việc của Lenin ở Điện Kremlin

Tại đây, Lenin đã tiến hành các công việc lãnh đạo đảng và đất nước hàng ngày; chuẩn bị cho các đại hội và hội nghị đảng, đại hội của các Xô viết, đại hội Quốc tế Cộng sản…, viết các tác phẩm “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô viết”, “Bệnh ấu trĩ ‘tả khuynh’ trong chủ nghĩa cộng sản", "Chế độ độc tài của giai cấp vô sản", "Bước đầu vĩ đại”… Trong tổng số hơn 40.000 hiện vật của bảo tàng, sách chiếm một phần lớn, tới gần 11.000 đầu sách. Thư viện sách của Lenin gồm các sách in bằng 18 thứ tiếng, và Lenin thích đọc sách về lịch sử các quốc gia.

Bàn làm việc của Người với nhiều vật dụng đơn giản

Một công trình quan trọng khác mà khách thăm quan không nên bỏ lỡ trong Khu bảo tồn-Bảo tàng Lịch sử nhà nước Gorki-Leninskiye, đó là “Bảo tàng V.I.Lenin” được xây dựng vào năm 1985 và khánh thành vào năm 1987. Điểm nhấn của nó là Trung tâm khoa học-văn hóa “Bảo tàng V.I. Lenin”, với phần trưng bày kể khá chi tiết về lịch sử nước Nga từ năm 1917 đến năm 1924, cuộc đời và sự nghiệp của Lenin.

Sự khác biệt lớn là ở đây sử dụng các công nghệ đa phương tiện để khách thăm quan có thể cảm nhận các sự kiện lịch sử một cách chân thực, sống động nhất. Ông Vladimir Romanov-hướng dẫn viên của bảo tàng Lenin cho biết, vào những năm 90 của thế kỷ trước, đã xuất hiện nhu cầu truyền tải hình ảnh của Lenin bằng các công cụ đa phương tiện mới và tạo cho mọi người ấn tượng đặc biệt về một người mà họ đã biết rất nhiều.

Khách tham quan nghe và xem các hình ảnh về Lenin qua công nghệ đa phương tiện

“Đây là bảo tàng đầu tiên và cuối cùng ở Liên xô, hình ảnh Lenin được truyền tải thông qua các công nghệ đa phương tiện hiện đại được sử dụng lúc đó. Các khối âm thanh, hình ảnh của Lenin, các sự kiện diễn ra xung quanh Người đã được tiếp nhận khác đi, có nghĩa là mọi người cố gắng nhìn Lenin, di sản của Người từ góc độ khác, đồng thời quan trọng là di sản của Lenin vẫn giữ nguyên giá trị", ông Vladimir Romanov cho biết.

Bên trong tòa nhà có một triển lãm thường xuyên của bảo tàng gồm các bức tranh, ảnh về Lenin, cũng như các khu vực trưng bày triển lãm, phòng hòa nhạc để tổ chức các sự kiện văn hóa, hội trường và cơ sở hành chính.

Tương Lenin trong công viên của điền trang Gorki

Cố vấn của giám đốc bảo tàng Boris Vlasov cho biết, “mỗi năm có khoảng hơn 200.000 người đến thăm tổ hợp bảo tàng, 15% trong số họ là người nước ngoài. Điều này cho thấy rất rõ sự quan tâm đến Lenin và di sản của Người. Di sản của Người mang tính thời sự không chỉ đối với người dân Nga mà toàn thế giới nói chung.”/.

Anh Tú-Đặng Cường/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/di-san-cua-lenin-luon-mang-tinh-thoi-su-post1015542.vov