Đền thờ Vua Hùng trên mọi miền Tổ quốc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là biểu trưng của lòng thành kính, sự tri ân của nhân dân ta với công đức các Vua Hùng- những người có công dựng nước. Hiện nay, cả nước có hơn 1.400 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Từ vùng trung tâm là tỉnh Phú Thọ, tín ngưỡng này lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các vùng, miền Tổ quốc. Dù đi đâu, ở đâu, mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội, hướng về tổ tiên với một lòng thành kính tri ân.

Đền thờ Vua Hùng ở Cần Thơ.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nhiều nơi thờ Vua Hùng nhất: Đền các Vua Hùng ở Công viên văn hóa Tao Đàn (quận 1), Đền Hùng Vương (261/3 Cô Giang, quận Phú Nhuận), Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (166/33 Đoàn Văn Bơ nối dài, quận 4), Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1), Đền thờ Vua Hùng (khu du lịch văn hóa Suối Tiên), Đền thờ Hùng Vương (công viên văn hóa Đầm Sen), Khu tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong khuôn viên của Công viên lịch sử - văn hóa dân tộc (quận 9), Đền thờ Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên...

Trong số đó được biết đến nhiều nhất là Đền thờ Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên, đền thờ tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, Khu tưởng niệm các Vua Hùng thuộc Công viên lịch sử-văn hóa dân tộc và Đền thờ Hùng Vương tại Suối Tiên.

Khu di tích Đền thờ vua Hùng tại Thảo Cầm Viên được xây dựng cách đây gần một thế kỷ (từ năm 1927) mang nét đẹp vừa cổ kính, vừa thanh tịnh, trang nghiêm. Trong công viên Tao Đàn, Đền thờ các Vua Hùng với tượng Vua Hùng được đặt ngay chính diện, phía tay phải của Vua là tượng Mẹ Âu Cơ và phía tay trái là tượng Bác Hồ.

Trước sân, ngoài chiếc lư đồng to lúc nào cũng nghi ngút khói hương còn có Trụ đá thề và tấm bia đá được khắc câu nói bất hủ của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Khu tưởng niệm các Vua Hùng là công trình lịch sử văn hóa đầu tiên trong Công viên lịch sử-văn hóa dân tộc khánh thành năm 2009, trong đó công trình trung tâm của khu cổ đại là Đền tưởng niệm các Vua Hùng hoành tráng, với biểu tượng chim Lạc vươn cánh bay về phương Bắc thấm đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Khác với các khu di tích trên, Đền thờ Vua Hùng tại Suối Tiên được chạm khắc công phu với những hoa văn, họa tiết điêu khắc cổ xưa mang dấu ấn từ triều đại của các Vua Hùng thủa xưa.

TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc thành phố (phường Long Bình, Quận 9).

Năm 2022, Đền thờ Vua Hùng tại Thành phố Cần Thơ được khánh thành và đi vào phục vụ đông đảo bà con nhân dân. Đây là công trình văn hóa, tâm linh độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia. Khối đền chính có kiến trúc hình khối tròn trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất.

Đền thờ tọa lạc tại đường Võ Văn Kiệt - Đặng Văn Dầy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ có tổng diện tích khoảng 3,9ha, gồm các hạng mục: Đền thờ chính, nghi môn, nhà điều hành, nhà dịch vụ, nhà bia, sân đường, cây xanh, hồ điều hòa...

Tổng thể công trình được thiết kế cách điệu theo hình dáng bản đồ Việt Nam, bên trong có hai hồ nước khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Công trình lấy đền chính làm biểu tượng trung tâm - nơi xuất phát cội nguồn dân tộc với hình trống đồng cách điệu. Từ khi đi vào hoạt động, Đền thờ Vua Hùng tại thành phố Cần Thơ trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền nhân. Từ đó giúp người dân hiểu rõ hơn về tập tục cũng như nghi thức thờ cúng Vua Hùng.

Lâm Đồng là một trong những địa phương có nhiều đền thờ Hùng Vương. Trong đó hệ thống công trình được xây dựng tại núi Phượng Hoàng thuộc quần thể thắng cảnh Quốc gia thác Pren mô phỏng Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trên núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) với ba hạng mục chính là Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ cùng với nhiều hạng mục khác như công viên Hùng Vương, tượng Lạc Long Quân, Âu Cơ... Đền được xây dựng từ năm 1958, đến năm 1989 đã tu sửa lại và rước chân nhang từ Đền Hùng ở Phú Thọ. Từ đó đến nay, hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đều tổ chức nghi lễ dâng hương trọng thể. Chương trình hội được tổ chức với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ truyền thống, các trò chơi dân gian của các dân tộc anh em chung sống tại các địa phương trong tỉnh.

Trải dài từ Bắc vào Nam, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước đều có các di tích thờ Hùng Vương như: Đền Vân Cù thuộc xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định có thờ Hùng Vương. Tỉnh Nghệ An, có Đền Hồng Sơn, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh được xây dựng từ năm 1831 cũng thờ Hùng Vương. Tại Khánh Hòa, năm 1970, người dân đứng ra xây dựng Đền thờ Hùng Vương và hoàn thành vào ba năm sau đó. Đền thờ Hùng Vương tại tỉnh Đồng Nai được khởi công xây dựng vào năm 1968, hoàn thành năm 1971 tại khu phố 3, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa. Tỉnh Kiên Giang cũng xây dựng đền thờ Hùng Vương từ năm 1957 tại ấp Đông Bình, xã Thạnh Đông B thuộc huyện Tân Hiệp...

Vào ngày 10/3 âm lịch hằng năm, cùng với tỉnh Phú Thọ, tại các đền thờ Vua Hùng, các điểm di tích gắn với thời đại Hùng Vương trong cả nước, các tỉnh, thành phố, các địa phương đều tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương với nghi thức truyền thống và nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ vùng đất cội nguồn của dân tộc, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, để mỗi người dân Việt Nam ở mọi miền đất nước luôn ý thức sâu sắc giữ gìn, bảo tồn và không ngừng lan tỏa thêm trong cộng đồng.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/den-hung/den-tho-vua-hung-tren-moi-mien-to-quoc/210041.htm