Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

BÀI 1
HỖ TRỢ Y TẾ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Ngọc Bích

BPO - Bình Phước hiện có 12.786 người khuyết tật (NKT) các dạng, chiếm khoảng 1,3% dân số toàn tỉnh. Số NKT được trợ cấp hằng tháng là 9.757 người. Số còn lại đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của gia đình và xã hội. Việc chăm lo và nâng cao chất lượng cuộc sống NKT, giúp họ hòa nhập cuộc sống luôn là vấn đề được xã hội và chính quyền địa phương quan tâm.

Hướng đến giá trị nhân văn này, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đã và đang áp dụng, mở rộng dịch vụ hỗ trợ y tế chăm sóc tại nhà giúp NKT phục hồi chức năng hoạt động. Điều này phần nào chia sẻ gánh nặng với người thân và gia đình NKT trên địa bàn tỉnh.

Hành trình từ trái tim

Bị bệnh teo nhãn cầu và bại não từ lúc mới sinh, nhiều năm nay, em Phạm Thị Minh Tâm ở ấp 4, xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài không thể hòa nhập với cuộc sống. Mọi sinh hoạt hằng ngày của em đều phụ thuộc vào mẹ và người thân trong gia đình. Vì tâm lý mặc cảm, tự ti nên Tâm luôn tỏ ra cáu kỉnh, thậm chí có những lúc không hài lòng với sự hỗ trợ của người thân, em đã có những hành động bạo lực tự hành hạ bản thân.

Kỹ thuật viên Trần Thị Quy, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh can thiệp kỹ thuật vận động trị liệu đối với bệnh nhân bị tai biến

May mắn em được Dự án hòa nhập III (Dự án “Hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của NKT tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam” Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Nai) do USAID - Cơ quan Phát triểwn quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) khám sàng lọc và đưa vào diện chăm sóc, điều trị tại nhà. Từ đó, Tâm được các y, bác sĩ, kỹ thuật viên của Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm khám, can thiệp kỹ thuật về hoạt động trị liệu, vận động trị liệu và ngữ âm trị liệu nhằm phục hồi các chức năng, cải thiện hoạt động để hòa nhập cuộc sống.

Bà Vũ Thị Tìm (mẹ của Tâm) cho hay: Trước đây, gia đình khó khăn, không có điều kiện để đưa con đến các bệnh viện điều trị. Từ khi con được dự án hỗ trợ, có các bác sĩ thăm khám và kỹ thuật viên trị liệu định kỳ tại nhà nên tình trạng sức khỏe, tinh thần của con tốt lên. Tâm nay đã biết nghe lời, kiểm soát được cảm xúc. Đặc biệt, so với trước, Tâm biết được nhiều điều hơn như: tự chải đầu, cột tóc, đánh răng, rửa mặt; con còn có thể tự tắm, lấy khăn, lấy sữa tắm và tự mặc quần áo. Thấy con thực hiện được các hoạt động cơ bản phục vụ bản thân như vậy, tôi rất phấn khởi.

Nhìn con đã 14 tuổi đến nay mới tự thực hiện được những hoạt động phục vụ bản thân, đọc bảng chữ cái và đánh vần chữ “mẹ”, người mẹ như chị Tìm mừng rơi nước mắt.

Ngoài làm việc tại bệnh viện, tôi còn tham gia dự án chăm sóc, hoạt động trị liệu tại nhà cho NKT. Tính đến nay, tôi đã tham gia chăm sóc, can thiệp hoạt động trị liệu cho 16 trường hợp NKT, tất cả đều có tiến triển. Mỗi bệnh nhân trong dự án sẽ được hỗ trợ thăm khám và can thiệp kỹ thuật tại nhà 2 lần/tuần, trị liệu các bệnh theo bác sĩ khám và định hướng điều trị. Tôi thấy dự án rất hữu ích, thiết thực với NKT.

Kỹ thuật viên TRẦN THỊ QUY, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh

Việc hỗ trợ, chăm sóc và can thiệp các kỹ thuật trị liệu cho NKT rất khó khăn, đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên ngoài trình độ chuyên môn còn xuất phát từ tâm thiện nguyện rất lớn. Chính sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và đồng cảm của các y, bác sĩ, kỹ thuật viên đã giúp nhiều NKT hòa nhập tốt với cuộc sống. Điển hình như bà Bùi Thị Thơ (88 tuổi) ở khu phố 3, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài, từ bị yếu hai chi dưới nay bà đã tự vịn xe lăn di chuyển và tinh thần phấn khởi hơn rất nhiều.

Bà Thơ cho biết: Cách đây mấy tháng tôi bị té, 2 chân yếu rất khó khăn trong việc đi lại. Sau đó, tôi bị bệnh đại tràng phải mổ nằm viện mấy tháng nên đôi chân không đi được, phải ngồi xe lăn. Từ khi xuất viện trở về, tôi được dự án hỗ trợ NKT đưa vào diện chăm sóc tại nhà. Được bác sĩ, kỹ thuật viên Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm khám và can thiệp kỹ thuật nên qua 2 tháng tới nay, sức khỏe của tôi đỡ hơn 60%.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Để cung cấp các dịch vụ y tế tại nhà chất lượng cao cho NKT, thời gian qua, nhiều cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh Bình Phước được tuyển chọn đi đào tạo tại các cơ sở y tế uy tín trên toàn quốc về phục hồi chức năng các chuyên ngành như: Vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và đã trở về công tác tại các cơ sở y tế địa phương.

Bác sĩ Liễu Ngọc Thân, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: “Tôi đã được bồi dưỡng chuyên khoa phục hồi chức năng. Khóa học tập trung nhiều vào hoạt động trị liệu, phân loại mức độ bệnh để biết bệnh nhân đang ở mức độ nào và cần can thiệp vào giai đoạn nào”.

Bác sĩ Liễu Ngọc Thân, Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm khám định kỳ cho em Phạm Thị Minh Tâm

Đến nay, dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh ở giai đoạn 1, đã và đang hỗ trợ chăm sóc y tế cho 282 NKT, tỷ lệ bệnh nhân cải thiện các chức năng sinh hoạt cơ bản đạt 97%.

Qua các khóa đào tạo đã giúp bác sĩ, kỹ thuật viên nâng cao năng lực chuyên môn, từ đó ứng dụng vào thực tiễn hiệu quả nhất. Bác sĩ Phạm Minh Hoàng, Trưởng khoa Vật lý trị trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ: Khoa được các đơn vị USAID tài trợ thông qua Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và Hội Trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH) phối hợp hỗ trợ đào tạo nhân sự, trang thiết bị… để điều trị phục hồi chức năng cho NKT, đặc biệt là NKT do ảnh hưởng, bị di chứng của chất độc da cam/dioxin. Đến nay, khoa có 6 kỹ thuật viên và 4 bác sĩ đã được đào tạo chuyên khoa vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp VNAH để hỗ trợ cộng đồng, cử bác sĩ, kỹ thuật viên về địa phương khám sàng lọc và tập tại nhà cho bệnh nhân.

Kỹ thuật viên Trần Thị Quy, Khoa Vật lý trị trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa tỉnh tập cho em Phạm Thị Minh Tâm về các hoạt động cơ bản trong cuộc sống

Kỹ thuật viên Trần Thị Quy tập trị liệu vận động cho bà Bùi Thị Thơ

Sau gần 2 tháng được can thiệp y tế tại nhà, bà Bùi Thị Thơ đã tập đi được

Hiện các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc NKT tại nhà đang tiếp tục được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, gia tăng số lượng NKT được thụ hưởng chăm sóc y tế, giúp họ tự tin, mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, có thêm niềm tin, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/147425/de-nguoi-khuyet-tat-hoa-nhap-cong-dong