Đêm U Minh

Rừng tràm U Minh hạ mùa này nước lênh láng, tràn đồng. Thật khó để có được những món như cá lóc nướng trui, cá rô đồng nấu lẩu mắm, lươn um lá nhàu, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả hay trích nướng mọi, chuột đồng chiên và rất nhiều món ăn dân dã khác.

Theo con đường nhỏ, một bên là kênh nước, một bên là bạt ngàn tràm xanh ngắt, nơi này vẫn còn hoang sơ, huyền bí. Đến thăm trang trại ông Khải, dân nơi đây gọi là Khải “gạo”, có người gọi là Khải “khùng”, bởi lẽ ông đã đầu tư mấy triệu đô vào vùng đất ngập mặn, cằn cỗi này, mà tương lai xem ra còn mờ mịt lắm. Gạo có cái tên loài hoa khá quen “Hoa Sữa”, đủ màu: Gạo màu tím, gạo màu đỏ, gạo màu đen… Có được sản phẩm sạch như thế, ông Khải phải khai khẩn, dọn lau sậy vùng đất hoang sơ, rồi thì đào kênh mương cải tạo đất phèn. Trang trại vẫn còn ngổn ngang, nhiều nơi đang xây cất dở dang, chắc cũng đang đói vốn. Tôi bảo muốn ra bờ đầm, nơi hoa súng tím ngăn ngắt đang nở, nhậu thì thú biết bao. Khải cười: “Đúng là mấy cha quen ở thành phố, chưa biết xứ “muỗi kêu như sáo thổi/ đỉa lội tựa bánh canh”, này à?”. U Minh thơ mộng thật, dưới tán rừng, ong bay từng đàn cần mẫn đi hút mật từ những nhụy bông tràm về xây tổ. U Minh có nhiều đổi thay, nhưng cái không thể thay đổi là muỗi. Mới nhập nhoạng tối, lũ muỗi đói, từng đàn, đông nghịt điên cuồng lao vào con mồi là tôi, đốt xuyên qua quần áo ngọt như không, quơ tay cũng được cả vốc. Vào nhà, mâm đã dọn sẵn, cá rô, cá lóc nướng trui, vịt trời cũng nướng, và nhiều loại rau rừng thật lạ mắt. Ngồi cạnh tôi là ông Hai Phúc (Nguyễn Minh Phúc), 76 tuổi, nguyên là Trung đoàn trưởng Thanh niên xung phong Khu Tây Nam Bộ. Sau vài ly, ông kể, riêng Liên đội II, đa phần là nữ, tuổi từ 15 - 20, có 1.200 người, hy sinh đến 600, mới quy tập được 400, còn 200 liệt sĩ vẫn nằm trong bọc nylon, dưới rễ cây đước, sâu dưới nước chưa tìm được! Họ đã viết nên “Con đường của tuổi 20” - Đường 1C huyền thoại trải dài từ biên giới Campuchia qua rừng tràm Hà Tiên đến Cà Mau, từng ghi dấu bao chiến công hiển hách của lớp lớp thế hệ TNXP. Trong suốt 8 năm bám trụ trên tuyến đường 1C này, TNXP Tây Nam Bộ đã đưa rước hàng vạn lượt cán bộ, bộ đội, thương binh ngược xuôi từ Trung ương đến các tỉnh Tây Nam Bộ; Vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí cùng hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men, phục vụ chiến trường trong giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc chiến. Ông bảo: “Các cô cả ngày ngâm dưới nước tải đạn, muỗi đốt sưng vù cả mặt, u to bầm đen bằng quả mận, vài tháng sau vẫn còn vết thâm, nào đâu có thuốc, chưa kể sốt rét nữa”.

Đêm U Minh thật lạ, ngoài kia muỗi kêu ong ong, tiếng cá táp muỗi non lụp bụp xa xa trên rạch, thật bí hiểm. Mắt ông Hai Phúc nhìn ra xa, rồi quay sang: “Nè Khải, khi nào xong “Tượng đài Thanh niên xung phong Tây Nam Bộ”, nhớ mang gạo “Hoa Sữa” cho mấy cô ăn cho đẹp da, nghe mày”. Mà nào chỉ có gạo, quần áo, phấn son, gương lược… họ còn thiếu nhiều lắm. Khu tưởng niệm, tượng đài, tên các cô sẽ được khắc trên đá, công của tuổi trẻ Nam Bộ thì không thể quên được. Đêm U Minh đen quánh, tĩnh lặng. Tôi nghe như có dàn đồng ca quen quen cất lên, ngỡ như các cô TNXP đang tập văn nghệ, để về khánh thành Khu tưởng niệm, chứ ở mãi dưới lòng đầm, lòng kênh, cô đơn, lạnh lẽo lắm…

Quang Hân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/dem-u-minh-604186.bld