Đề xuất các giải pháp sinh kế cho người dân Bích Đầm

Một số giải pháp về sinh kế cho người dân ở Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã được đưa ra tại buổi đối thoại “Chia sẻ các kết quả khoa học - công nghệ và khả năng áp dụng cho bảo tồn và phát triển bền vững Bích Đầm, Hòn Mun, vịnh Nha Trang”, do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức.

Chung tay phục hồi rạn san hô

Tại buổi đối thoại, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Viện Hải dương học cho biết, tình trạng suy thoái rạn san hô trong vịnh Nha Trang và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun xảy ra trong giai đoạn 2018 - 2022 chủ yếu là do hậu quả cơn bão số 12 (năm 2017) và số 9 (năm 2021); sự bùng nổ của sao biển gai kết hợp với tẩy trắng san hô, lắng đọng trầm tích, việc khai thác hải sản quá mức, hoạt động du lịch thiếu kiểm soát gây quá tải cục bộ tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun. “Vì vậy, các vấn đề ưu tiên về môi trường cần tập trung xử lý gồm: Mất diện tích các hệ sinh thái tiêu biểu (thảm cỏ biển, rạn san hô), suy giảm chất lượng hệ sinh thái, khai thác cạn kiệt nguồn lợi và khai thác bất hợp pháp trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun, ô nhiễm rác thải từ hoạt động du lịch và sinh hoạt cộng đồng”, ông Long đề xuất.

Đại diện Chi nhánh ven biển Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đề xuất các giải pháp để phục hồi rạn san hô như: Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt san hô; kêu gọi, huy động cộng đồng chung tay phục hồi san hô; đề xuất dự án, kêu gọi tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, mời nhà khoa học có kinh nghiệm tham gia dự án; dọn rác đáy biển, bắt và tiêu diệt sao biển gai, các loài địch hại. Đồng thời, thành lập hợp tác xã du lịch sinh thái, lựa chọn mô hình du lịch sinh thái phù hợp, chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng nhân lực tại địa phương… Sau khi rạn san hô phục hồi tốt, có thể sử dụng một phần để phát triển du lịch lặn biển ngắm san hô. Cũng theo đại diện Chi nhánh ven biển Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, ở khu vực phía nam Bích Đầm hiện tại còn cấu trúc nền đáy rất tốt, nước trong, cát trắng; nếu khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt để san hô có khả năng phục hồi tự nhiên thì vài năm sau có thể triển khai hoạt động cho khách lặn ngắm san hô.

Đảo Bích Đầm có điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng.

Quan tâm sinh kế cho người dân

Theo ông Phan Đình Phùng - Phó Giám đốc Sở Du lịch, người dân ở đảo Bích Đầm chủ yếu hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản. Sở Du lịch đã thành lập nhiều đoàn công tác đến đảo để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. “Đảo Bích Đầm có điều kiện phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, cần tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên biển, rạn san hô để chuyển đổi mô hình sinh kế bền vững thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch”, ông Phùng nói.

Trong khi đó, người dân ở đảo Bích Đầm cũng mong muốn có sinh kế bền vững để cuộc sống ổn định và chung tay bảo vệ tài nguyên biển, rạn san hô. Bà Dương Thị Thọ - người dân Tổ dân phố Bích Đầm chia sẻ, trước kia Hòn Mun là sinh kế của người dân Bích Đầm. Sau khi có quy định không được đánh bắt hải sản ở khu vực này, người dân địa phương đã nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên, không được đánh bắt thì phải có giải pháp khác để người dân chuyển đổi nghề nghiệp. Ở Bích Đầm có điều kiện thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, bởi có các di tích lịch sử, điều kiện tự nhiên, bãi tắm đẹp, ngọn hải đăng Hòn Lớn… Bên cạnh đó, người dân địa phương có thể đưa khách ngắm rạn san hô trong vịnh Nha Trang bằng thuyền thúng, kéo lưới gần bờ để du khách hiểu hơn về cuộc sống làng biển, phục vụ du khách câu cá trên bè, cho khách trải nghiệm cuộc sống cùng người dân. Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn STP Group đã đưa ra giải pháp nuôi biển công nghệ cao bằng lồng nuôi HDPE gắn với du lịch trải nghiệm mà người dân có thể thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP/GEF SGP), có nhiều quan điểm khác nhau về du lịch cho Bích Đầm, vì vậy cần phải thận trọng trong việc đề xuất các hoạt động du lịch cho nơi này. Điều quan trọng là cần phải có sự đồng thuận của người dân địa phương và hài hòa trong phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội tại đây.

Sau buổi đối thoại, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn chia sẻ bài học kinh nghiệm về bảo tồn rạn san hô gắn với du lịch sinh thái biển, đảo cấp cộng đồng, khảo sát mô hình sinh kế tại Tổ dân phố Bích Đầm. Tại các lớp tập huấn, người dân đã phân tích thực trạng và đề xuất những giải pháp để phát triển kinh tế địa phương ở 5 nhóm, gồm: Du lịch, văn hóa, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi - trồng trọt.

HÒA TRANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202402/de-xuat-cac-giai-phap-sinh-ke-cho-nguoi-dan-bich-dam-aa312d9/