Để nỗi đau không lặp lại

Chỉ trong thời gian ngắn, tại Hà Nội đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy nhà thảm khốc, để lại nỗi đau chưa biết bao giờ mới nguôi ngoai cho gia đình các nạn nhân.

Vụ cháy mới nhất xảy ra rạng sáng 19-7 vừa qua tại một căn nhà, vừa kinh doanh xe đạp, xe máy điện vừa làm nhà ở, tại một xã thuộc huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội. Hậu quả tang thương khi cả vợ chồng chủ nhà, đồng thời là chủ tiệm bán xe đạp, xe máy điện chưa tới 40 tuổi cùng con nhỏ 7 tuổi tử vong.

Trước đó, vụ cháy nhà ở kết hợp làm tiệm nail xảy ra rạng sáng 8-7 tại quận Đống Đa cũng đã làm cả 3 người trong một gia đình tử vong.

Nguyên nhân các vụ cháy đều đang được lực lượng chức năng làm rõ. Điểm chung là các vụ cháy này xảy ra vào thời điểm đêm khuya hoặc rạng sáng, lúc mọi người đang say giấc nên thường phát hiện muộn. Công tác chữa cháy dù được tiến hành không lâu sau khi nhận được tin báo nhưng cũng không thể cứu được hết tính mạng con người và tài sản.

Các ngôi nhà bị cháy là nhà hình ống, cửa cuốn hoặc cửa xếp khóa chắc từ bên trong, trong khi nhà xây kín từ dưới lên trên nên các nạn nhân khó thoát hiểm. Trong nhiều trường hợp nhà bị cháy kết hợp giữa nhà ở với kinh doanh dịch vụ.

Những nguyên nhân khiến hậu quả các vụ cháy nhà dân thêm nghiêm trọng trên có thể thấy trong nhiều vụ cháy nhà khác ở Hà Nội cũng như các địa phương khác trên cả nước thời gian qua. Trong những năm gần đây, theo thống kê, bình quân mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.000 vụ cháy, làm 90 người chết và 120 người bị thương. Các số liệu phân tích cho thấy cháy nhà dân chiếm trên 60%, nhất là loại hình nhà kết hợp vừa để ở vừa sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ. Đây cũng là loại hình thường gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người khi có hỏa hoạn. Riêng Hà Nội trong năm 2022 xảy ra hơn 380 vụ cháy, làm 23 người thiệt mạng, 17 người bị thương.

Trước hậu quả nặng nề của các vụ cháy, Hà Nội những năm qua rất coi trọng công tác PCCC như tiến hành kiểm tra thường xuyên, đầu tư mua nhiều trang thiết bị chuyên dụng hiện đại cũng như phổ biến nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý hỏa hoạn cho người dân… Điều này rất cần thiết, song xem ra chưa đủ để giảm thiểu thiệt hại.

Chúng ta thường nói "nước xa không cứu được lửa gần", nói cách khác để cứu bản thân và người thân thì trước hết và quan trọng hơn hết là chính các thành viên trong gia đình. Các nhà dân, đặc biệt là các nhà ống, bắt buộc phải có cửa thoát hiểm đúng quy cách. Một điều hết sức quan trọng khác là phải có thiết bị phát hiện báo cháy. Thiết bị này giúp phát hiện sớm vụ cháy, điều tối quan trọng để thoát hiểm và chữa cháy.

Thế nên, cùng với lực lượng PCCC chuyên nghiệp, tinh nhuệ thì PCCC từ sớm và ngay tại gia đình là hết sức cần thiết, giúp hạn chế lặp lại các nỗi đau cháy nhà.

Phan Đăng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/de-noi-dau-khong-lap-lai-20230720194726097.htm