Đến muộn, về sớm

Hơn 17 giờ 30 phút, chị C. đi họp bản mới trở về trong tâm trạng bực bội bởi vì người họp thì đến muộn lại về sớm. Thậm chí có hộ còn bỏ không họp.

Đem câu chuyện trao đổi với trưởng bản, ông B. nói: “Chuyện phải mất thời gian chờ đợi người dân đến họp xảy ra rất thường xuyên cháu à! Có hộ chỉ đến điểm danh cho có lệ rồi về luôn. Từ trước đến nay, chỉ có những cuộc họp liên quan sát sườn đến quyền lợi của bà con như: Giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng, giải quyết các tranh chấp đất đai, mất an ninh trật tự... thì người dân mới có mặt đông đủ và đúng giờ.

Ông B. tiếp lời: “Sau khi thống nhất lịch họp với cấp ủy, chi bộ, trước một hoặc hai hôm, tôi liên tục thông báo trên loa phát thanh của bản về thời gian, địa điểm, nội dung họp để các hộ nắm, sắp xếp công việc, bố trí thời gian đến họp đông đủ”. Thậm chí, có những hộ tôi đến trực tiếp gặp gỡ, đưa lịch họp nhưng rồi đến khi cuộc họp diễn ra, họ vẫn vắng mặt. Họ còn viện đủ lí do, nào là bận đi làm ruộng, làm ăn, đi họp, chăm con ốm...

Tình trạng vắng họp, đi muộn về sớm trong các cuộc họp không chỉ ở bản N. mà diễn ra ở nhiều thôn, bản, tổ dân phố, nhất là thôn, bản vùng cao. Thiết nghị, để các cuộc họp đông đủ hơn, nêu cao được tính tự giác, chủ động của người dân, trước nhất cấp ủy, chính quyền cơ sở cần “tự làm mới mình”; đổi mới nội dung, hình thức các cuộc họp sao cho thiết thực, hiệu quả, lôi cuốn, thu hút được sự quan tâm của bà con; làm tốt công tác dân vận để người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của các cuộc họp thôn, bản, tổ dân phố.

Đặc biệt, đối với những thôn, bản vùng cao, các cuộc họp cần kết hợp nhiều nội dung, vấn đề để tránh gây lãng phí thời gian của người dân. Đồng thời, chú trọng triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, đi họp đúng giờ, không bỏ về giữa chừng, nêu cao tinh thần phát biểu, đóng góp ý kiến xây dựng trong các cuộc họp của các gia đình là cán bộ, đảng viên. Cần biểu dương, khích lệ các gia đình đi họp đúng giờ, đúng thành phần triệu tập. Những hộ lơ là, bỏ họp... nên nêu đích danh trong các cuộc họp sau để rút kinh nghiệm. Cuối năm, khi bình xét danh hiệu gia đình văn hóa, hộ nào không đi họp đầy đủ, thường xuyên đi muộn về sớm thì cần xem xét không công nhận. Có như vậy mới xây dựng được mối quan hệ bền chặt, khăng khít giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân, thu hút nhân dân hưởng ứng, tham gia với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.

Phương Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/206062/den-muon-ve-som