Để trồng lúa có lãi

Tamnhin.net - Nhiều bà con nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lo lắng vì trên cánh đồng của họ có nhiều loại dịch bệnh xuất hiện. Điều đáng nói là liên tiếp hơn 1 tuần nay, trời mưa nhiều nên nông dân khó có điều kiện phòng trị. Điều này ảnh hưởng đến các trà lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng và cũng là giai đoạn xuất hiện sâu bệnh.

TIN LIÊN QUAN

Oằn mình trong khô hạn

Hiệu quả "kép" từ mô hình Cánh đồng lớn

Vì sao hàng trăm hecta đất trồng lúa bị bỏ hoang?

Sau cơn đại hạn tại ĐBSCL, người trồng lúa vẫn gượng dậy để sản xuất. Dù vậy, tại những diện tích đã bị xâm nhập mặn, bị thiệt hại do nắng nóng, xâm nhập mặn, người trồng vẫn nơm nớp lo sợ làm sao trồng lúa có lãi. Đây cũng là câu hỏi của nhiều người trồng lúa gửi đến chuyên mục trong thời gian qua.

Giá thành liên tiếp tăng

Theo thống kê của các tỉnh ĐBSCL, trung bình các vụ mùa sản xuất lúa (hè thu, đông xuân) năm 2015 có giá thành từ 2.200-2.500 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với 10 năm trước. Đặc biệt, năm 2015, giá thành lúa tăng cao nhưng do thiên tai hạn mặn khiến cho người trồng lúa bị thiệt hại nặng nề.

Thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015.

Diện tích nằm giáp ranh giữa thiệt hại và không thiệt hại năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/ha khiến người trồng lúa chỉ hòa vốn, không có lãi. Ông Trần Văn Hậu (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) sản xuất gần 2 ha, sau khi trừ tất cả chi phí cho 3 tháng trồng lúa lãi hơn 10 triệu đồng. Ông tính toán: “Ở đây, giá bán 1 ha đất lúa gần 1 tỷ đồng, 2 ha của tôi tệ lắm cũng 1,5 tỷ đồng. Nếu lấy số tiền này gửi ngân hàng 3 tháng cũng lãi gần 20 triệu đồng khỏi phải làm gì cho cực khổ”. Theo ông, ở đây nhiều người không trực tiếp sản xuất mà cho người khác thuê đất sản xuất. Nguyên nhân, theo ông Sáu, do người ta tính toán thiệt hơn cho cánh đồng lúa của mình.

Bài toán về lợi nhuận từ trồng lúa luôn là nỗi trăn trở của nhiều nông dân. Hiện vẫn còn nhiều người đang bức xúc, do lợi nhuận trồng lúa thường bấp bênh và đôi khi quá thấp mà chưa chuyển đổi được một loại hình canh tác nào khác có lợi hơn. Đa số bám cây lúa như chuyện chẳng đừng, bởi không biết trồng loại cây gì thay thế và trồng lúa theo thói quen lâu đời mà không tính toán, đến mùa giáp hạt mới giật mình thấy hũ gạo nhà mình đã hết.

Theo tính toán của người trồng lúa, họ phải đối mặt nhiều vấn đề, không định đoạt được sản phẩm do mình làm ra. Hiện tượng trúng mùa trật giá thường xuyên xảy ra và liên tiếp lặp lại. Ông Nguyễn Văn Lập (huyện Long Phú, Sóc Trăng) thở dài: “Làm lúa bây giờ phải toan tính nếu không sẽ không có lãi. Không phải như trước đây cứ gieo hạt là có lời. Bởi trồng lúa bây giờ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố”.

Toan tính trên từng mảnh ruộng

Theo GS. Mai Văn Quyền, để tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thế nên, người dân thường mong ruộng cho thu hoạch có năng suất cao, trúng mùa. Muốn có năng suất cao cần phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp. Để có lợi nhuận phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài việc làm mọi cách để giảm giá thành còn phụ thuộc vào đầu ra cho hạt lúa. Ví dụ, một nông dân thu hoạch được 7 tấn lúa/ha mà giá lúa chỉ khoảng 4.000đ/kg thì cũng không bằng ruộng lúa cùng giống nhưng có năng suất chỉ đạt 5,5 tấn mà bán được 5.500đ/kg. Trường hợp này ở ruộng thứ 2 có thể do gặt sớm hơn, thị trường đang hút gạo nên bán được giá. Còn ruộng thu được 7 tấn, thu hoạch vào lúc giá lúa trên thị trường giảm nên lợi nhuận thấp hơn.

Để nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, Sóc Trăng đã phê duyệt quy hoạch trồng lúa đặc sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, có đến 60% diện tích sản xuất tỉnh này thực hiện lúa đặc sản đạt chuẩn xuất khẩu. Tỉnh này cũng đã liên kết với nông dân trong việc sản xuất cung ứng vật tư, tiêu thụ đối với các chủng loại lúa đặc sản ST.

Các địa phương đều khuyến cáo đồng thời trực tiếp xuống tận nhà người trồng lúa hướng dẫn thực hiện “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm giá thành trồng lúa. Khi người trồng lúa thực hiện kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm” thì đã có thể tiết giảm được khá nhiều chi phí đầu vào, chắc chắn mang lại lợi nhuận cao hơn người không áp dụng phương pháp này. Tuy nhiên, ngay cả khi áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” cẩn thận thì vẫn còn có thể có biện pháp bổ sung để làm tăng lợi nhuận cho người trồng lúa cao hơn. Trong bài này, chúng tôi chỉ nêu một số ví dụ để so sánh giữa trường hợp áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” khá tốt nhưng nếu thay đổi loại phân có chất lượng cao vẫn còn có thể làm giảm chi phí đầu tư mà mang lại hiệu quả cao hơn so với chỉ sử dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”.

Tổng kết 13 mô hình tương tự cũng thực hiện trong vụ đông xuân ở khắp 13 tỉnh ĐBSCL cho thấy, chỉ có thay đổi 1 biện pháp trong gói biện pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, đó là sử dụng phân chuyên dùng thì mô hình nào cũng có kết quả là giảm lượng phân, giảm chi phí đầu tư mà năng suất lúa và lợi nhuận đều cao hơn ruộng đối chứng.

Để có hạt lúa bán cho thương lái, người nông dân toan tính trên từng mảnh ruộng của mình. Chi phí sản xuất ngày càng nhiều từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, công thu hoạch… Dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng, khoa học kỹ thuật ngày càng được áp dụng nhiều trên đồng ruộng, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp thường xuyên bên cạnh người trồng lúa trong suốt quá trình canh tác. Và dĩ nhiên, công chi phí đều tính vào giá thành của hạt lúa. Mà sản phẩm cuối cùng lại là gạo xuất khẩu, bởi từ trước đến nay, có ai xuất khẩu lúa bao giờ.

Hoàng Huy

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/de-trong-lua-co-lai-134934.html