Đề xuất di dời ga Hà Nội khỏi nội đô: Có giải được bài toán ách tắc?

Theo TS Phạm Sanh, việc giải bài toán kẹt xe hay an toàn giao thông, cái chính là bài toán quy hoạch đô thị, đó là giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, vấn đề kết nối giao cắt giữa đường sắt và đường bộ...

Mới đây, tại hội nghị về trật tự an toàn giao thông, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội nêu vấn đề, Thủ đô có khoảng 10 km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm với rất nhiều đường ngang giao cắt. Tình trạng này gây ra xung đột và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông trên đường sắt và gây mất mỹ quan đô thị.

Lãnh đạo Công an Hà Nội đề nghị các cơ quan chức năng Trung ương xem xét, di dời ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm thành phố nhằm xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành. Tướng Bình tin tưởng, cách này sẽ giúp loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

Di dời ga Hà Nội có đảm bảo không còn ách tắc?

Nói về vấn đề này, ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT nói rằng quan điểm của ông không đồng tình với việc di dời Ga Hà Nội ra khỏi nội đô.

Ông cho rằng đường sắt phải tạo thành một thể thống nhất, các tuyến liên thông với nhau, không thể chuyển tải từ tuyến nọ sang tuyến kia gây phiền toái cho người dân. Ga hàng hóa thường tập kết ở ngoài đến đêm mọi người sẽ dùng xe nhỏ để vận chuyển hàng hóa vào nội đô.

Ga Hà Nội được người Pháp xây dựng đã hơn 100 năm.

Nhưng bây giờ dồn hết hành khách về Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) theo đó sẽ cần bao nhiêu ô tô "cõng" khách vào nội đô, sang các điểm? Tính kết nối làm sao để hành khách thuận tiện nhất khi tham gia giao thông là yêu cầu cao nhất của giao thông.

Nói về việc di dời ga Hà Nội được cho là có thể hạn chế ách tắc giao thông, ông Minh nên ví dụ: "Trước đây Pháp xây dựng cầu Long Biên và có thiết kế hầm chui ở hai bên đầu cầu để người dân thuận tiện tham gia giao thông và không có chuyện tắc đường. Sau này do hầm yếu, thiếu kinh phí sửa chữa, chúng ta lại lấp đi và gây ra ách tắc, ùn ứ giao thông. Việc di dời Ga Hà Nội ai dám đảm bảo không còn cảnh ách tắc?"

Việc di chuyển nhà ga là sai lầm

Trong khi đó, theo TS. Phạm Sanh, nguyên Giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP. HCM, hiện nay, theo xu thế thế giới, các ga đầu mối giao thông đặt càng gần trung tâm đô thị càng tốt. Ví dụ, ngày trước, từng có xu hướng đưa sân bay ra xa nhưng khoảng năm 20 trở lại đây, các nước họ đã “hối hận” bởi những tưởng đưa các sân bay ra xa trung tâm giảm kẹt xe nhưng lại gây kẹt xe nhiều hơn rồi còn gây nhiều thiệt hại khác nữa.

Ga Hà Nội, khách sạn Cây Xoài là nơi ghi nhiều ký ức với người dân Thủ đô và du khách mỗi khi có việc đi lại bằng tàu hỏa.

Với Việt Nam, hiện hầu hết các ga đường sắt đang nằm ở khu vực trung tâm của các đô thị, như vậy là hợp với xu thế chung của thế giới. Còn việc giải bài toán kẹt xe hay an toàn giao thông, cái chính là bài toán quy hoạch đô thị, đó là giải tỏa hành lang an toàn đường sắt, vấn đề kết nối giao cắt giữa đường sắt và đường bộ…

Theo các chuyên gia, di dời bến xe, nhà ga… phải nhìn nhận một cách tổng thể theo đúng Luật để tránh cho sự chắp vá tùy tiện trong quy hoạch.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh – Hội Kiến trúc sư Hà Nội đặt câu hỏi: Giao thông từ trung tâm ra vùng ngoại vi thì ga Hà Nội có vị trí vô cùng quan trọng, nếu ai đó muốn đưa ga Hà Nội ra thì thay thế kết nối trung tâm với bên ngoài bằng cái gì?

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, về lý thuyết, theo công an thành phố Hà Nội thì việc di chuyển ga Hà Nội sẽ giảm bớt mức độ tập trung ở ga, nhưng xét về mặt vận tải, quy hoạch giao thông, nhìn nhận một cách khách quan, hợp lý và khoa học, thì việc di chuyển nhà ga là sai lầm.

Các chuyên gia giao thông đô thị cảnh báo, nếu quản lý quy hoạch kém, phá vỡ kế hoạch phát triển giao thông đô thị thì chắc chắn không chỉ dừng lại ở việc gây khó khăn trong đi lại của người dân mà còn nảy sinh nhiều tiêu cực khác.

Tú An (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/de-xuat-di-doi-ga-ha-noi-khoi-noi-do-co-giai-duoc-bai-toan-ach-tac