Để sản xuất của khối doanh nghiệp nội không kéo dài tình cảnh sa sút

Từ con số 73.978 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong quý 1/2024 và nhiều trường hợp 'gồng' hết nổi nên chấp nhận phải 'bán mình', bán tài sản…, để thấy tình hình sa sút kéo dài của các DN nội địa vẫn là điều đáng lưu tâm. Để hoạt động sản xuất của khối nội không tiếp tục khó khăn và 'lép vế' trước khối ngoại, đang rất cần thêm những chính sách mới nhằm tăng cường 'sức khỏe' cho họ.

Là người tư vấn cho nhiều thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam cho khách hàng khối ngoại, luật sư Đào Tiến Phong (Công ty Tư vấn InvestPush) cho biết trong 3 - 4 năm trở lại đây, sau khó khăn từ đại dịch Covid-19 thì nhu cầu bán vốn, cổ phần, tài sản của các DN nội địa là khá nhiều so với trước đây.

“Gồng” hết nổi phải chấp nhận “bán mình”

Như chia sẻ của luật sư Phong, có những nhà máy nội địa vốn dĩ tồn tại 20 - 30 năm nay, nhưng sau giai đoạn ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, họ đã “gồng” hết nổi nên chấp nhận phải “bán mình”. Và tính ra là những nhà máy này đã bán lỗ.

Hoạt động sản xuất của các DN nội địa còn gặp nhiều khó khăn kéo dài từ dòng tiền cho đến đầu ra.

“Tôi đã tư vấn những deal (thỏa thuận) mua bán đó rất nhiều. Bởi vì những DN kêu bán đã không còn tiền nữa, trong đó phần lớn nằm ở lĩnh vực sản xuất, điển hình như may mặc”, ông Phong nói.

Cũng theo vị luật sư này, các thương vụ “bán mình” của những DN nội địa như vậy hiện đã hoàn tất rồi, nhưng vì lý do bảo mật nên không thể nêu cụ thể tên của DN.

Ngoài chuyện buộc phải “bán mình”, khó khăn kéo dài cho đến các tháng đầu của năm 2024 của nhiều DN sản xuất thuộc khối nội vẫn là điều hiển hiện. Đơn cử như CTCP Garmex Sài Gòn (từng là một DN hàng đầu về sản xuất may mặc ở Tp.HCM) đến cuối tháng 3/2024 đã tiếp tục bán thanh lý một số máy móc thiết bị, tài sản xe cộ và cũng đang muốn bán hơn 7ha đất.

Trong công bố thông tin bất thường vào tháng 3/2024 gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, phía Garmex Sài Gòn cho biết hiện công ty vẫn chưa nhận được đơn hàng cho ngành may (bao gồm may trang phục và tủ vải) và chưa giải quyết được hàng tồn kho tủ vải với Gilimex. Tính ra, công ty đã tạm ngưng sản xuất mặt hàng may mặc từ tháng 5/2023 cho đến nay.

Từ vấn đề của Garmex, qua trao đổi với VnBusiness, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, cho rằng tình cảnh của DN này rất “tội nghiệp” và là “số phận” khi vốn dĩ từng là nhà gia công hàng đầu cho thương hiệu thời trang lớn trên thế giới. Đặc biệt, rủi ro đã ập đến với Garmex từ sau khi đổi khách hàng (có liên quan đến đối tác là CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) và Amazon Robotics LLC).

Xét về tình cảnh của các DN dệt may nội địa hiện nay, giới chuyên gia cho rằng họ đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Đó là rủi ro cạnh tranh, rủi ro nguồn lao động, rủi ro nguồn nguyên liệu, rủi ro chi phí vận chuyển tăng cao cộng với thời gian vận chuyển kéo dài và rủi ro đơn giá thấp. Những rủi ro này khiến cho khó khăn của DN càng thêm chồng chất.

Có thể nói thực trạng cùng cực khiến cho việc tiếp tục gia tăng giải thể, rút lui khỏi thị trường của các DN nội địa là điều khó tránh khỏi. Như dữ liệu mới đưa ra từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong tháng 3/2024, cả nước có 10.531 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023. Còn trong 3 tháng đầu năm 2024 có 73.978 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, phần lớn là các DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 72,1%).

Qua tính toán của Tổng cục Thống kê thì bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Và khi so sánh giữa số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động với số DN rút lui khỏi thị trường, sẽ thấy trong quý 1/2024, tổng số DN cả nước giảm 14,1 nghìn DN, bình quân một tháng giảm 4,7 nghìn DN.

Cần thêm chính sách mới có tính “lót đường”

Còn trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới đưa ra vào cuối tháng 3/2024, Bộ phận phân tích Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) có nói rằng, tuy không phủ nhận tăng trưởng xuất nhập khẩu đang rất khả quan trong các tháng đầu năm 2024, nhưng thực tế thặng dư thương mại chỉ ghi nhận ở nhóm doanh nghiệp FDI.

Trên thực tế, khối ngoại hiện vẫn chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu (XK) của cả nước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù kim ngạch XK giảm song tính chung trong 3 tháng đầu năm 2023, khu vực đầu tư nước ngoài vẫn xuất siêu hơn 9,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 8,9 tỷ USD không kể dầu thô.

Trong khi đó, khu vực trong nước tiếp tục nới rộng mức thâm hụt, đã nhập siêu hơn 6,1 tỷ USD. Từ đó để thấy thành tích XK vẫn đang do khối ngoại quyết định. Còn các DN nội địa lại đang vật lộn trong khó khăn để duy trì sản xuất, chắt chiu từng đơn hàng XK, ngay cả khi có một số tín hiệu khởi sắc tích cực thì vẫn chưa có sự ổn định cần thiết một cách bền lâu.

Không những vậy, trong tình cảnh sa sút kéo dài thì vấn đề khơi thông dòng vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh của các DN khối nội vẫn còn khá trầy trật và chứa đựng nhiều nghịch lý thừa và thiếu. Điều này có thể nhìn rõ vào tình hình tín dụng hiện nay.

Như lưu ý từ Bộ phận phân tích của PHS, tín dụng suy yếu bất chấp mặt bằng lãi suất liên tiếp thiết lập các mức thấp kỷ lục mới cho thấy tình hình không khả quan như kỳ vọng. Đây là một trong những điểm nghẽn mà Chính phủ lẫn Ngân hàng Nhà nước đều đang cố gắng tháo gỡ bằng nhiều biện pháp. Mặc dù số cuối tháng 3 có thể tăng vọt do chốt số liệu cuối quý, nhưng hoạt động cho vay thực tế đang gặp nhiều khó khăn.

Quý 1/2024 đã trôi qua thì một trong những khó khăn hàng đầu của DN nội địa chính là dòng tiền. Chính vì vậy mà mới đây Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đề xuất Chính phủ cần tiếp tục duy trì các chính sách khơi thông dòng vốn cho DN (như duy trì chính sách tài khóa mở rộng, nỗ lực thực hiện hiệu quả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, cung cấp đầy đủ tín dụng cho DN).

Và trước khó khăn của các nhà sản xuất nội địa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng bày tỏ rằng Nhà nước cần phải làm sao quan tâm hơn tới việc hỗ trợ cho DN trong lúc cạnh tranh đang ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn bao giờ hết. Đặc biệt là cần đưa ra những chính sách mới nhằm “lót đường”, tăng cường “sức khỏe”, sức chiến đấu cho DN nội địa thoát khỏi tình cảnh sa sút kéo dài.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/de-san-xuat-cua-khoi-doanh-nghiep-noi-khong-keo-dai-tinh-canh-sa-sut-1099035.html