Đi dọc tháng Ba

Tháng Ba, hằn sâu ký ức bao người bởi không chỉ có thiên nhiên đẹp đẽ, có vạn vật giao hòa; tháng Ba còn pha chút ưu tư về thời đoạn thiếu thốn, một thuở gieo neo giáp hạt đói no...

Hương bưởi tháng 3... (Ảnh: Báo Dân trí).

Tháng Ba, một trong mười hai tháng trong năm, nhưng có lẽ in hằn nhiều cung bậc cảm xúc nhất của con người dành cho nó. Không hiểu sao tạo hóa khéo sắp đặt cho tháng Ba thật nhiều ưu ái, là tháng cuối cùng của mùa xuân, mùa của thời khắc giao hòa đất trời, vạn vật. Mùa sinh sôi bao khát vọng của muôn loài.

Tháng Ba hội đủ những trạng thái thời tiết của một năm, khi còn đó cái rét hanh hao của mùa đông cho nàng Bân đan áo, cho những màn mưa của tiết Kinh trập cứ rây rắc dùng dằng; còn đó trận mưa xuân rào rào để những đôi uyên ương ếch đồng thiết tha gọi bạn. Tháng Ba cũng bắt đầu cho những ngày nắng ấm, giũ bỏ cái giá lạnh để đón một mùa hè nồng oi. Người ta cứ ví tháng Ba như một cô nàng đỏng đảnh, một chút dỗi hờn thoáng chốc, lại chợt ấm áp nồng say. Ấy mà tháng Ba tựa hồ một nốt nhạc trầm hùng luyến láy, một pha âm trong bản giao hưởng phức hợp đất trời.

Tháng Ba, có lẽ màu xanh cũng là màu riêng có của tháng Ba. Xanh mướt mát của những lộc non chồi biếc, xanh mơn man của những lúa ngô, khoai sắn, những đồng cỏ rì rào, xanh biêng biếc của những hàng cây muôn ngàn mắt lá... Xanh ngút ngàn của sông núi quê hương; xanh của cánh đồng quê chấp chới cánh én giữa trời xanh lồng lộng… Nhưng tháng Ba còn có màu tím, tím của những chùm xoan, tím của những nương cà, tím của nụ tầm xuân và tím của hoa lộc vừng xâu chuỗi... Tháng Ba còn có hoa gạo, khi gạo thắp lửa trên nền làng cũng là lúc tháng Ba sắp kết thúc, báo hiệu một mùa hè nữa lại đến. Tháng Ba với bao nhiêu sắc màu như thế, cứ ngân lên, tràn lên suốt cả tháng Ba.

Tháng Ba còn có hoa gạo, khi gạo thắp lửa trên nền làng cũng là lúc tháng Ba sắp kết thúc, báo hiệu một mùa hè nữa lại đến...

Tháng Ba, xuân đã chín muồi, lá hoa viên mãn, là thời khắc cho vạn vật kết nối uyên ương, mùa của bao lứa đôi hò hẹn. Đôi chim cu gáy gù nhau tình tứ trên rặng tre làng; hươu, nai bắt đầu mùa giao phối... Từ núi rừng cho đến đồng quê rạo rực sinh sôi. Sau trận mưa chiều, khi bóng tối bắt đầu trùm xuống là lúc bầy đom đóm rộn rã thắp đèn len lỏi khắp mọi ngõ ngách xóm thôn; lũ ếch nhái, côn trùng đồng thanh vang lên bản hòa tấu cuồng nhiệt; tháng Ba dập dìu đôi lứa, bổi hổi, sinh sôi, nhộn nhịp, diệu kỳ.

Tháng Ba, ngập tràn trong tâm tưởng, bao hoa lá bung hết tinh chất của lòng mình, trổ bao sắc màu ngào ngạt; dâng trọn hương sắc cho đời. Con ong lại vào mùa lấy mật, những cánh hoa không cứ nơi thanh cao hay chốn dơ bùn, khoe hết mình mời gọi bướm ong để lại cho đời bao mật ngọt, hương thơm.

Tháng Ba, mùa trẩy hội cũng sắp mãn, và cũng là lúc đất trời thanh trong nhất, sạch sẽ nhất, tinh khiết nhất để con người hướng về cội nguồn, sâu thẳm. Trong tiết Thanh minh ấy, con người kết thúc mùa lễ hội bằng một lễ nghi dành cho tổ tiên ông bà - lễ tảo mộ. Không biết bắt nguồn từ đâu, nhưng chắc chắn rằng, cha ông ta đã lựa chọn chính xác nhất cái thời khắc tháng Ba thanh khiết, đẹp đẽ nhất để dâng lên tổ tiên ông bà tấm lòng dương thế hướng về mộ phần, nơi cõi âm cung.

Tháng Ba được thiên nhiên hào phóng ban tặng mùa lộc trời, lộc biển...

Tháng Ba, hằn sâu ký ức bao người bởi không chỉ có thiên nhiên đẹp đẽ, có vạn vật giao hòa; tháng Ba còn pha chút ưu tư về thời đoạn thiếu thốn, một thuở gieo neo giáp hạt đói no. “Tháng 3 ngày 8” nhắc nhớ về những năm tháng bần hàn, khi mùa vụ giáp nối, cái đói cái thiếu cũng làm cho tháng Ba trở thành nỗi nhớ, chút dư ba trắc trở neo đọng tâm hồn. Tuy vậy, bù lại tháng Ba được thiên nhiên hào phóng ban tặng mùa lộc trời, lộc biển. Khi nắng ấm tràn về, cá tôm ăm ắp theo từng mẻ lưới, khoang thuyền. Những ngọt ngon từ biển cả, với bao thức vị say đắm lòng người.

Tháng Ba, chẳng thể nào quên, tiếng cuốc kêu âu sầu luyến nước. Là lúc tiếng quyên giục giã gọi hè; hoa gạo thắp lửa trên nền trời xanh thẳm. Thời gian cứ tuần tự trôi đi nhưng tháng Ba luôn neo giữ trong tâm khảm mỗi người thật nhiều hoài niệm đẹp đẽ…

Nguyễn Doãn Việt

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/di-doc-thang-ba-post263558.html