Đề xuất nâng mức khoản vay có giá trị nhỏ từ 100 triệu đồng lên 400 triệu đồng

Các ngân hàng đề xuất nâng các khoản vay giá trị nhỏ không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin người liên quan từ mức 100 triệu đồng lên 400 triệu đồng.

Tại Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung quy định “Khoản cho vay có mức giá trị nhỏ là khoản cho vay theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật các tổ chức tín dụng và không vượt quá 100 triệu đồng Việt Nam”.

Đối với các khoản vay này, khách hàng sẽ không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi và thông tin người liên quan cho tổ chức tín dụng.

Đề xuất này nhằm đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ, qua đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế “tín dụng đen”.

Các ngân hàng đề xuất nâng mức khoản vay có giá trị nhỏ từ 100 triệu đồng lên 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, các tổ chức tín dụng đã đề nghị nâng mức khoản vay có giá trị nhỏ (nhất là thẻ tín dụng, thấu chi…) lên mức dưới 400 triệu đồng, bởi đối tượng khách hàng vay vốn chủ yếu của các công ty tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng, khó có chứng từ đầy đủ, chuẩn xác. Đối với các khoản cho vay có giá trị nhỏ, việc yêu cầu khách hàng cung cấp báo cáo sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay là khó khả thi.

Đồng thời, xem xét quy định đơn giản hơn cả về hồ sơ, thủ tục chứng minh khả năng tài chính của khách hàng, mục đích sử dụng vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay đối với các khoản cho vay có giá trị nhỏ.

Liên quan đề xuất này, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, hiện nay pháp luật chưa có quy định về mức giá trị nhỏ mà gần như đây là một khái niệm mới. Tuy nhiên, bản chất trong quá trình làm luật và xây dựng dự thảo đều nhằm mục đích tăng điều kiện tiếp cận vốn đối với khoản vay giá trị nhỏ và giảm thủ tục hành chính. Vì vậy, có quan điểm là đưa luôn mức tiền giá trị nhỏ là 100 triệu đồng vào luật nhằm hướng đến như một tham chiếu về khoản cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, nhưng cũng có quan điểm không nên đưa mức cụ thể để tạo sự linh hoạt cho tổ chức tín dụng cùng người đi vay, đồng thời đảm bảo thời gian sống lâu dài của Thông tư.

Việc đưa mức tiền giá trị nhỏ là 100 triệu đồng cũng đã được ban soạn thảo dự thảo rà soát tham chiếu một số quy định trong Thông tư 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, với giới hạn là dư nợ cho vay tiêu dùng không quá 100 triệu đồng.

Ngoài ra, còn căn cứ theo bổ sung tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN, quy định dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định mục 1 không vượt quá 100 triệu đồng tại một tổ chức tín dụng.

Đồng thời, theo báo cáo thống kê của Tổng cục Thống kê mới nhất, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 101,9 triệu đồng/người.

Vì vậy, mức 100 triệu đồng là cơ sở pháp lý để cho Tổ soạn thảo nghiên cứu và đề xuất mức tiền giá trị nhỏ trong dự thảo. Đi kèm theo đó là khách hàng không bắt buộc phải có phương án sử dụng khả thi, không bắt buộc phải là cung cấp thông tin người có liên quan.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/de-xuat-nang-muc-khoan-vay-co-gia-tri-nho-tu-100-trieu-dong-len-400-trieu-dong-1099062.html