Để người dân, du khách yên tâm tắm biển

Vào mùa du lịch hè, mỗi ngày các bãi biển Đà Nẵng có hàng ngàn người dân địa phương và du khách đến vui chơi, tắm biển. Lực lượng cứu nạn các bãi biển và đội trật tự du lịch biển (thuộc Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) thường xuyên túc trực, tuần tra, giữ gìn môi trường du lịch để người dân và du khách yên tâm vui chơi, tắm biển.

Nhân viên cứu nạn biển thường xuyên tham gia các khóa tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong công việc hằng ngày. TRONG ẢNH: Các nhân viên Đội cứu nạn biển Đà Nẵng trong một chương trình tập huấn cứu hộ, cứu nạn năm 2023. Ảnh: NHẬT HẠ

Dọc các bãi tắm Mỹ Khê, Mân Thái, Mỹ An, Thanh Khê, Liên Chiểu… dễ dàng bắt gặp các nhân viên của đội cứu nạn trong đồng phục hai màu trắng vàng thường xuyên đi lại trên bãi biển, mắt không rời khỏi khu vực người dân, du khách đang tắm biển. Ngoài lực lượng cứu nạn thường xuyên túc trực trên bãi cát, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là ban quản lý) còn phân công người chèo thúng, trực ở khu vực ngoài xa để tiện cho việc quan sát cũng như nhắc nhở người tắm biển không ra ngoài khu vực phao giới hạn. Chị Lê Nguyễn Hoàng Thư (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, lần nào đi du lịch Đà Nẵng gia đình chị cũng dành nhiều thời gian tắm biển và vui chơi tại các bãi biển. Thấy đội ngũ nhân viên cứu hộ, cứu nạn túc trực thường xuyên tại bãi biển hướng dẫn, nhắc nhở du khách tắm đúng nơi quy định, không tắm ở các khu vực có dòng nước nguy hiểm thì cũng thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Theo anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội Cứu nạn các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đội cứu nạn các bãi biển du lịch hiện có 95 người, chia làm 19 tổ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách tắm biển, bảo đảm an toàn cho người dân và khách tắm biển dọc hai tuyến đường ven biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa và Nguyễn Tất Thành. Anh Vinh cho hay, công việc của một nhân viên cứu hộ đòi hỏi rất nhiều kỹ năng như phải có sức khỏe, kỹ năng xử lý tình huống và không thể chậm trễ khi phát hiện có người đang gặp nguy hiểm dưới nước. Bên cạnh đó, người làm nghề cứu hộ còn phải am hiểu con nước, vùng biển, có sự nhạy bén trong quan sát để nhận biết các mối nguy hiểm của người dân và du khách khi tắm biển. Trong quý 1-2024, đội đã hỗ trợ cứu nạn 22 trường hợp được an toàn.

Trưởng Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Vũ cho biết, vào mùa cao điểm người dân và du khách đến vui chơi tắm biển ngày một đông, nhất là dịp cuối tuần. Vì thế, ban quản lý tăng cường lực lượng cứu hộ, cứu nạn trực 100% công suất tại các bãi tắm trọng điểm và duy trì tuần tra trong khung giờ trực từ 4 giờ 30 đến 19 giờ hằng ngày. Đồng thời, lực lượng duy trì hoạt động tại 2 bãi tắm đêm từ 19 giờ đến 22 giờ, tại khu vực bãi biển phía bắc Công viên Biển Đông và khu vực bãi biển đêm Mỹ An, phải có đủ điều kiện về ánh sáng, nhân viên cứu hộ trực bảo đảm an toàn; lắp đặt thêm bảng cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, trang bị thêm các phương tiện cứu hộ như cano, ván lướt, phao giới hạn an toàn.

Chuyên gia cứu hộ người Úc (thứ 2, bên phải sang) tập huấn các kỹ năng cứu hộ cứu nạn cho các thành viên Đội cứu nạn biển Đà Nẵng trong năm 2023. Ảnh: NHẬT HẠ

Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết thêm, hằng năm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng của các nhân viên cứu hộ, cứu nạn, ban quản lý phối hợp với các chuyên gia Hiệp hội cứu hộ Úc tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi kỹ năng, kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ cho thành viên đội cứu nạn. Đặc biệt, ngày 27-4 tới, ban quản lý tổ chức Hội thi cứu hộ quốc tế Đà Nẵng 2024 tại bãi biển trước Công viên Biển Đông, qua đó tạo sân chơi cho các nhân viên cứu hộ, cứu nạn các địa phương ven biển, các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, tình nguyện viên hoạt động trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn bờ biển trong và ngoài nước giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đến nay đã có khoảng 10 đội trong nước đến từ Hội An (Quảng Nam), Nha Trang, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, Tuy Hòa (Phú Yên), Đồng Hới (Quảng Bình), Đà Nẵng... và 6 đội quốc tế đến từ Úc, Myanmar, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore đăng ký tham dự. Mỗi đội thi sẽ có từ 3-4 thành viên, các đội thi sẽ tham gia ở các nội dung như: bơi tiếp sức (3x300m); thi bơi ván cứu hộ tiếp sức (3x300m); cướp cờ, bơi ván cứu nạn nhân; người sắt (3 môn phối hợp liên tục không ngừng gồm bơi 200m, chạy 200m, lướt ván 200m, chạy 200m về đích).

Anh Nguyễn Quốc Vinh cho hay, năm nay Đà Nẵng có 2 đội đăng ký tham dự Hội thi cứu hộ quốc tế Đà Nẵng. Hiện nay, ngoài thời gian làm nhiệm vụ vào sáng sớm và chiều tối, thành viên các đội tham gia hội thi đang tích cực tập luyện các nội dung thi đấu để có được kết quả tốt nhất.

“Hội thi cứu hộ năm nay có nhiều đội thi quốc tế đến từ các quốc gia có các bãi biển đẹp, nổi tiếng, lực lượng cứu hộ của các đội cũng có nhiều thế mạnh về thể trạng, thể lực, kỹ năng cũng như sự chuyên nghiệp. Việc tham gia sân chơi này sẽ giúp nhân viên cứu hộ, cứu nạn của Đà Nẵng có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để từ đó từng bước nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cũng như sự chuyên nghiệp trong công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi biển Đà Nẵng”, anh Vinh bày tỏ. Cùng với việc bảo đảm an toàn cho người dân, du khách vui chơi tắm biển, ban quản lý tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường lực lượng Đội Trật tự du lịch biển thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra dọc các bãi biển để ngăn ngừa các trường hợp trộm cắp tài sản của du khách tắm biển, hỗ trợ du khách trong việc tìm kiếm người thân, trẻ đi lạc... Ban quản lý cũng khuyến cáo người dân, du khách không nên để các tài sản có giá trị trên bãi cát mà không có người giữ khi đi tắm biển.

NHẬT HẠ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/xa-hoi/202404/de-nguoi-dan-du-khach-yen-tam-tam-bien-3970046/