Dẻo dai thúng chai

Tôi tới thăm cơ sở làm thúng chai Trung Kiều (tên ghép của hai vợ chồng anh Trung và chị Kiều) tại thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên, vào một ngày cuối tháng hai. Câu chuyện về chiếc thúng chai đã được báo chí quốc tế mô tả như một biểu tượng của sự độc lập mang tên Việt Nam.

Báo chí trong nước cũng khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của việc làm nghề thúng chai, trong đó có Trung Kiều. Trong bài này, tôi muốn chia sẻ một số vấn đề cũng như các chi tiết chưa được đề cập tới của câu chuyện thúng chai. Đầu tiên, tôi mừng thấy anh Trung và chị Kiều kiên quyết bám trụ với nghề bất luận những khó khăn do dịch bệnh mang lại. Anh chị vui vẻ chia sẻ nhiều chi tiết thú vị của quy trình làm thúng.

Anh Trung thường làm công việc đòi hỏi nhiều sức mạnh cơ bắp hơn như chẻ tre, lận vành.

Tuy nhiên, câu chuyện không khỏi khiến tôi lo lắng về những thử thách có thể vượt tầm kiểm soát của họ trong thời gian sắp tới. Một ngày lao động của hai anh chị thường bắt đầu lúc 6 rưỡi sáng, và kết thúc khoảng 8 giờ tối. Họ rất ít khi bỏ việc bất luận sự thay đổi của thời tiết. Sự phân công lao động giữa hai người cũng rõ ràng. Anh Trung thường làm công việc đòi hỏi nhiều sức mạnh cơ bắp hơn như chẻ tre, lận vành, trong khi chị Kiều chịu trách nhiệm hoàn thiện thúng kể cả việc xử lý phân bò để trét thúng.

Một chiếc thúng hoàn thiện cần tới 7 công, trong đó: cắt tre (1 công); vót nan (1 công); đan (1 công); lận vành (1 công); trét phân bò (2 công/4 lần); và trét dầu rái (1 công/4 lần). Mỗi công tương đương 1 ngày lao động, chưa tính thời gian phơi thúng.

Chị Kiều chịu trách nhiệm hoàn thiện thúng kể cả việc xử lý phân bò để trét thúng.

Nguyên liệu thường dùng là tre gai, hoặc tre mỡ tại Phú Yên, được thu hoạch sau 2 năm trồng. Tùy thuộc kích thước của cây, nan để đan 1 thúng được vót từ 9 tới 15 cây.

Toàn bộ quy trình làm thúng được thực hiện bằng tay. Anh Trung đã từng tới các làng nghề khác để tham khảo việc sử dụng máy chẻ và tước nan tre nhưng không thành công. Theo anh, máy dễ làm gãy những thân tre cong và nhiều mấu. Những thanh tre bị gãy phải bỏ đi sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Dụng cụ để đo nan tre là một chiếc thước mộc, cũng làm từ tre. Thước này vẫn dùng theo hệ thống phi chính thức là dùng sải tay (cubit), và chia thành tấc.

Điều thú vị là cách đo lường theo sải tay này đã từng được sử dụng tại tất cả các nền văn hóa cổ xưa như Ai Cập, Israel. Thước theo hệ mét chỉ dùng vào công đoạn cuối cùng để đo và kiểm tra đường kính thúng. Quy trình dùng phân bò để trét thúng thể hiện sự thông minh và tận dụng nguồn lực triệt để giữa các thành viên của cộng đồng.

Chị Kiều thường sử dụng các đốt tre thừa để đổi lấy phân bò của các hộ trong thôn. Đốt tre được dùng để đun thay củi. Phân bò cũng được tách ra khỏi nước tiểu bò để tránh mùi hôi. Nhiều năm làm công việc trộn phân bò và dầu rái để trét thúng khiến chị Kiều tích lũy được kinh nghiệm, điều chỉnh liều lượng phù hợp với sự sẵn có của nguyên liệu và thời tiết.

Hiện nay việc mua dầu hỏa để trộn dầu rái khó khăn hơn nên chị trét phân bò thật kỹ nhằm tiết kiệm dầu rái. Sự biến đổi của thời tiết, khí hậu cũng ảnh hưởng tới công việc làm thúng. Nếu mưa nhiều giúp tre nhanh được thu hoạch thì việc phơi thúng lại mất thời gian hơn.

Theo chị Kiều, mặc dù việc lập xưởng làm thúng dựa trên nguồn vốn tích lũy của riêng anh chị và gia đình, duy trì công việc này có sự tham gia của một cộng đồng. Các bà mẹ ở thôn, ngoài việc đưa đón con đi học hàng ngày, thường nhận đan thúng cho anh chị trong thời gian rảnh rỗi. Nói cách khác, anh chị tạo việc làm cho một số người.

Về những yếu tố môi trường ảnh hưởng tới kinh doanh, chị Kiều cho biết Covid làm giảm số đơn hàng, nhất là hàng xuất khẩu trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, anh chị vẫn kiên trì bám trụ với nghề. Uy tín tạo dựng từ nhiều năm giúp anh chị giữ được những bạn hàng truyền thống.

Liên quan tới biến đổi khí hậu, anh chị không có nhiều thông tin nên chưa có phương án chuyển rủi ro.

Chia tay anh chị, tôi chúc họ thật nhiều may mắn và hy vọng công việc của họ sẽ bền vững trong tương lai - để chiếc thúng chai tiếp tục là biểu tượng cho sự độc lập, và dẻo dai Việt Nam trong những thử thách không có tiền lệ của quá trình toàn cầu hóa.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/deo-dai-thung-chai-post533180.antd