Để quỹ đầu tư mạo hiểm hết mạo hiểm

Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính bởi lẽ đó, sự quan tâm về cơ chế và thể chế để các quỹ đầu tư mạo hiểm có cơ hội phát triển là điều rất cần thiết.

Quỹ đầu tư mạo hiểm thiếu và yếu

Quỹ đầu tư mạo hiểm là một thực thể rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong bất kỳ một nền kinh tế nào từ cấp vi mô tới vĩ mô, từ các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp, tới thành phố và quốc gia. Thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó tiếp cận nguồn tín dụng vì chưa chứng minh được hiệu quả hoạt động trong thực tiễn, cũng như chưa có tài sản thế chấp, không đủ các điều kiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư thông thường, bởi các quỹ này thường quan tâm đầu tư vào các doanh nghiệp đã có mô hình kinh doanh hiệu quả trong thực tế.

Tạo hành lang pháp lý cho quỹ đầu tư mạo hiểm.

Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á đang tăng nhanh trong một vài năm trở lại đây. Nhờ những chính sách đặc biệt hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, Việt Nam cũng đang thu hút được khá nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới và nhiều dự án khởi nghiệp đã thành công. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vẫn còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhà sáng lập Quỹ VSV Thạch Lê Anh đánh giá, Việt Nam là quốc gia có phát triển vượt bậc về đầu tư mạo hiểm trong 5 năm vừa qua (tăng 749%), nhưng trong 24 tháng gần đây giảm 11% và đáng báo động nghiêm trọng khi trong 12 tháng gần nhất giảm tới 84%.

Từ 2019 Việt Nam chỉ có khoảng 10 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động và quy mô quỹ nhỏ dưới 10 triệu USD. Cho đến 2022 thì số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm đã tăng là 137 quỹ.

Nguyên nhân bởi, hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm chưa có quy định rõ ràng liên quan đến cơ chế quản lý, khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Trong các luật về đầu tư, tín dụng, doanh nghiệp không có quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các luật về thuế, lãi suất vẫn chưa có sự khác biệt giữa hoạt động đầu tư mạo hiểm với doanh nghiệp thông thường. Hoạt động đầu tư mạo hiểm rủi ro cao và tỷ lệ thành công thấp hơn nên cần được ưu đãi hơn. Việc thiếu những quy định có tính hỗ trợ như vậy sẽ khiến quỹ trong nước ngại hoạt động, thị trường vốn Việt Nam không hấp dẫn các quỹ đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa phổ biến. Mặt khác, các nhà khởi nghiệp chưa biết cách trình bày ý tưởng kinh doanh nên khó thuyết phục được các quỹ đầu tư vốn. Đồng thời, các ngân hàng thương mại chưa kết nối được doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc theo dõi, đánh giá việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp.

Tạo hành lang pháp lý, xã hội hóa nguồn vốn

Mặc dù bối cảnh đầu tư công nghệ của Việt Nam phải trải qua một tác động không thể tránh khỏi do cuộc khủng hoảng toàn cầu, các doanh nhân Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình với các nguồn lực sẵn có trong thời gian vừa qua. Hơn nữa, những nỗ lực ngày càng tăng của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế Internet và tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ giúp các công ty startup có chỗ đứng vững chắc hơn khi các hoạt động đầu tư tiến triển trở lại với tốc độ bình thường.

Bất chấp môi trường đầu tư toàn cầu đầy biến động, Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và lực lượng lao động trẻ tay nghề cao.

Theo nhà sáng lập Quỹ VSV Thạch Lê Anh, Chính phủ nên nhắm đến việc xây dựng các văn bản pháp luật phục vụ thị trường đầy tiềm năng này vì những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao, có khả năng mất toàn bộ số tiền đầu tư, điều này khác với ngân hàng. Đồng thời Chính phủ có các quy định hay cấp chứng chỉ công nhận cho các nhà đầu tư. Đây là chứng nhận cấp cho nhà đầu tư để chứng minh về thu nhập và tài sản của họ đủ cho việc có khả năng đầu tư và bản thân họ cũng đủ trình độ để đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế để hỗ trợ nhà đầu tư, như việc họ được miễn một số thuế như thuế trên thặng dư vốn.

Cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành Luật đầu tư mạo hiểm để phổ cập cho mọi công dân Việt Nam biết và hiểu được qua các buổi tập huấn dành cho các nhà chính sách, nhà quản lý, nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp. Cùng với đó, nên tạo hành lang pháp lý tốt nhất để hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế phát triển.

Còn theo Giám đốc Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo BestB Phạm Anh Cường, để nguồn vốn được dồi dào, cần “xã hội hóa nguồn vốn”, nghĩa là cần huy động từ trong dân. Muốn huy động từ nguồn này, cần truyền thông và giáo dục cho người dân chúng ta hiểu được thế nào là “đầu tư mạo hiểm”. Về phía các Quỹ và các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, cần có sự liên kết chặt chẽ để trao đổi các cơ hội hợp tác, cùng đầu tư chung, cùng phát triển và cùng giúp đỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.

Cùng với đó, cần tạo hành lang và cơ chế thông thoáng, rút ngắn thời gian làm các thủ tục hành chính, pháp lý để các nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Xây dựng cơ chế hấp dẫn để đón những làn sóng đầu tư mạo hiểm đến từ các cường quốc mạnh và có hỗ trợ ưu tiên khi các quỹ ngoại và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư mạo hiểm.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-quy-dau-tu-mao-hiem-het-mao-hiem.html