Đề xuất lắp dải phân cách cứng tại một số nhà chờ tuyến buýt BRT

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, Trung tâm đã đề xuất với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho lắp dải phân cách cứng tại vị trí một số nhà chờ trên tuyến buýt BRT 01 Kim Mã- Bến xe Yên Nghĩa.

Hiện các phương tiện cá nhân vẫn vô tư lấn làn buýt nhanh. Ảnh: DN

Các nhà chờ được xem xét lắp dải phân cách cứng đợt này như: Khuất Duy Tiến, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Giảng Võ. “Việc lắp đặt dải phân cách cứng sẽ góp phần hạn chế hiện tượng lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh; tạo điều kiện cho xe vận hành trơn tru, nhanh chóng hơn khi qua nút, hạn chế gây ùn tắc giao thông”, ông Hải cho hay.

Cũng theo ông Hải, phương án nêu trên đang được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xem xét và nếu thông qua sẽ giao cho Ban Quản lý dự án duy tu hạ tầng giao thông trực thuộc Sở thi công sớm để ổn định vận hành cho tuyến buýt nhanh BRT 01.

Được biết, theo quy hoạch giao thông đến năm 2030 đã được phê duyệt, ngoài tuyến buýt nhanh BRT số 01 Bến xe Kim Mã- Bến xe Yên Nghĩa đã đưa vào vận hành, thành phố sẽ có 7 tuyến xe buýt nhanh BRT nữa để giải quyết giao thông công cộng của thủ đô.

Theo đó, 7 tuyến buýt nhanh BRT nữa, gồm tuyến 02 Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), chiều dài khoảng 27 km; 03 Sơn Đồng- Ba Vì, chiều dài khoảng 20 km; 04 Phù Đổng- Bát Tràng- Hưng Yên, chiều dài khoảng 15 km; 05 Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), chiều dài khoảng 30 km; 06 Mê Linh- Sơn Đồng- Yên Nghĩa- Ngọc Hồi- Quốc Lộ 5- Lạc Đạo (Vành đai 4), chiều dài khoảng 53 km; 07 Ba La- Ứng Hòa chiều dài khoảng 29 km; 08 Ứng Hòa- Phú Xuyên, chiều dài khoảng 17 km.

Ngoài ra, một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh như: Tuyến số 4, số 8 và tuyến Sơn Tây- Hòa Lạc- Xuân Mai.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/de-xuat-lap-dai-phan-cach-cung-tai-mot-so-nha-cho-tuyen-buyt-brt.aspx