Đề xuất sửa đổi, nâng cấp FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu

Tại Khóa họp lần thứ năm của Ủy ban Hỗn hợp thực thi Hiệp định VN - EAEUFTA, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất sửa đổi một số điều khoản, quy định không còn phù hợp trong Hiệp định, nhằm tăng cường hiệu quả của Hiệp định.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề xuất sửa đổi một số điều khoản, quy định không còn phù hợp trong Hiệp định VN - EAEUFTA. Ảnh: Bộ Công Thương

Chiều 13/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phụ trách Thương mại của Ủy ban Kinh tế Á - Âu Andrey Slepnev đã đồng chủ trì Khóa họp lần thứ năm Ủy ban Hỗn hợp thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEUFTA) bằng hình thức trực tuyến.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Andrey Slepnev thống nhất cho rằng Hiệp định VN - EAEUFTA đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển thương mại hai chiều mạnh mẽ giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Theo số liệu của Liên minh Kinh tế Á - Âu, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã tăng mạnh từ 5,9 tỷ USD vào năm 2017 lên 7,8 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, Liên bang Nga vẫn là đối tác lớn nhất, chiếm 66% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á - Âu và 97% trong nhập khẩu của Việt Nam từ Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cũng như những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu giảm mạnh trong năm 2022.

Tuy nhiên, thương mại hai chiều đã có dấu hiệu hồi phục vào năm 2023. 9 tháng đầu năm 2023, thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á - Âu đạt khoảng 1,8 tỷ USD. Nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỷ USD.

Việc tận dụng các ưu đãi của Hiệp định VN - EAEUFTA cũng được đánh giá là rất tích cực. Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau 7 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ tận dụng C/O form EAEU đạt khoảng 51% kim ngạch thương mại hai chiều, cao hơn so với chỉ số của những năm trước (năm 2022 là 38%, năm 2021 là 31%, và năm 2020 là 28%).

Điều này cho thấy rằng doanh nghiệp hai bên đã nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, tận dụng tốt hơn các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định VN - EAEUFTA mang lại.

Hiệp định VN - EAEUFTA đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển thương mại hai chiều mạnh mẽ giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu. Ảnh: Bộ Công Thương

Về hợp tác đầu tư, hai bên ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc triển khai các dự án đầu tư ưu tiên giữa các nước thành viên EAEU và Việt Nam, đồng thời thống nhất tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết mọi vấn đề mà các nước thành viên có thể gặp phải trong việc thực hiện các dự án đầu tư ưu tiên trên lãnh thổ của nhau.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc củng cố và tăng cường hợp tác kinh tế đa phương và song phương nhằm chống lại sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội mỗi nước là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và là hành động vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đánh giá một số điều khoản, quy định trong Hiệp định VN - EAEUFTA không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, vì vậy hai bên cần xem xét kỹ lưỡng, nghiên cứu các giải pháp mới để tăng cường hiệu quả của Hiệp định, thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Cụ thể, hai bên cần nhanh chóng khởi động nghiên cứu khả thi về khả năng sửa đổi, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Tiếp tục mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn liên quan thanh toán, vận tải và di chuyển giữa người dân, đặc biệt là doanh nhân giữa hai nước. Riêng về vấn đề miễn thị thực, Bộ trưởng đề nghị các nước Liên minh Kinh tế Á - Âu tiếp tục xem xét đề nghị miễn thị thực cho công dân Việt Nam ở mức tương ứng như Việt Nam đang dành cho các nước bạn.

Các cơ quan chức năng của hai bên cần nỗ lực tìm kiếm những phương hướng, dự án hợp tác mới trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới và sáng tạo…

Kết thúc khóa họp, hai bộ trưởng thống nhất chỉ đạo cấp kỹ thuật hai bên tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn, loại bỏ các rào cản về thương mại, nhất là các thủ tục hành chính để tăng cường mạnh mẽ hơn thương mại hai chiều.

Đồng thời, hai bên cần tăng cường thông tin cho nhau những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu của mỗi nước để giúp doanh nghiệp thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh của mình một cách hiệu quả hơn.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai bên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xúc tiến thương mại sang thị trường của nhau để tìm kiếm đối tác, phát huy tối đa khả năng, lợi thế, sự năng động, sáng tạo để có các kết quả cụ thể, thực chất hơn. Đồng thời sẵn sàng báo cáo Chính phủ hai bên về những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để thúc đẩy hợp tác đối với các nội dung đã được hai bên trao đổi và thống nhất.

Bình An

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/de-xuat-sua-doi-nang-cap-fta-giua-viet-nam-va-lien-minh-kinh-te-a-au-post29126.html