Để văn chương đến với thế giới tuổi thơ

Viết cho thiếu nhi thực sự không hề đơn giản và khó thể hiện thành công nếu không thực sự đắm mình vào thế giới tuổi thơ. Đây là lý do khiến các tác phẩm dành cho thiếu nhi trong cả nước chưa đa dạng, tại Gia Lai lại càng hiếm hoi. Làm gì để văn chương thật sự chạm vào thế giới tuyệt đẹp ấy là trăn trở của không ít người cầm bút.

Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng vừa phối hợp với Trường THPT Pleiku và Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức 2 buổi truyền thông về Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất vào ngày 14-9. Buổi gặp mặt được tổ chức tại Hội VHNT Gia Lai còn có đại diện lãnh đạo, hội viên Hội VHNT Kon Tum cùng các em học sinh là học viên lớp bồi dưỡng “Sáng tác văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số” năm 2023.

Quang cảnh buổi gặp gỡ của đại diện NXB Kim Đồng với hội viên Hội Văn học Nghệ thuật 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Ảnh: Phương Duyên

Bà Ngô Thị Phú Bình-Trưởng ban Biên tập Sách văn học NXB Kim Đồng-thông tin: Qua hơn 65 năm thành lập (từ năm 1957), các tác phẩm văn học của NXB đã nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, tinh thần tốt đẹp cũng như bồi đắp tâm hồn, nhân cách của nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam. Nhiều cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi được NXB Kim Đồng tổ chức nhằm tìm kiếm, thúc đẩy và cổ vũ các tác giả sáng tác nhiều hơn nữa cho bạn đọc thiếu nhi Việt Nam.

Với mong muốn phát hiện thêm những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi, có thêm các tác phẩm văn học mới, chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam, tháng 5-2023, NXB Kim Đồng công bố giải thưởng cho các sáng tác dành cho thiếu nhi mang tên Kim Đồng. Giải thưởng gắn với cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi giai đoạn 2023-2025 dành cho tất cả các cây bút chuyên và không chuyên với 3 thể loại: truyện ngắn, truyện dài và thơ. Tác phẩm dự thi hướng tới đối tượng nhi đồng (6-10 tuổi) và thiếu niên (11-15 tuổi). Tổng trị giá giải thưởng là 360 triệu đồng, riêng giải nhất trị giá 100 triệu đồng.

Hội đồng chung khảo gồm các nhà văn nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi Việt Nam gồm: Chủ tịch Hội đồng, nhà văn Trần Đức Tiến và các thành viên: nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Lý Lan, nhà thơ-Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh và Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên.

Thông qua buổi gặp gỡ, NXB Kim Đồng mong muốn quảng bá Giải thưởng Văn học Kim Đồng đến các hội viên của Hội VHNT 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Buổi gặp gỡ với đại diện NXB Kim Đồng cũng là dịp để các hội viên Chi hội Văn học của 2 địa phương khu vực Bắc Tây Nguyên nghiêm túc nhìn nhận hoạt động sáng tác mảng văn học thiếu nhi của mình. Nhà văn Đinh Su Giang-Phó Chủ tịch Hội VHNT Kon Tum-thừa nhận: Các hội viên vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến sáng tác thơ văn thiếu nhi; riêng mảng văn học dân tộc thiểu số dành cho thiếu nhi thì… hoàn toàn vắng bóng.

“Buổi gặp gỡ cho thấy cái nhìn và suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này. Chúng tôi có trách nhiệm đôn đốc, vận động hội viên tham gia mảng đề tài này cũng như Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất. Tuy đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi khả năng sáng tạo và tinh thần làm việc nghiêm túc nhưng nếu lấy những trường ca nổi tiếng của dân tộc Bahnar, Xê Đăng trên địa bàn làm cảm hứng thì cũng là cách khả dĩ”-nhà văn Đinh Su Giang nêu quan điểm.

Các tác giả tìm hiểu về các tác phẩm văn học thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Ảnh: P.D

Trong khi đó, nhà thơ Ngô Thanh Vân-Phó Chủ tịch Hội VHNT Gia Lai cũng cho rằng, bản thân từng có những tản bút viết về tuổi thơ chính mình nhưng đó không phải là văn học dành cho thiếu nhi, bởi chúng không viết bằng góc nhìn tuổi thơ mà là hoài niệm của người lớn. “Vì sao các tác giả đi trước làm được mà chúng ta chưa làm được? Chỉ là chúng ta chưa bắt đầu thôi. Nếu có tâm huyết, nội lực thì sẽ làm được và thành công”-nhà thơ Ngô Thanh Vân bày tỏ.

Các ý kiến tại buổi gặp gỡ thống nhất rằng quan tâm hoạt động sáng tác các tác phẩm dành cho thiếu nhi cũng là cách góp phần quảng bá bản sắc văn hóa Tây Nguyên đến đông đảo độc giả. Nhà thơ Tạ Văn Sỹ-hội viên Hội VHNT Kon Tum-hào hứng cho hay: Ông đang có kha khá bài thơ dành cho thiếu nhi. Ông sẽ tập hợp, chọn lọc để tham gia Giải thưởng Văn học Kim Đồng. Còn nhà thơ Đào An Duyên-hội viên Hội VHNT Gia Lai lại nêu thêm một ý kiến xác đáng, đó là công tác quảng bá, tuyên truyền các tác phẩm văn học thiếu nhi đang có khoảng trống đáng suy ngẫm. Chị đề xuất, ngoài việc “ươm mầm” văn học thiếu nhi, công tác truyền thông cần được tổ chức một cách bài bản để tác phẩm thực sự tìm được chỗ đứng trong dòng chảy văn học.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, các thiết bị công nghệ cũng như mạng xã hội ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống con người mọi lứa tuổi (nhất là trẻ em và giới trẻ), việc lan tỏa văn hóa đọc đang gặp không ít khó khăn. Song, các tác giả khi chú tâm quan sát, đặt mình trọn vẹn vào thế giới tuổi thơ thì sẽ có tác phẩm chạm đúng mạch tâm lý, nhiều góc nhìn và trải nghiệm thú vị, sinh động cho trẻ. Chúng ta có ai chưa từng nuối tiếc về tuổi thơ đẹp đẽ đã trôi qua và không bao giờ trở lại? Vì thế hãy làm gì đó để văn chương thực sự chinh phục và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. Hãy “quyết bảo vệ ký ức tuổi thơ của trẻ con” (cách độc giả nói về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) để vùng trời ấy mãi là ký ức khó quên, làm nên những giá trị sống tốt đẹp với mỗi người.

PHƯƠNG DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-van-chuong-den-voi-the-gioi-tuoi-tho-post249433.html