Để văn hóa truyền thống sống mãi với đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, đầu tư của UBND huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nhiều hộ dân trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực vượt khó, miệt mài giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Qua đó, nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn đang 'sống' giữa cộng đồng các thôn, làng nơi biên giới.

Các sản phẩm nghề truyền thống ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Ảnh: Tùng Lâm

Cuối tháng 7, dưới cái nóng hầm hập, bên mái nhà rông ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, những người phụ nữ vẫn miệt mài, say sưa dệt thổ cẩm. Họ là những thành viên trong nhóm dệt của làng, tranh thủ những ngày rảnh việc đồng áng, quây quần tại đây cùng dệt, vừa để thỏa đam mê, vừa để giữ nghề truyền thống.

Thoăn thoắt đôi tay, bà Y Túy - một trong những người lớn tuổi nhất trong nhóm dệt kể, năm 15 tuổi, bà được bà ngoại và mẹ tập cho nghề dệt. Ngày ấy, con gái không biết dệt, trai làng không ai ưng. Sau này, dù đời sống nhiều thay đổi, quần áo, vải vóc ngày càng đa dạng, nhưng phụ nữ làng Chốt vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Họ làm ra những tấm chăn đắp, những bộ trang phục cho ngày lễ hội và cả làm quà cưới cho con gái trước khi lấy chồng.

Chị Y Bdir, người trẻ nhất trong nhóm dệt nói, đối với chị và nhiều phụ nữ Gia Rai nơi đây, việc khoác lên mình những bộ quần áo thổ cẩm truyền thống đem lại cảm giác hạnh phúc và tự hào. Ngoài sắm sửa đồng phục ở trường, chị cũng dệt cho con mình những bộ quần áo truyền thống để diện trong những dịp đặc biệt ở trường.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy cho biết, chính quyền địa phương luôn khuyến khích bà con mặc trang phục truyền thống trong các nghi lễ của làng. Tại các trường học, khuyến khích học sinh DTTS mặc trang phục truyền thống vào thứ Hai hằng tuần. Ngoài dệt thổ cẩm, bà con các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy còn nỗ lực gìn giữ những nghề truyền thống khác như làm rượu cần, đan lát...

Tuổi đã cao, tay đã run, mắt cũng mờ dần, nhưng hầu như ngày nào ông A Nhang, ở làng Trấp, xã Ya Tăng cũng đan lát. Những chiếc gùi, chiếc nia... do ông làm ra vẫn rất sắc sảo, tỉ mỉ và có độ bền cao. Những năm gần đây, nhiều bà con trong làng và ở các địa phương tìm đến ông A Nhang để đặt gùi, ông bán với giá từ 300.000-800.000 đồng/chiếc, tùy kích thước.

Tương tự, nghệ nhân A Đăng, ở làng Gia Xiêng, xã Rờ Kơi ngày ngày vẫn cặm cụi đan lát. Các sản phẩm do ông làm ra rất phong phú, từ gùi, rổ rá đến chiếc đơm cá, giỏ... Với nghệ nhân A Đăng hay ông A Nhang, việc đan lát không chỉ đem lại cho họ thu nhập, mà hơn hết là niềm vui bởi những sản phẩm truyền thống vẫn được người dân đón nhận.

Ông A Theng, Phó Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, trong thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền xã luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống ở địa phương, nhất là đan lát, dệt thổ cẩm. Hiện nay, xã đã rà soát và mời 6 nghệ nhân truyền dạy nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.

Tính chung trên địa bàn huyện Sa Thầy, giai đoạn 2017-2021, thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh”, huyện đã hỗ trợ 68 bộ khung dệt; xây dựng 3 băng đĩa về quy trình sản xuất nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm nghề đan lát, nghề đẽo thuyền độc mộc; tổ chức 2 lớp học nghề dệt thổ cẩm cho người dân và tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền bảo tồn nghề truyền thống tại xã, thị trấn. Trên địa bàn hiện có gần 1.200 hộ gia đình, nghệ nhân còn duy trì nghề truyền thống, trong đó có một số nghề như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần... mang lại nguồn thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân.

Tuy vậy, những kết quả kể trên vẫn chưa thực sự làm yên lòng những già làng, nghệ nhân tâm huyết. Như tâm sự của bà Y Thuột - người đang cố gắng giữ lửa nghề dệt thổ cẩm ở làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi, đời bà truyền cho đời mẹ, đời mẹ truyền cho đời con thì được, nhưng để đời con truyền cho đời cháu e sẽ là việc chẳng dễ dàng. Hay như lời già A Ghin, làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, giữa những chiếc túi nhiều màu sắc, những chiếc bao tiện lợi, lớp trẻ trong làng chẳng mấy mặn mà với gùi, giỏ truyền thống, không sử dụng thì không đan, không đan thì sẽ chẳng thể giữ được nghề truyền thống.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong thời gian tới, huyện Sa Thầy xác định, khôi phục, bảo tồn, lưu giữ bí quyết nghề nghiệp, phát huy giá trị văn hóa đối với 7 nghề truyền thống, gồm: dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, rèn, tạc tượng. Để làm được điều đó, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc; lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống tại thôn, làng, tạo điều kiện cho người dân tham gia. Đồng thời, hỗ trợ các hộ gia đình, cơ sở nghề truyền thống giới thiệu, quảng bá, đa dạng hóa các kênh bán hàng, tiêu thụ sản phẩm để người dân có thu nhập ổn định từ nghề truyền thống.

Tùng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/de-van-hoa-truyen-thong-song-mai-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post465010.html