Khoảng cách giá vàng miếng trong nước và thế giới lại nới rộng, USD tự do bật mạnh

Trong khi vàng thế giới chỉ 'lình xình' quanh mốc 2.300 USD/ounce, thị trường trong nước vẫn không hạ nhiệt. NHNN sẽ đấu thầu vàng trong sáng nay với giá sàn 82,9 triệu đồng/lượng. Giá USD cũng đang nóng hơn trên thị trường tự do.

Vàng miếng SJC lại vượt mốc 85 triệu đồng/lượng, nới rộng hơn chênh lệch với thế giới

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu bán vàng miếng phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ. Tương tự các phiên trước, NHNN tiếp tục đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Khối lượng đấu thầu mà một đơn vị tham gia tối thiểu vẫn là 1.400 lượng và tối đa 2.000 lượng. Mỗi thành viên được đăng ký một mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức giá do NHNN công bố.

Tuy nhiên, giá tham chiếu để đặt cọc lần này là 82,9 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong các phiên đã tổ chức. Trước đó, NHNN thông báo 3 phiên đấu thầu bán vàng vào các ngày 22/4, 23/4 và 25/4 nhưng chỉ phiên 23/4 thành công với 3.400 lượng vàng SJC cho hai thành viên trúng thầu là SJC và ACB.

Mức giá sàn liên tục tăng qua các phiên đấu thầu dù diễn biến vàng thế giới đang có nhịp giảm mạnh. Một phần cũng bởi thị trường trong nước vẫn ngược dòng tăng.

Hầu hết các hãng vàng đã nâng giá bán ra vượt 85 triệu đồng/lượng trong chiều qua. Xu hướng tăng vẫn tiếp tục đầu giờ sáng nay. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), vàng miếng SJC đang giao dịch ở mức 82,9 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 85,2 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 100.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giá mua – bán là 2,3 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, theo sát hơn với diễn biến thế giới, giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) giảm 150.000 đồng/lượng mỗi chiều, giao dịch ở mức 73,1 triệu đồng/lượng (mua vào ) và 74,8 triệu đồng/lượng (bán ra)

Giá vàng thế giới tối qua có thời điểm lại “thủng” mốc 2.300 USD/ounce về gần mức thấp nhất trong 4 tuần. Nhích lên trở lại sau đó, hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.300,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích nhẹ lên 2.311 USD/ounce, tăng nhẹ 1,7 USD/ounce so với phiên trước.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới quy đổi chưa được thu hẹp, mà còn nới rộng lên khoảng 13,5 triệu đồng/lượng, thêm khoảng 600.000 đồng/lượng so với thời điểm trước lễ.

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã giảm bớt, một phần cũng giảm đi sức hấp dẫn của tài sản được coi là hầm trú ẩn an toàn như vàng. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục đánh giá quyết định chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại cuộc họp báo hôm qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh cần có “niềm tin lớn hơn” rằng lạm phát đang giảm xuống mức 2% và sẵn sàng duy trì lãi suất điều hành cho đến khi tình hình lạm phát thay đổi.

NHNN dè dặt điều chỉnh tỷ giá trung tâm, USD tự do lại "nóng"

Dù vậy, cũng đã có một số tín hiệu cho thấy Fed bớt “diều hâu” hơn như việc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) quyết định giảm nhịp độ thu hẹp bảng cân đối kế toán mỗi tháng. Ông Jerome Powell cũng cho biết dù thị trường việc làm đến nay đã cho thấy khả năng phục hồi khi đối mặt với việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng Fed cũng sẵn sàng ứng phó với sự suy yếu bất ngờ trên thị trường lao động. Đồng thời, Chủ tịch Jerome Powell cũng cho rằng động thái chính sách tiếp theo sẽ không phải là tăng lãi suất. Điều đó khó có thể xảy ra”, Powell nêu.

Công cụ giám sát biến động lãi suất FedWatch của CME Group cho thấy các nhà giao dịch đang có sự đồng thuận cao đối với khả năng Fed giữ nguyên lãi suất ở cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 6. Đối với cuộc họp tháng 9, tỷ lệ đặt cược không quá chênh lệch, nhưng các nhà giao dịch đang kỳ vọng nhỉnh hơn vào khả năng Fed hạ lãi suất điều hành 25 điểm cơ bản.

Bên cạnh động thái của Fed, giới đầu tư cũng đổ dồn sự quan tâm vào động thái của Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ). Tỷ giá JPY/USD đã bất ngờ đảo chiều, hiện chỉ cần chưa đến 153 yên Nhật đổi 1 đôla, mức thấp nhất kể từ ngày 10/4. Trước đó, đồng yên mất giá đã kéo tỷ giá vượt mốc 160 yên Nhật/USD.

Giới chuyên gia cho rằng rất có thể Bộ Tài chính Nhật Bản đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bán ra USD để ngăn đồng yên trượt giá quá ngưỡng 160 yên đổi 1 USD. "Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp vào sự tăng giá của đồng tiền, không còn gì phải nghi ngờ nữa", Daisaku Ueno - chiến lược gia ngoại hối tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities mới đây đã chia sẻ với hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, quan chức tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản từ chối bình luận về khả năng các nhà điều hành đã can thiệp vào thị trường ngoại hối vào sáng sớm thứ Năm tại Tokyo. Ông Masato Kanda, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế cho biết sẽ có thông tin về dữ liệu can thiệp vào cuối tháng này.

Đồng yên đã mất hơn 10% so với đồng đô la trong năm nay do BOJ đã giữ lãi suất ở mức cực thấp trong thời gian dài, thúc đẩy các nhà giao dịch vay đồng yên và đầu tư vào các loại tiền tệ có lãi suất cao hơn.

Nhờ sự hồi phục của đồng yên, chỉ số DXY (US Dollar Index) hiện giao dịch quanh mức 105,2 điểm, cũng là mức thấp nhất từ ngày 10/4. JPY với tỷ trọng 13,6% trong công thức tính chỉ số DXY đang là đồng tiền có ảnh hưởng lớn thứ hai đến chỉ số này, chỉ sau EUR (57,6%).

Trong khi USD điều chỉnh đáng kể, NHNN lại khá thận trọng trong điều hành tỷ giá trung tâm. Dù đã nối dài chuỗi “không tăng” sang phiên thứ 6, tỷ giá trung tâm chỉ nhích giảm khiêm tốn từng phiên.Ngày 3/5, tỷ giá trung tâm giảm 1 đồng, xuống còn 24.241 đồng/USD. Tỷ giá tại các ngân hàng cũng giảm 1 đồng tương ứng. Liên tục trong thời gian qua, tỷ giá bán ra neo ở mức “kịch trần” tại nhiều ngân hàng.

Tại Vietcombank, tỷ giá USD đang yết ở mức 25.143 đồng /USD (mua chuyển khoản) và 25.453 đồng /USD (bán ra), giảm 1 đồng/USD ở cả hai chiều. Khảo sát một số cửa hàng, giá USD trên thị trường tự do đang được thu mua ở mức 25.665 đồng trong khi bán ra khoảng 25.770 đồng, tăng trên 100 đồng so với hôm qua.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoang-cach-gia-vang-mieng-trong-nuoc-va-the-gioi-lai-noi-rong-usd-tu-do-bat-manh-d214305.html