Đề nghị trao đổi thông tin giữa thanh tra với kiểm toán

Thanh tra Bộ Ngoại giao vừa tổ chức hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra.

Quang cảnh hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá thực trạng, tập trung phân tích những bất cập, tồn tại và xác định phương hướng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tránh việc thống kê số liệu đơn thuần hoặc tập trung vào thành tích.

Công tác tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra; tình hình, kết quả thực hiện các quy định của về tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra; kết quả thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành; công tác phối hợp trong hoạt động thanh tra.

Sau khi Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết được ban hành, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, rà soát để đề xuất, kiến nghị việc triển khai tại Bộ Ngoại giao nhằm đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm: Kiện toàn cơ cấu tổ chức của các cơ quan thanh tra thuộc Bộ; bổ sung, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra; điều chỉnh, bổ sung, chuẩn hóa quy trình thanh tra; đảm bảo chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã giao Thanh tra Bộ là cơ quan chủ trì thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành tại Bộ Ngoại giao.

Thực hiện nhiệm vụ trên, trong giai đoạn 2010 - 2016, định kỳ hàng năm Thanh tra Bộ đều tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng cho toàn thể cán bộ, công chức của Bộ Ngoại giao.

Hàng năm, Thanh tra Bộ đều tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu nhằm cập nhật kiến thức và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra. Thanh tra Bộ cũng thường xuyên phối hợp với Công đoàn Bộ tổ chức tập huấn cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân của Bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện cơ sở pháp lý trong việc nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành ngoại giao (TTCNNG) nói riêng, trong giai đoạn 2010 - 2016, Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng một loạt văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) như sau:

Từ năm 2013 - 2016, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Ngoại giao và ban hành Thông tư số 06/2016/TT-BNG hướng dẫn thực hiện Điều 15 tại Nghị định số 17/2014/NĐ-CP , trong đó tập trung hướng dẫn về 10 nội dung thanh tra chuyên ngành.

Năm 2016 - 2017, nghiên cứu, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong 3 hoạt động, gồm: Tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự. Hiện nay, dự thảo Nghị định và hồ sơ đã được đăng tải và gửi xin ý kiến rộng rãi.

Từ khi triển khai TTCNNG đến nay, việc kiểm tra, theo dõi thi hành các văn bản nêu trên được tiến hành thông qua chế độ báo cáo 6 tháng và cả năm của các Sở Ngoại vụ và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Quý I hàng năm, Bộ Ngoại giao đều tiến hành tổng kết công tác TTCNNG để đánh giá việc triển khai công tác từ Trung ương đến địa phương, đồng thời định hướng trọng tâm công tác năm tiếp theo cho các Sở Ngoại vụ.

Việc xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm tại Bộ Ngoại giao được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP và căn cứ định hướng công tác thanh tra hàng năm do Thanh tra Chính phủ ban hành.

Do đặc thù của ngành và do rà soát kỹ kế hoạch kiểm tra của các đơn vị thuộc Bộ cũng như các Bộ, ngành liên quan nên kế hoạch thanh tra của Bộ Ngoại giao ít có sự trùng lặp về nội dung, đối tượng thanh tra với các Bộ, ngành, địa phương dẫn đến việc phải điều chỉnh, sửa đổi kế hoạch.

Từ năm 2010 - 2016, Bộ Ngoại giao đã triển khai 84 cuộc thanh tra tại 35 cơ quan đại diện và 49 đơn vị thuộc Bộ. 100% các thuộc thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, không có thanh tra đột xuất.

Về thanh tra chuyên ngành, Bộ Ngoại giao triển khai từ Quý III/2014 sau khi Nghị định 17/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngoại giao được ban hành và có hiệu lực.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Ngoại giao đã triển khai 9 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 9 Sở Ngoại vụ. 100% các cuộc thanh tra được thực hiện theo kế hoạch, không có thanh tra đột xuất.

Về thanh tra chuyên đề, năm 2014, thực hiện yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã triển khai 3 cuộc thanh tra về công tác quản lý đầu tư, xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ tại 3 dự án xây dựng cơ bản thuộc Bộ (đạt 100% về số lượng đối tượng thuộc diện phải thanh tra).

Kết quả thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành đã phát huy tác dụng trên các mặt chính như sau: Phòng ngừa tiêu cực, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn các sai phạm; cập nhật và hướng dẫn các quy định, chính sách mới; tìm hiểu những bất cập trong cơ chế, chính sách, để kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi.

Riêng về việc kiến nghị chính sách, các đoàn thanh tra của Bộ Ngoại giao đã tổng hợp và phản ánh kiến nghị của cơ quan đại diện đến các đơn vị chức năng thuộc Bộ để xem xét, bổ sung trong quá trình xây dựng các VBQPPL như: chế định Đại sứ không thường trú, chế độ trợ cấp chi phí giáo dục cho con em của thành viên cơ quan đại diện tại các địa bàn khó khăn...

Do ngành Ngoại giao chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong những hoạt động thuộc chức năng quản lý nên đến nay chưa thực hiện việc xử phạt, các hình thức xử lý được áp dụng chủ yếu là nhắc nhở, chấn chỉnh việc thực hiện quy định pháp luật tại các đơn vị được thanh tra.

Qua thực tiễn triển khai công tác, Bộ Ngoại giao nhận thấy những quy định hiện hành về công tác thanh tra đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và ngày càng được hoàn thiện theo hướng quy định chi tiết, cụ thể từng khâu, bước trong triển khai công tác thanh tra.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Ngoại giao còn gặp một số khó khăn trong việc thực hiện Luật Thanh tra và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành, cụ thể:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thanh tra, quyết định thanh tra phải được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Tuy nhiên, đối với công tác thanh tra hành chính tại các cơ quan đại diện, việc quy định thời gian tối đa từ lúc ban hành đến lúc công bố quyết định thanh tra chỉ có 15 ngày sẽ dẫn đến khó khăn trong việc làm các thủ tục hậu cần (xin cấp hộ chiếu, thị thực, đặt vé máy bay, khách sạn, làm các thủ tục về y tế tại một số địa bàn đặc thù...).

Đề xuất sửa đổi Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng đưa ra các quy định về quy trình, thủ tục cụ thể, chi tiết nhưng được áp dụng linh hoạt, chọn lọc tùy theo đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó xem xét, điều chỉnh một số quy định được đề cập tại mục 2, phần III nêu trên.

Việc quy định biên chế tối thiểu cho cơ quan thanh tra, đặc biệt là các cơ quan ở địa phương như Thanh tra Sở để đảm bảo có cán bộ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ thanh tra, tránh tạo khoảng trống trong quản lý và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật.

Đề nghị trao đổi thông tin giữa các cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm toán, đặc biệt là phối hợp trong sử dụng kết quả thanh tra, kiểm toán; Thanh tra Chính phủ tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là kỹ năng thanh tra; đa dạng hóa các hình thức trao đổi, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương.

Kim Thành

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/de-nghi-trao-doi-thong-tin-giua-thanh-tra-voi-kiem-toan_t114c1059n122267