Đề xuất điều chỉnh chức năng Ga Hà Nội: Hợp lý nhưng phải hợp quy hoạch

Tại cuộc họp về an toàn giao thông mới đây, một lần nữa đại diện cơ quan Công an Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét “dời” Ga Hà Nội ra khỏi nội đô và để Ga Hà Nội hiện tại là địa điểm trung chuyển các tuyến đường sắt nội đô. Để có góc nhìn khách quan về vấn đề này, LĐTĐ đã ghi lại một số ý kiến của các chuyên gia.

Phải gắn với quy hoạch tổng thể

Ga Hà Nội không chỉ thực hiện chức năng vận tải liên tỉnh mà còn vận tải quốc tế. Với việc ngày càng đổi mới công nghệ, hạ tầng cơ sở và đặc biệt là rút ngắn số giờ chạy tàu Bắc - Nam cũng như thời gian từ Ga Hà Nội đến các địa điểm Hải Phòng, Lào Cai… nên đã thu hút được lượng khách rất đông.

Đi kèm đó, tần suất số lần tàu đi và đến Ga Hà Nội cũng lớn. Chính điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông trong các tuyến đô thị của Thành phố; đặc biệt là giờ cao điểm. Để góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, một lần nữa đại diện Công an TP Hà Nội đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền nên nghiên cứu di dời tuyến đường sắt liên tỉnh ra khỏi khu vực nội đô.

Đề xuất di chuyển ga Hà Nội không nhận được nhiều ý kiến tán đồng của các chuyên gia (Ảnh T.Dũng)

Trao đổi về vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên kiến trúc sư Trưởng TP Hà Nội cho rằng, không có chuyện di dời Ga Hà Nội, đề xuất mới hiện đang được thảo luận đó là quy hoạch Ga Hà Nội từ ga trung tâm điều chuyển thành ga hành khách và ga trung chuyển. Việc làm này là nhằm để thay đổi chức năng, giảm bớt áp lực giao thông, giảm bớt tập trung dân số.

Tuy nhiên, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý muốn làm như vậy trước hết phải tập trung xây dựng các ga đầu mối là: Ngọc Hồi, Giáp Bát, Gia Lâm… “Bất kỳ ở đâu, trong khu đô thị lịch sử, đô thị trung tâm đều cần thiết phải có ga trung chuyển, muốn giảm chức năng thì phải xây dựng được các ga đầu mối. Di dời đi đâu thì đã có quy hoạch. Song mấu chốt ở chỗ muốn gì thì muốn phải đầu tư ga mới thì mới di dời được ga cũ” – TS – KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Ngoài ra, TS Đào Ngọc Nghiêm cũng lưu ý thêm, bản thân Ga Hà Nội là một công trình kiến trúc có giá trị lịch sử. Việc bảo tồn những công trình được xây dựng trước năm 1954 như nhà Ga Hà Nội cũng đã được quy định rõ trong Luật Thủ đô. Do đó, bất kỳ đề xuất hoặc kế hoạch nào liên quan đến việc này cũng đều phải tôn trọng các quy định trong Luật.

Đồng quan điểm với KTS Đào Ngọc Nghiêm, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cũng cho rằng, muốn chuyển chức năng Ga Hà Nội cũng phải dựa trên kết quả nghiên cứu và tính toán cụ thể.

Cân nhắc lợi ích ga trung tâm

Trên thực tế, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 cùng nhiều đề án giao thông khác ga Hà Nội đều được tính đến như một đầu mối giao thông quan trọng. Trong quy hoạch này, ngoài chức năng chính như hiện nay nhà ga sẽ có tàu điện ngầm, trạm xe bus và các điểm đỗ taxi… việc này sẽ giúp tăng cường thêm tính kết nối giao thông, khả năng vận chuyển hành khách. Do đó, nếu đưa ga hành khách ra ngoài theo như đề xuất thì sẽ phá vỡ tính kết nối giao thông và từ đó sẽ phải sửa đổi lại toàn bộ quy hoạch.

Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thủy trong quy hoạch giao thông không có chuyện muốn thay đổi là thay đổi được ngay mà đều phải dựa trên kết quả nghiên cứu cụ thể. Nói rõ hơn về điều này, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, trên thế giới, hầu hết các quốc gia, nhất là các thủ đô, các ga đường sắt đều nằm trong trung tâm thành phố, điển hình như ở Mátxcơva (Nga), Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Praha (Tiệp Khắc).

“Tại sao qua hàng trăm năm, vị trí 15 nhà ga tại thủ đô Mátxcơva vẫn không thay đổi? Chỉ có thể lý giải nguyên nhân là do đây là những mạch giao thông chính, tất cả các quy hoạch đều phải tôn trọng và dựa trên cơ sở này. Nhà ga, bến tàu, cảng sân bay không phải thích thay đổi là thay đổi được” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Trên thực tế, theo TS Nguyễn Xuân Thủy, trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050 cùng nhiều đề án giao thông khác ga Hà Nội đều được tính đến như một đầu mối giao thông quan trọng. Trong quy hoạch này, ngoài chức năng chính như hiện nay nhà ga sẽ có tàu điện ngầm, trạm xe bus và các điểm đỗ taxi… việc này sẽ giúp tăng cường thêm tính kết nối giao thông, khả năng vận chuyển hành khách. Do đó, nếu đưa ga hành khách ra ngoài theo như đề xuất thì sẽ phá vỡ tính kết nối giao thông và từ đó sẽ phải sửa đổi lại toàn bộ quy hoạch.

Ngoài ra, việc di chuyển nhà Ga trung tâm cũng sẽ tốn một khoảng kinh phí rất lớn, gây lãng phí chồng chéo. “Mỗi năm ngân sách chi cho ngành Đường sắt khoảng 7.000 tỷ đồng, riêng việc di dời đã tốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể đến việc nâng cấp ngành đường sắt từ Bắc – Nam sẽ tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng nữa, vậy chúng ta lấy tiền đâu ra. Do đó, cần phải nghiên cứu, xem xét đề xuất chuyển chức năng vận tải hành khách liên tỉnh và quốc tế của ga Hà Nội hiện hành ra ngoài một cách thấu đáo, khoa học” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-xuat-dieu-chinh-chuc-nang-ga-ha-noi-hop-ly-nhung-phai-hop-quy-hoach-58280.html