Đề thi Lịch sử làm khó thí sinh, đề Địa lý có tính vận dụng cao

Sáng 24.6, các thí sinh đã tham gia bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm 3 môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Đây là những môn thi cuối cùng của các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Đề thi trắc nghiệm Lịch sử năm nay cần thí sinh vận dụng tư duy khá nhiều

Sau khi kết thúc môn thi đầu tiên, các thí sinh bước ra khỏi phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi Lịch sử năm nay khá mới mẻ với hình thức thi trắc nghiệm.

Trao đổi với phóng viên, thí sinh Hoàng Thị Hiền (THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội) cho biết: "Đề thi trắc nghiệm Lịch sử năm nay cần thí sinh vận dụng tư duy khá nhiều. Với các thí sinh đăng ký môn thi Lịch sử, chắc chắn các bạn sẽ làm được 8-9 điểm. Tuy nhiên, đối với những bạn không theo môn học này thì chỉ làm được vài câu đầu và đủ điểm tốt nghiệp thôi. Càng về sau, các câu hỏi trong đề thi càng khó, có tính phân loại rõ rệt".

Học sinh Nguyễn Trần Kiên (THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) khẳng định các câu về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Mỹ La tinh hay châu Á đòi hỏi học sinh phải ôn bài kỹ chứ không thể học tủ. "Em cho rằng đề thi chính thức khó hơn nhiều so với các đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đưa ra trước đó. Đề thi Lịch sử năm nay thật sự đã làm khó những thí sinh như em. Em mong mình đạt 6-7 điểm vì điểm số môn này sẽ tính vào điểm ở trường ĐH mà em đăng ký", Kiên bày tỏ.

Năm nay là năm đầu tiên đề thi môn Lịch sử được ra theo hình thức trắc nghiệm. Nhiều thí sinh đánh giá đề thi khá hay, không quá thiên về kiến thức học thuộc lòng. Điều này khiến các thí sinh “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, ngay khi kết thúc môn thi này, các thí sinh rời khỏi phòng thi đã có nhiều tranh luận về một số câu hỏi có thể có tới 2 đáp án đúng. Nhiều câu hỏi mở rộng mà ngay cả đối với những thí sinh học giỏi môn Lịch sử cũng cảm thấy khó hoàn thành hết hoặc chính xác nhất.

Không như môn Lịch sử, các thí sinh đăng ký thi môn Địa lý lại đánh giá đề thi khá dễ. Sau khi ra khỏi phòng thi, một số thí sinh tự do cho biết đề Địa lý có tính vận dụng cao, yêu cầu thí sinh hiểu biết thực tế. Đề thi có câu hỏi tại sao diện tích nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long giảm; việc này đòi hỏi thí sinh phải hiểu tình hình thực tế, vấn đề nhiễm mặn...

Năm 2017 là năm đầu tiên các môn như Lịch sử, Địa lý được tổ chức thi bằng hình thức thi trắc nghiệm. Đây cũng là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia bằng hình thức thi trắc nghiệm. Quyết định này của Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của học sinh cũng như các chuyên viên giáo dục trong cả nước.

Với mục đích tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển sinh ĐH, CĐ, đề thi năm nay sẽ đảm bảo khoảng 60% số câu hỏi kiểm tra kiến thức, kỹ năng cơ bản để đánh giá học sinh đạt kết quả tốt nghiệp THPT (ở mức độ nhận thức: Nhận biết và Thông hiểu), 40% số câu kiểm tra kiến thức, kỹ năng nâng cao để phân hóa học sinh (ở mức độ nhận thức: Vận dụng và Vận dụng cao). Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội chiếm 42%.

Dạ Thảo

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/de-thi-lich-su-lam-kho-thi-sinh-de-dia-ly-co-tinh-van-dung-cao-65720.html