Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn: Hãy trao quyền cho người trẻ

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh trình bày về quan điểm 'hãy trao quyền cho người trẻ để họ xây dựng tuổi trẻ của mình cho tương lai'.

Đề Ngữ văn yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm "hãy trao quyền cho người trẻ để họ xây dựng tuổi trẻ của mình cho tương lai". Đồ họa: CDKH

Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai vừa tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp tỉnh (bảng B) năm học 2023-2024, trong đó có môn Ngữ văn. Theo đó, nội dung đề thi môn này như sau:

Câu nghị luận xã hội: "Trong vòng chung kết của thi hùng biện tiếng Anh dành cho học sinh trung học phổ thông chuyên năm 2021 do Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại học Hà Nội và Hệ thống giáo dục HOCMAI đồng tổ chức với chủ đề: Vai trò của giáo dục trong việc thúc đẩy trao quyền cho thanh niên, đội giành giải quán quân (Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị) đã bày tỏ quan điểm: "Hãy trao quyền cho người trẻ để họ xây dựng tuổi trẻ của mình cho tương lai".

Với tư cách một người trẻ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm trên.

Câu nghị luận văn học: "Bí mật của nhà văn không phải là cảm hứng mà chính là cá tính ương ngạnh của anh ta, như người Thổ Nhĩ Kỳ có một câu đáng yêu: "Đào giếng bằng kim" (Orhan Pamuk – "Diễn từ Nobel văn học" 2006)

Bằng trải nghiệm về văn học, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

Gợi ý đáp án nghị luận xã hội

Giải thích: "Trao quyền cho người trẻ" là sự chuyển giao trách nhiệm cho thế hệ trẻ để họ có thể đưa ra quyết định và chủ động hơn trong cuộc sống của bản thân. "Xây dựng tuổi trẻ của mình cho tương lai" là việc định hướng thực hiện những mục tiêu đặt ra cho tuổi trẻ của mỗi người để góp phần làm nên tương lai đẹp của bản thân cũng như của cộng đồng, xã hội.

Quan điểm trên nhấn mạnh việc cần đặt niềm tin vào người trẻ, cho họ được chủ động quyết định cuộc sống của mình, đồng thời thể hiện sự tự tin và mong muốn được trao quyền tự quyết của người trẻ.

Bàn luận, chứng minh: Tùy theo trải nghiệm thí sinh bày tỏ quan điểm cá nhân yêu cầu ý kiến phải gắn với quan điểm đề ra và luận bàn thuyết phục về vấn đề.

Đồng tình với việc trao quyền tự quyết cho người trẻ: Chuyển giao trách nhiệm cho người trẻ, đặt niềm tin vào người trẻ là một việc làm cần thiết và có cơ sở. Tuổi trẻ là giai đoạn thể chất phát triển vượt trội, năng lượng căng tràn vì thế người trẻ có thể làm được những công việc đòi hỏi sức lực, sức mạnh lớn nhất mà ở lứa tuổi khác khó làm được.

Tuổi trẻ cũng là tuổi trong giai đoạn hình thành và hoàn thiện về phẩm chất, năng lực ở nhiều phương diện (nhân cách, tâm hồn, trí tuệ,…) giàu nhiệt huyết, đầy nghị lực, khát vọng lớn lao…; tình cảm trong sáng, cao cả, cảm xúc mãnh liệt,…; nhạy bén, năng lực sáng tạo dồi dào, nhiều ý tưởng - hành động táo bạo.

Người trẻ luôn tự tin vào bản thân, khao khát được thể hiện, khẳng định mình, mong muốn được đặt niềm tin và sẵn sàng tự quyết khi được trao quyền. Vì thế cần phải trao quyền tự quyết cho người trẻ.

Với những lợi thế ấy, khi được trao quyền tự quyết, người trẻ có thể tạo dựng cho mình một thanh xuân tươi đẹp, ý nghĩa; đóng góp, cống hiến nhiều công sức cho xã hội, đã có nhiều người trẻ phát kiến ra những thành tựu lớn lao, vĩ đại cho nhân loại.

Không đồng tình với việc trao quyền tự quyết cho người trẻ: Tuổi trẻ, người trẻ có những hạn chế tất yếu do lứa tuổi còn xốc nổi, bồng bột, thiếu kinh nghiệm; bản lĩnh chưa vững vàng, ý chí quyết tâm chưa cao, dễ lung lay, do dự, thay đổi…

Nhiều người trẻ do được bao bọc, luôn chiều, được sống trong điều kiện đủ đầy nên ngại khó, ngại khổ, sống dựa dẫm, không dám bước qua "vùng an toàn"; không cần quyền tự quyết với chính cuộc sống của mình khi đã ở tuổi trẻ lẽ ra phải trưởng thành. Thí sinh lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề.

Bài học nhận thức hành động: Thí sinh rút ra những bài học nhận thức và hành động đúng đắn, sâu sắc, nhân văn, phù hợp với những chuẩn mực đạo đức xã hội.

Với thế hệ đi trước: Trao quyền cho người trẻ không có nghĩa là phó mặc, buông lỏng mà cần có sự giám sát…; trao quyền cho người trẻ là đặt niềm tin vào họ, cùng đồng hành, tư vấn, hỗ trợ người trẻ khi cần thiết…

Với người trẻ: Nên mạnh dạn đề xuất, nhận quyền tự quyết để tạo dựng tuổi trẻ cho tương lai. Dấn thân vào thử thách, dám tự quyết ngay cả trong những tình huống cam go, song cũng cần suy xét, cẩn trọng. Luôn tôi luyện bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ, nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm chất để thực hiện tốt quyền được trao.

Gợi ý phần nghị luận văn học

Giải thích: "Cá tính ương ngạnh" là người có chính kiến riêng, ý tưởng táo bạo, hành vi phá cách, không dễ bị chi phối bởi ý kiến của người khác. "Đào giếng bằng kim" hàm chỉ việc làm khác biệt, đi đến đích bằng tư duy riêng, con đường riêng của mình.

Ý kiến nhấn mạnh cá tính sáng tạo là cốt tủy của văn học. Điều bí mật làm nên sức sống văn chương là những cá tính độc đáo, khác biệt của người sáng tác được thể hiện trong tác phẩm của mình.

Phân tích và chứng minh: Cá tính ương ngắn độc đáo của nhà văn là khí chất, dấu ấn, phong cách cá nhân của nhà văn đó. Nó được tạo nên bằng tài năng, tâm huyết, bằng trải nghiệm cuộc sống, bằng lao động nghệ thuật công phu… nên sẽ là những đóng góp của nhà văn để làm phong phú thêm cho nền văn học.

Văn học nghệ thuật là hoạt động sáng tạo có tính chất cá thể. Nếu nhà văn không có cá tính sáng tạo, không tạo được tiếng nói riêng, giọng điệu riêng thì tác phẩm sẽ không có chỗ đứng trong đời sống văn học… "Cái bình thường là cõi chết của nghệ thuật" (Maxim Gorki).

Người cầm bút ý thức được rằng muốn khẳng định cá tính ương ngạnh (cái tôi sáng tạo) của cá nhân thì phải có tư duy riêng, lối đi riêng giống như việc "đào giếng bằng kim" để tạo lập một thế giới mới mẻ, riêng biệt, độc đáo làm nên "vân chữ" chính là cống hiến có giá trị của bản thân với cuộc đời.

Ý kiến khẳng định: Cá tính ương ngạnh (cá tính sáng tạo) là biểu hiện của tài năng, là cơ sở tạo nên tầm vóc và diện mạo của người cầm bút. Nó là kết quả của quá trình phấn đấu lâu dài, của những nỗ lực không ngừng trong tìm tòi, khám phá, gắn với ý thức sáng tạo nghệ thuật của nhà văn chân chính.

Văn chương không có gì riêng sẽ không là gì cả: Việc lặp lại chính mình hoặc lặp lại người khác là điều tối kị trong hoạt động sáng tác văn học. Vì thế, mỗi nhà văn phải có một thế giới nghệ thuật riêng, phải "khơi những nguồn chưa ai khơi, sáng tạo những gì chưa ai có" (Nam Cao). Mới mẻ, độc đáo là điều kiện tồn tại của tác phẩm văn chương.

Độc đáo một cách đa dạng, bền vững mà luôn đổi mới, nhưng phong cách còn phải có phẩm chất thẩm mỹ, nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc sự hưởng thụ mĩ cảm dồi dào qua những tác phẩm chứa đựng nội dung sâu sắc, giàu tính nghệ thuật, sinh động, hấp dẫn. Nếu không có phẩm chất này, sự thể hiện của nhà văn trên trang giấy chỉ là sự quái gở chứ không phải là cá tính sáng tạo.

Mở rộng: Sự ương ngạnh trong cá tính không đồng nghĩa với thái độ bảo thủ, cố chấp, tự cho mình là chân lý nghệ thuật, mà đó là bản lĩnh của người cầm bút dám thể hiện cái tôi khác biệt của mình qua văn chương. "Đào giếng bằng kim" không hiểu theo nghĩa theo đuổi một việc làm trái khoáy, ngược với quy luật tự nhiên, mà đó là cách nhà văn dám đột phá để thể hiện cá tính, cũng có thể hiểu theo hướng đó là sự bền bỉ kiên định của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.

Một nền văn học nghệ thuật vận động, phát triển tự nhiên, đúng quy luật luôn là sự dung hòa của những cá tính "ương ngạnh" nhằm tạo nên sự thống nhất trong đa dạng phong phú của những tiếng nói riêng. Sự gặp gỡ, thống nhất của các phong cách cá tính sáng tạo sẽ góp phần tạo nên gương mặt chung của từng giai đoạn, từng thời kì văn học – đó chính là phong cách thời đại. Đúng như phát biểu của nhà văn Pháp Buy-phông: "Một nhà văn lớn quyết không chỉ mang một con dấu".

Đối với nhà văn: Sáng tạo vừa là yêu cầu, vừa làm nên thương hiệu của nhà văn, tạo nên sức sống bền lâu trong lòng người đọc; không ngừng sáng tạo, làm mới mình để hoàn thiện phong cách nghệ thuật.

Đối với người đọc: Cần phải tìm hiểu nét riêng, nét mới trong phong cách của người cầm bút và mối liên hệ giữa phong cách nhà văn với thời đại; mở lòng đón nhận những cái mới, những cuộc cách mạng trong văn học.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/de-thi-hoc-sinh-gioi-ngu-van-hay-trao-quyen-cho-nguoi-tre-179240101081418538.htm