Đêm trắng Vĩnh Lộc

Cánh đồng bưng Láng Cát đêm 15-6-1968 nhuộm thắm máu. 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc với hơn một nửa là những cô gái tuổi mười chín đôi mươi đã ngã xuống để đổi lấy màu xanh cho quê hương Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM) hôm nay. Vào những ngày tháng tư lịch sử này, khi cả nước đang náo nức chào mừng kỷ niệm 35 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước thì cũng là dịp Nhà nước vinh danh sự cống hiến to lớn của 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc với danh hiệu “Tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đêm trắng... Trở lại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TPHCM) dịp này, chúng tôi đã tìm gặp các nhân chứng sống là bà Nguyễn Thị Khỏi, Phạm Thị Tám, Phạm Thị Ôi… để nghe lại câu chuyện đau thương và hào hùng hơn 40 năm trước. Như thường lệ, đúng 7 giờ tối hôm ấy, anh chị em đội dân công hỏa tuyến gồm 55 người tập trung tại ngã tư Tân Hòa 1 để thực hiện nhiệm vụ. Đội được lệnh chuyển 3 thương binh từ ngã tư Tân Hòa 1 về Bình Thủy (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), rồi tải đạn từ Bình Thủy về điểm tập kết. Khoảng 20 giờ 30, trong lúc mọi người đang thay nhau cáng thương binh về Bình Thủy theo hướng đồng bưng Láng Cát thì bất ngờ bị máy bay Mỹ rọi đèn sáng và phát hiện… “Đoàn dàn thành hàng dọc, đi men theo gò bưng, có những đoạn nước ngập lên đến bụng. Đang bì bõm lội đi trong đêm, tôi nghe rõ tiếng người dẫn đầu la lớn: Tất cả dừng lại, máy bay Mỹ đang soi trên kênh, chúng đang quanh đầu xuống bưng…Tất cả chui vào đìa dứa. Tất cả nằm im…”, bà Nguyễn Thị Khỏi nhớ lại. Chưa hết xúc động, bà kể tiếp: Chúng tôi nhìn rõ, hai máy bay Mỹ lượn vòng vèo, soi đèn sáng cả vùng bưng và liên tiếp dội đạn như trút trấu xuống Đìa Dứa - nơi 55 dân công và thương binh đang ẩn nấp. Sau đó quanh tôi là tiếng la hét, tiếng gọi người thân, mùi tanh của máu sộc lên và những chị em trúng đạn đang quằn quại, đau đớn. Bị ngộp nước nên tôi cố ngoi đầu lên để thở. Bất giác tôi nghĩ: “Nằm đây rồi cũng sẽ bị trúng đạn mà chết, chạy thì có thể thoát”. Quan sát nhanh thấy đèn máy bay đang rọi về hướng khác, tôi lấy sức vùng chạy và hét lớn: “Ai còn sống thì chạy đi!”. Đèn máy bay địch lại rọi sáng cả khu cánh đồng bưng đầy tiếng la hét đau đớn và không ngừng dội đạn. Cánh đồng bưng bỗng chốc tan hoang, những gốc dứa dại trống trơ, xác người nằm ngổn ngang… Không nén được xúc động, bà Phạm Thị Tám kể: “Đang nằm nín thở, tôi nghe tiếng của Huỳnh Thị Điệp vọng ra từ bụi dứa bên kia dặn dò: “Tao bị trúng đạn rồi Tám ơi, chắc tao chết! Mày còn sống thì nhớ nói má tao nuôi giùm con tao”. Nói đến đó Điệp lịm đi và tôi không còn nghe thêm được gì nữa. Điệp hy sinh ở tuổi 25. Chồng Điệp cũng đi theo cách mạng và đã hy sinh trước đó. Vợ chồng Điệp để lại một bé gái thơ dại vừa lên 3. Đang nghĩ đến đứa bé con Điệp, nó sẽ gào khóc đòi mẹ, tôi bỗng thấy tê tê ở sống lưng. Cố rướn tay sờ gần bả vai tôi cảm thấy đau và rất xót vì bị mất một miếng thịt. Biết mình đã bị thương, nhưng sao lại tỉnh táo thế này? Bất giác tôi thấy sợ khi nghĩ đến câu nói của các anh bộ đội: “Tụi bây bị thương mà vẫn tỉnh táo là sẽ chết”. Tôi lấy hết sức vùng chạy một mạch về đến đầu ấp thì ngất lịm. Cũng đêm ấy, đồng đội của tôi, chị Trần Thị Hết cũng trúng đạn và hy sinh, để lại hai đứa con thơ”. Trận oanh kích của địch đêm ấy đã cướp đi sinh mạng của 32 dân công Vĩnh Lộc, trong đó có 25 cô gái tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã hy sinh trong tư thế ôm nhau, che chở cho nhau. Và đêm 15-6-1968 đã trở thành “đêm trắng” của nhân dân Vĩnh Lộc. Rạng sáng hôm sau, bất chấp sự vây càn của bọn lính ngụy, nhân dân Vĩnh Lộc vẫn tràn ra bưng cứu chữa cho những người bị thương và đưa xác con em mình về chôn cất. Tri ân Trong chiến dịch Mậu Thân 1968, cùng nhân dân cả nước, nhân dân ấp Tân Hòa (thuộc xã Vĩnh Lộc B ngày nay) một lòng theo cách mạng, chống giặc. Đội dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc (ấp Tân Hòa 1 và Tân Hòa 2) được giao nhiệm vụ chuyển thương binh về tuyến sau để điều trị và tải đạn cung cấp cho lực lượng quân giải phóng ở ven đô. Cả đội có khoảng 100 người, họ là những thanh niên tuổi đời lớn nhất 30, nhỏ nhất 15. Có những đêm cao điểm, đội đã chuyển trên 30 thương binh về tuyến sau, rồi tải đạn về điểm tập kết bí mật, an toàn. Dù bọn tề ngụy thường xuyên đi tuần, khám xét nhưng chúng khó có thể ngờ rằng, những chàng trai cô gái ban ngày cần mẫn với công việc đồng áng thì tối đến, họ lại tập trung tham gia tải thương, tải đạn, đào hầm, nuôi giấu cán bộ... “Thanh niên chúng tôi lúc ấy, ai cũng có niềm tin sắt đá vào cách mạng, tuyệt đối tin tưởng và nghe theo cách mạng. Tối tối đi làm cách mạng mà ai cũng vui vẻ, hồn nhiên như đi cấy đi cày. Dù ngã xuống nhưng trên khuôn mặt họ vẫn rạng rỡ nụ cười thanh thản”, bà Phạm Thị Ôi khẳng định. Trước đêm định mệnh, cả đội vẫn vui vẻ với công việc hàng ngày. Những tiếng chọc ghẹo nhau vang lên khắp nơi. Ai cũng nghĩ, đêm nay cũng như những đêm trước, họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao và họ sẽ lại cùng nhau trồng, gặt vui vẻ những thửa ruộng quê hương. Bà Ba Khuynh (Lê Thị Khuynh) bồi hồi: “Đêm ấy, như mọi hôm, Chín Rê với tâm trạng hớn hở chạy lên nhà rủ Hai Xúc đi tải thương, tải đạn. Cảm thấy không khỏe nên Hai Xúc bảo hôm nay không đi và có ý rủ Chín Rê cùng nghỉ một hôm. Nhưng Chín Rê với giọng kiên quyết: “Hôm nay có chết tao cũng đi, anh em đang cần mình giúp đỡ…”. Và Chín Rê đã vĩnh viễn nằm lại nơi đồng bưng quê hương”… Về xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh hôm nay, ai cũng phấn khởi và cảm thấy ấm lòng trước Khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 được xây dựng khang trang thay thế ngôi miếu nhỏ do người dân địa phương tự dựng lên năm nào. Khu di tích với tổng diện tích gần 10.000m2 được xây dựng tượng đài, nhà tưởng niệm vinh danh 32 dân công đã hy sinh, bia ghi sự kiện lịch sử đêm 15-6-1968, hội trường và khuôn viên cây xanh. 32 dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc đã nằm xuống nhưng những câu chuyện về lòng yêu nước, sự hy sinh anh dũng và tinh thần lạc quan yêu đời, tình đồng chí đồng đội giữa họ thì trường tồn mãi mãi. Hơn 40 năm qua, ngày 15-6 hàng năm đã trở thành ngày lịch sử trọng đại để nhân dân Vĩnh Lộc nói riêng, nhân dân cả nước nói chung tri ân về họ, những người con ưu tú của quê hương. Dâng nén hương thơm, chúng tôi muốn kể cho các chị đang ở cõi vĩnh hằng về một xã Vĩnh Lộc hôm nay đang từng bước đổi thay, phát triển vươn lên như lòng các chị hằng mơ ước. THANH HỢP Sau đêm 15-6-1968, nhân dân địa phương đã tự dựng tạm tại khu vực Đìa Dứa (xã Tân Hòa, quận Bình Tân) một ngôi miếu nhỏ khoảng 3m2 làm nơi hương khói, tưởng niệm 32 dân công hỏa tuyến đã hy sinh. Năm 1996, đồng bào ở đây lại tự đóng góp, vận động mạnh thường quân và xây lại ngôi đền đàng hoàng hơn trên nền miếu cũ với tổng trị giá 74 triệu đồng. Đến năm 2006, nhận thấy cần phải xây dựng lại ngôi đền khang trang hơn, UBND TPHCM đã quyết định đầu tư gần 8 tỷ đồng xây dựng, tôn tạo thành Khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 với tổng diện tích gần 10.000m2 (tại vùng đồng bưng Láng Cát thuộc xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh). Nằm giữa khuôn viên khu di tích là Tượng đài dân công hỏa tuyến (ảnh) cao 3m, gồm 3 nhân vật, làm bằng đồng - biểu tượng cho thanh niên dân công Vĩnh Lộc, quần xắn lên đầu gối, lội bùn đi tải thương, tải đạn… (do tiến sĩ Nguyễn Xuân Tiên tạc) và được khánh thành năm 2006. Khu di tích dân công hỏa tuyến Mậu Thân 1968 đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp TP. Đội dân công hỏa tuyến xã Vĩnh Lộc là những nam, nữ thanh niên tham gia dân công với đa phần là nữ ở lứa tuổi từ 16 – 20, có em còn dưới 15 tuổi. Trạm của dân công hỏa tuyến không cố định, lúc thì tập trung tại địa điểm gần ngã tư ấp 5, xã Vĩnh Lộc A hiện nay, khi thì tập hợp ở một gia đình cơ sở cách mạng nòng cốt như nhà của đồng chí Lê Văn Nhặt ở Tân Hòa. Từ Tân Hòa, Vĩnh Lộc, dân công chuyển thương binh về Bình Thủy (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Từ Long An, đoàn lại chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực về cho quân chủ lực ven đô…

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phongsudieutra/2010/4/223340/