Để Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm kết nối giao thông vùng – Bài 1: Điểm nghẽn hạ tầng

Kết cấu hạ tầng giao thông Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả mặc dù đã tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Công Phong - TTXVN

Tp. Hồ Chí Minh đã tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, một số công trình trọng điểm đã đưa vào khai thác. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng giao thông Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả, chưa tương xứng như kỳ vọng.

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, có tính chất liên vùng kết nối Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như Đông Nam bộ là cấp thiết. Điều này không chỉ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Tp. Hồ Chí Minh mà là động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Bài 1: Điểm nghẽn hạ tầng

Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu tàu kinh tế của cả nước. Nhưng những năm gần đây, kinh tế Tp. Hồ Chí Minh có phần chững lại. Một phần nguyên nhân do tác động của dịch COVID-19, cùng đó là “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối vùng khiến thành phố chưa phát huy hết tiềm năng.

* Thiếu kết nối trong vùng

Với vị trí chiến lược, Đông Nam bộ đóng vai trò quan trọng trong giao thương với cả nước và quốc tế thông qua mạng lưới giao thông, cảng biển. Tuy nhiên, vùng đang đối diện với hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ, dẫn đến chuỗi cung ứng nội vùng và ngoại vùng bị quá tải, giảm tính kết nối.

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hạ tầng giao thông có bước phát triển mạnh. Một số công trình trọng điểm được đầu tư đưa vào khai thác, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc, vành đai chưa được đầu tư hoặc chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển, sức lan tỏa của vùng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh Sử Đình Thành đánh giá, Đông Nam bộ có tỷ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt siêu đô thị như Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư nên đối diện với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.

Quy hoạch đến 2030, khu vực có 970 km cao tốc nhưng mới đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch. Nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhận định, tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được khai thác hiệu quả. Tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.

Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển của Thành phố. Đó là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chậm và thiếu đồng bộ; quy hoạch, quản lý đô thị, sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém; giao thông quá tải và ùn tắc…

Ông Nguyễn Trọng Hoài - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á (Jabes) cho biết, nền kinh tế vùng Đông Nam bộ có độ mở cao nhưng cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng chưa kết nối đồng bộ. Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh là nơi có đóng góp thu ngân sách cao nhưng các hệ thống giao thông vành đai kết nối vùng chưa hoàn chỉnh và chậm tiến độ.

Giai đoạn 2016 - 2020, Tp. Hồ Chí Minh cần khoảng 373.000 tỷ đồng cho 172 công trình giao thông trọng điểm, bao gồm vốn ngân sách và huy động bên ngoài nhưng vốn ngân sách chỉ đáp ứng 27%, vốn huy động từ nhà đầu tư chỉ đạt 13%. Đặc biệt, năm 2022, địa phương này giải ngân đầu tư công chỉ đạt 70% và hiện đang đối diện với thách thức giải ngân kép trong năm 2023 khi mà vốn đầu tư công tăng gấp đôi.

“Tp. Hồ Chí Minh là một siêu đô thị hơn 10 triệu dân, mặc dù có nhiều nỗ lực đóng góp về ngân sách nhưng cơ sở hạ tầng giao thông được xếp hạng sau Bình Dương và Đồng Nai. Địa phương đang đối diện với các tắc nghẽn và chi phí logistics cao, cạnh tranh dịch vụ và công nghiệp có chiều hướng đi xuống khi Vành đai 2 chưa khép kín, Vành đai 3 dài 90 km đang triển khai và Vành đai 4 dài 196 km chưa triển khai”, ông Nguyễn Trọng Hoài đánh giá.

* Ảnh hưởng cạnh tranh

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành dừng thi công nhiều năm nay, khiến áp lực giao thông giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương bị ảnh hưởng. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Vũ Tiến Lực

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/de-tp-ho-chi-minh-la-trung-tam-ket-noi-giao-thong-vung-bai-1-diem-nghen-ha-tang/289683.html