Đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân: Có làm khó doanh nghiệp?

Để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế đề xuất phương án đưa thân nhân lao động vào diện đóng BHYT bắt buộc. Đề xuất này đang gây nhiều tranh cãi.

Ba phương án mở rộng diện đóng

Trong bối cảnh dân số tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 92%, Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 tăng lên ít nhất 95%. Để tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đề xuất ba phương án mở rộng diện đóng:

Phương án 1, sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế đã được quy định tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế để phù hợp với thực tiễn; pháp điển hóa, cập nhật đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế đã được quy định tại các Nghị định của Chính phủ, các Luật có liên quan được ban hành trong thời gian qua; đặc biệt đồng bộ với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc đang được quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) đang trình Quốc hội ban hành.

Việt Nam đặt mục tiêu tới năm 2025 dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng lên ít nhất 95%

Bổ sung người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam

Phương án 2, bổ sung nhóm đối tượng là thân nhân người lao động, trong đó, nhóm thân nhân người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng. 70% còn lại do người lao động và chủ sử dụng lao động đóng, trong đó người lao động đóng 1/3 và chủ sử dụng lao động đóng 2/3 (tương tự như trách nhiệm đóng đối với người lao động) và một số quy chế khuyến khích đóng bảo hiểm y tế một lần cho tối đa 3 năm để tạo cơ chế đóng thuận tiện, duy trì người dân tham gia bảo hiểm y tế…

Phương án 3, giữ nguyên các nhóm đóng như hiện hành và không bổ sung đối tượng mới vào diện tham gia.

Phân tích ưu - nhược điểm của những phương án nêu trên, nhiều ý kiến chỉ ra, với phương án 3, Nhà nước không phải tăng chi ngân sách, song sẽ đối mặt gánh nặng chi phí giải quyết vấn đề xã hội liên quan đến nhóm chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân khó đạt được. Còn với phương án 2 đang làm khó doanh nghiệp, trong bối cảnh còn gặp không ít khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Theo bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), sau khi thực hiện đánh giá tác động với những đối tượng chịu sự tác động của các bên liên quan, trên cơ sở cân nhắc giữa ưu điểm và khó khăn, Bộ Y tế đã đề xuất phương án 1 như nêu ở trên.

Với phương án đề xuất hỗ trợ thân nhân người lao động tham gia bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cho rằng, dù đây là chính sách nhân văn nhưng thời điểm chưa phù hợp, vì vậy không đề xuất phương án này trong hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.

Tiềm ẩn nguy cơ giảm "sức khỏe" doanh nghiệp

Dưới góc độ doanh nghiệp, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Ngô Thị Kim - Chủ tịch HĐQT HHK Group cho hay: “Để phổ cập bảo hiểm y tế, Nhà nước cần có chính sách an sinh xã hội tốt bằng các nguồn quỹ khác để hỗ trợ người nghèo, người vùng xa xôi hẻo lánh, dân tộc thiểu số, giúp cho người người, nhà nhà đều có được sự chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Với phương án 2 của Bộ Y tế đề xuất như vậy chỉ nhằm vào người còn trong độ tuổi lao động, có đi làm công ăn lương, chưa hướng được đến những đối tượng yếu thế trong xã hội”.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, một người tham gia công tác tư vấn cải cách tiền lương lâu năm cho doanh nghiệp lớn trên địa bàn Hà Nội phân tích: “Sẽ có tình huống nhiều người có người thân chưa đóng bảo hiểm y tế; nhiều người có người thân đóng bảo hiểm y tế. Bản thân trong doanh nghiệp cũng có nhiều đối tượng khác nhau. Nếu căn cứ theo quy định đưa ra theo phương án 2 sẽ tạo ra sự không công bằng giữa người lao động với nhau, vì người thì được hỗ trợ, người không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, chi phí của doanh nghiệp cũng tăng lên. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang xoay sở tìm cách để tăng lương, hỗ trợ cho người lao động thì việc thêm chi phí này là không hợp lý. Nên chăng chỉ khuyến khích doanh nghiệp có điều kiện hỗ trợ đến mức nào đó cho người lao động hoặc số lượng người lao động…”.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, phóng viên đã có trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP. Hà Nội). Ông Tuấn cho hay, ưu điểm của việc đưa thân nhân người lao động vào diện đóng bảo hiểm y tế bắt buộc: Thứ nhất, hiện nay tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế có tăng song vẫn đặt ra yêu cầu về việc tiếp tục mở rộng phạm vi bao phủ. Nếu phương án trên được quy định và áp dụng thì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

Thứ hai, quỹ bảo hiểm y tế sẽ được gia tăng nguồn thu do có thêm đối tượng tham gia. Điều này giúp Nhà nước giảm gánh nặng chi phí để giải quyết các vấn đề xã hội sau này.

Thứ ba, quy định như vậy sẽ giúp người dân giảm chi phí khi điều trị tại các cơ sở y tế, đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân mà Nhà nước đang thực hiện.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. “Việc gánh thêm một khoản chi phí bảo hiểm cho thân nhân người lao động là "quá sức" đối với các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp chậm lương, chậm đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật cho người lao động. Việc chậm đóng này thậm chí kéo dài nhiều tháng hoặc cả năm. Như vậy, nếu buộc doanh nghiệp phải gánh thêm chi trả bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động sẽ đẩy các doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn. Như vậy, tuy đây là một đề xuất mang tính nhân ăn lớn, góp phần nâng cao sức khỏe của người dân song lại tiềm ẩn nguy cơ làm giảm "sức khỏe" của doanh nghiệp”, luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Thanh Tâm - Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-xuat-dong-bao-hiem-y-te-cho-nguoi-than-co-lam-kho-doanh-nghiep-307569.html