Để Nhà văn hóa phát huy giá trị trong cộng đồng: Bài 1 - Điểm sinh hoạt hữu ích và thiết thực

Nhà văn hóa là một điểm sinh hoạt cộng đồng dân cư hữu ích và thiết thực trong nhiều năm qua. Tuy nhiên hiện nay Nhà văn hóa cũng đang tồn tại những mặt cần điều chỉnh, và cần có các giải pháp để phù hợp với sự phát triển của đời sống hiện nay cũng như phát huy, khai thác hết chức năng vốn có. Báo Tổ Quốc xin trân trọng giới thiệu loạt bài 'Để Nhà văn hóa phát huy giá trị trong cộng đồng' để ghi nhận những mặt tích cực, đồng thời thẳng thắn đưa ra một vài thực trạng đã và đang xảy ra, từ đó đưa ra một số đề xuất cho hoạt động của Nhà văn hóa tại Hà Nội.

Thiết chế văn hóa hữu ích

Nhà văn hóa là một trong những thiết chế văn hóa hàng ngày đồng hành với đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong việc trong việc hình thành đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần bảo vệ và phát huy hiệu quả nhất các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời xây dựng những nếp sinh hoạt văn hóa văn minh trong cộng đồng dân cư. Những hoạt động của Nhà văn hóa cũng góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Cùng với đó, Nhà văn hóa còn là cầu nối giữa đảng bộ, chính quyền các cấp với quần chúng nhân dân.

Những hoạt động của Nhà văn hóa cũng góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân (ảnh minh họa)

Bởi vậy nhà văn hóa đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng cần thiết, thiết thực, ý nghĩa và gần gũi của mỗi thôn, xóm, tổ dân phố. Trong nhiều năm qua nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã phát huy hiệu quả thực sự là địa điểm sinh hoạt cộng đồng hữu ích, thiết thực ở cơ sở.

Tại huyện Đông Anh (Hà Nội), việc khai thác, sử dụng Nhà văn hóa - Khu thể thao cụ thể như sau: Khai thác sử dụng trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học, kỹ thuật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh trên địa bàn chiếm 20% thời gian sử dụng Nhà văn hóa - Khu thể thao.

Khai thác, sử dụng trong tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải ró, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, góp phần xây dựng nông nôn mới, cụ thể: 30% thời gian hoạt động Nhà văn hóa - Khu thể thao dành cho hoạt động vui chơi, giải trí, phục vụ trẻ em; 30% thời gian hoạt động dành cho văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao chung.

Khai thác, sử dụng trong hội họp, học tập cộng đồng và các sinh hoạt khác tại thôn, tổ dân phố chiếm 20%.

Theo khảo sát của TP Hà Nội, đến quý I/2023, thành phố có 383 thiết chế Văn hóa - Thể thao thuộc quản lý của UBND TP, các sở, ban, ngành đoàn thể; 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với 84 công trình Văn hóa - Thể thao; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm Văn hóa - Thể thao. Trên địa bàn thành phố với hơn 5.496 thôn, tổ dân phố thì 4.656/5.469 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng, đạt tỷ lệ 85%.

Nhiều mô hình hay

Tại huyện Gia Lâm, hiện tại, 162/164 thôn, tổ dân phố trong huyện có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 98,8%, trong đó có nhiều mô hình nhà văn hóa. Nhà văn hóa Sáng- Xanh- Sạch- Đẹp kiểu mẫu" tại Nhà văn hóa thôn Kim Quan, xã Yên Viên và Nhà văn hóa thôn Thượng, xã Dương Hà của Gia Lâm có các bức tranh bích họa tươi sáng, bắt mắt; nội dung phản ánh nhiều chủ đề khác nhau như truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương; tuyên truyền bảo vệ môi trường; các hoạt động lao động, sản xuất và hoạt động văn hóa thể thao của địa phương… Những bức bích họa tường tại các Nhà văn hóa vừa làm đẹp không gian sinh hoạt cộng đồng của mỗi địa phương, vừa góp phần thay thế những bức tường cũ bong tróc, rêu mốc...

Còn với huyện Đông Anh, tính đến tháng 7/2023 toàn huyện có 153/155 nhà văn hóa thôn, 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố đạt chuẩn, 2 nhà văn hóa đang được đầu tư xây dựng. Ngoài ra toàn huyện có 9/24 trung tâm văn hóa – Thể thao, Nhà văn hóa, nhà thi đấu cấp xã. Với việc ban hành Nghị quyết số 250 về "5 có 3 không" (Trong đó 5 có gồm: Có nhà văn hóa; có công viên mini, điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh; có điểm thu gom, tập kết phế thải xây dựng. Và "3 không" gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo), thì "có nhà văn hóa" là một trong những nhiệm vụ đứng đầu.

Trong nhiều năm nay, hoạt động nhà văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh đã có nhiều điểm sáng. Có thể kể đến như nhà văn hóa thôn Lại Đà có tủ sách như một thư viện mi ni, đáp ứng nhu cầu giải trí, nâng cao dân trí, góp phần củng cố văn hóa đọc của người dân địa phương. Nhà văn hóa thôn Hội Phụ ngoài tủ sách về Hà Nội, pháp luật, còn có tổ tư vấn pháp luật do các cụ về hưu, từng công tác hoặc có hiểu biết về pháp luật tự nguyện hoạt động và giúp đỡ người dân về pháp luật. Hay nhà văn hóa tổ dân phố số 9, thị trấn Đông Anh luôn là điểm sinh hoạt văn nghệ quần chúng mỗi tối. Các câu lạc bộ thơ, hát chèo, thể dục thể thao sinh hoạt tại nhà văn hóa đã trở thành một hoạt động tích cực, lành mạnh, gắn kết cộng đồng cũng như phát huy các giá trị văn hóa và thể thao.

Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ được diễn ra ở Nhà văn hóa (ảnh minh họa)

Cùng giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống hát chèo, có thể kể đến ở thôn Nhị Khê (xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên), nhờ có Nhà văn hóa, CLB hát chèo có địa điểm sinh hoạt thường xuyên, trở thành một phong trào quần chúng thu hút nhiều người tích cực tham gia. Hiện tại, CLB có gần 40 thành viên và đang ngày một thu hút số người tham gia.

Thực hiện Đề án về Tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động Nhà Văn hóa thôn, tổ dân phố cũng như Kế hoạch về xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tự quản tại Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Ứng Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cho thấy, từ năm 2018 đến nay, đã có 68 nhà văn hóa tự quản trên địa bàn huyện được thành lập ra mắt và đi vào hoạt động. Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình tổ chức của Nhà văn hóa tự quản đã đạt những kết quả khả quan, như nâng cao vai trò của các đoàn thể chính trị của địa phương trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục thể thao cộng đồng; làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động phục vụ các nhiệm vụ chính trị; đặc biệt là phong trào văn hóa văn nghệ đã được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, tạo nền tảng vững chắc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Người Ứng Hòa thanh lịch, văn minh. Trong tháng 5/2023, UBND huyện hỗ trợ kinh phí và cho ra mắt 2 mô hình Nhà Văn hóa tự quản tại thôn Họa Đống và thôn Thanh Sam xã Trường Thịnh. Tại Lễ ra mắt đã thành lập CLB Văn nghệ, CLB Thể dục Thể thao, CLB Tủ sách cơ sở và thành lập Ban chủ nhiệm các CLB.

Như vậy có thể thấy Nhà văn hóa (hoặc gắn với Khu thể thao) trên địa bàn Hà Nội đã trở thành một nơi sinh hoạt văn hóa, gắn kết cộng đồng hữu ích, góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Hạ Yên

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/de-nha-van-hoa-phat-huy-gia-tri-trong-cong-dong-bai-1-diem-sinh-hoat-huu-ich-va-thiet-thuc-20230808170013395.htm