Tôn vinh tinh thần đạo hiếu và truyền thống văn hóa nhân văn trong xã hội

Chương trình Vu Lan - Đạo hiếu & dân tộc năm 2024 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 10/8 với mục đích lan tỏa tinh thần hiếu đạo, phát huy truyền thống văn hóa nhân văn.

Sự kiện Vu lan - Đạo hiếu & dân tộc được tổ chức từ năm 2014 với những hoạt động an sinh xã hội, hướng đến cộng đồng, gắn kết với các sự kiện lịch sử, các mốc kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước.

Họp báo thông tin về chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024"

Họp báo thông tin về chương trình "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc năm 2024"

Chương trình chọn lựa những nội dung phù hợp theo từng năm, nhưng không nằm ngoài thông điệp tôn vinh tinh thần hiếu đạo, truyền thống văn hóa nhân văn trong xã hội, nhắc nhở các thế hệ hậu bối, ghi nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà - cha mẹ - tổ tiên cũng như đền ơn đáp nghĩa những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, bậc tiền bối và những người có công với Tổ quốc.

Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình năm nay, Hòa thượng, TS.Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, đạo hiếu từ ngàn đời nay luôn là giá trị đạo đức cao đẹp, là nền tảng cho mọi sự phát triển trong cuộc sống.

Theo Hòa thượng, hiếu đạo trong Phật giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình cảm mẹ cha mà còn được đề cập một cách trọn vẹn với Tứ trọng ân: Ân quốc gia xã hội, ân cha mẹ sinh thành, ân tam bảo sư trưởng và ân chúng sinh vạn loại.

Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ: “Lễ Vu lan hằng năm là dịp để mỗi người con Phật nhớ về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, đồng thời thể hiện lòng hiếu thảo bằng những hành động thiết thực.

Chúng ta có thể báo đáp công ơn cha mẹ bằng cách: thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc cha mẹ, đặc biệt là khi cha mẹ già yếu, bệnh tật; lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của đấng sinh thành; giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà cửa, lao động sản xuất; có những lời nói, hành động hiếu thảo, lễ phép, kính trọng; học tập, rèn luyện đạo đức, phấn đấu thành đạt trong cuộc sống để làm cha mẹ vui lòng".

Cũng theo Hòa thượng, Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà còn là ngày lễ chung của toàn dân tộc, thể hiện truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", nhắc nhở mỗi con người về giá trị đạo đức cao đẹp, về lòng hiếu thảo, về tinh thần tri ân, báo ân.

Hòa thượng nhấn mạnh: "Báo hiếu không chỉ là trách nhiệm của mỗi người con mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Chúng ta cần chung tay góp sức để xây dựng một xã hội hiếu thảo, nơi mà mỗi người con đều biết yêu thương, trân trọng và báo đáp công ơn cha mẹ".

Năm nay, Ban Thông tin tuyền thông Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phối hợp cùng Công ty Cổ phần Sen Cộng tổ chức chương trình cũng nhằm kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc như: 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024); 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2024); 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 77 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024); Chào mừng Đại lễ Vu lan PL.2568 - DL.2024 và đặc biệt là hướng tới chào mừng sự kiện Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức.

Chương trình nghệ thuật Vu lan - Đạo hiếu & dân tộc năm 2023

Chương trình nghệ thuật Vu lan - Đạo hiếu & dân tộc năm 2023

Ban tổ chức đổi mới kết cấu của chương trình nghệ thuật gắn kết với chuỗi hoạt động an sinh xã hội và hành trình hướng về Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Theo đạo diễn Điệp Văn, chương trình sẽ được xây dựng với bố cục chặt chẽ, từ phần nội dung, âm thanh, ánh sáng đến dàn dựng sân khấu. Âm nhạc sẽ có cả nhạc Phật, nhạc đời và nhạc cổ điển. Tất cả các tiết mục sẽ được dàn dựng để nêu bật ý nghĩa "Văn hóa hiếu đạo" với sự tham gia và cố vấn của một số đạo diễn hàng đầu trong làng nhạc và văn hóa Việt Nam.

Các tiết mục biểu diễn cũng sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm tâm linh và nghệ thuật đầy ý nghĩa. Trong chương trình, bên cạnh phần nghệ thuật còn có những màn giao lưu về chủ đề "Vu lan" và "Đạo hiếu".

Đặc biệt, trước đêm giao lưu nghệ thuật, Ban tổ chức sẽ thực hiện một chuyến hành hương “Theo dấu chân chiến sĩ Điện Biên năm xưa” vào trung tuần tháng 7 để thắp hương tri ân tại Nghĩa trang Quốc gia A1, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại chiến trường Điện Biên, trao quà từ thiện cho gia đình chính sách, khó khăn tại địa phương như tặng nhà ăn cho trường mầm non, trao quà và sổ tiết kiệm cho một số cựu chiến binh...

Hòa thượng Thích Gia Quang cho rằng, chương trình sẽ là dịp để các đơn vị, cá nhân và tổ chức cùng chung tay thể hiện sự quan tâm bằng những hành động thiết thực, thể hiện tinh thần hòa quyện, gắn bó giữa đạo với đời, giữa Phật giáo Việt Nam với non sông đất nước.

Trong khuôn khổ đêm giao lưu nghệ thuật, Ban tổ chức sẽ tặng quà và sổ tiết kiệm cho một số thân nhân gia đình liệt sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người già neo đơn không nơi nương tựa và các mảnh đời đang gặp khó khăn trong cuộc sống./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ton-vinh-tinh-than-dao-hieu-va-truyen-thong-van-hoa-nhan-van-trong-xa-hoi-2024052118380774.htm