Đề nghị thành lập mạng lưới nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo

Thành lập mạng lưới nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo là đề xuất được nhấn mạnh trong phiên thảo luận chuyên đề thứ hai về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, diễn ra cuối giờ chiều ngày 15/9 trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Đưa khởi nghiệp vào chương trình giáo dục cho trẻ em

Phát biểu đề dẫn, Nghị sĩ Ireland Denis Naughten cho biết khái niệm “khởi nghiệp” đã được đưa vào chương trình học cho học sinh Ireland từ 10 - 12 tuổi với chương trình giáo dục về khởi nghiệp riêng. Trẻ em ở độ tuổi này có tính tò mò, ham tìm hiểu cao, việc đưa khái niệm khởi nghiệp vào chương trình giáo dục dành cho độ tuổi này giúp các em được trang bị những kiến thức cần thiết về định hướng nghề nghiệp, nắm bắt được tinh thần khởi nghiệp, cách vận hành của một công ty khởi nghiệp sáng tạo và có sự háo hức cần thiết đối với lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo.

Ireland còn có cuộc thi dành cho học sinh có ý tưởng đột phá về khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh khuyến khích tinh thần khởi nghiệp thông qua chương trình học, Ireland còn thiết lập mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có cơ chế hỗ trợ các sáng kiến công nghệ mới.

Nghị sĩ Ireland Denis Naughten

Thoát khỏi vùng an toàn để nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số

AI, Blockchain, IoT, Machine learning… là những từ khóa được nhắc đến rất nhiều gần đây và những công ty khởi nghiệp ở các lĩnh vực này đang được nhân rộng nhanh chóng, mở đường và khai phá những lĩnh vực tuy mới mẻ, nhưng thực sự có khả năng thay đổi hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống.

“Chuyển đổi số ngày nay không còn là một sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Đó sẽ là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra, buộc các Chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thay đổi để hội nhập. Đứng trước cơ hội lớn này, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn, tự tái tạo và cạnh tranh trong trạng thái bình thường mới được dẫn dắt bởi các công nghệ tiên tiến” - ông Nguyễn Thành Trung nói.

Theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis Nguyễn Thành Trung, sự hỗ trợ và hậu thuẫn ban đầu đóng vai trò rất lớn đến khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cần có một hành lang pháp lý rõ ràng để định hướng phát triển. Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam, thế giới cũng chưa ban hành đầy đủ các thể chế và chính sách liên quan đến công nghệ mới.

Trong lĩnh vực công nghệ blockchain nói riêng, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng Việt Nam hoàn toàn có lợi thế và đứng cùng điểm xuất phát với các nước trên thế giới. Việc nắm bắt được thời điểm và tập trung đầu tư hiệu quả vào lĩnh vực mới, sẽ là cơ hội đưa một đất nước đang phát triển lên sánh vai với các cường quốc công nghệ.

Trong đó, điểm cốt lõi có thể tạo nên sức bật lớn cho Việt Nam chuyển mình bứt phá, đó là chính sách và khung pháp lý cho công nghệ blockchain và các doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. “Công nghệ blockchain và các yếu tố liên quan như tài sản số, nên được định nghĩa và ghi nhận một cách chính thức, làm tiền đề cho việc hợp pháp hóa và ban hành các chính sách liên quan” - ông Nguyễn Thành Trung đề nghị.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đúng đắn qua các phương tiện truyền thông đại chúng để vừa khuyến khích tìm hiểu về công nghệ mới, vừa khuyến cáo về giới hạn và rủi ro. Ông Nguyễn Thành Trung tin rằng những biện pháp thiết thực của Nhà nước sẽ góp phần mang lại cái nhìn tích cực và rõ ràng hơn rất nhiều cho lĩnh vực công nghệ mới này.

Giám đốc điều hành Sky Mavis Nguyễn Thành Trung

Nghị sĩ trẻ toàn cầu cần chung tay thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Chia sẻ kinh nghiệm từ Trung Quốc, bà Tingyu Yuan, quản lý tại HICOOL cho hay để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống quy định của quốc gia thúc đẩy khởi nghiệp, cung cấp tài chính, đơn giản hóa và giảm thiểu rào cản thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có chính sách về giảm thuế phù hợp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ nâng cao kiến thức tài chính cho doanh nghiệp.

Ở quy mô khu vực, Chuyên gia Xã hội Dân sự và Thanh niên, Nhóm Xây dựng Hòa bình và Quản trị, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) Beniam Gebrezghi cho biết, UNPD đang triển khai một chương trình khởi nghiệp dành cho thanh niên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với hơn 200 đối tác, có rất nhiều sáng kiến nhưng chưa có kênh mang tính khu vực nhằm tập hợp các tổ chức “vườn ươm” đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp dành cho thanh niên.

Do đó, ông Beniam Gebrezghi cho rằng, diễn đàn này là cơ hội thuận lợi để các nghị sĩ trẻ tập trung trao đổi về vai trò lãnh đạo của thanh niên và các giải pháp nhằm khuyến khích thanh niên tham gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Sau các phát biểu dẫn đề, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm ở mỗi nước trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sĩ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo; các chính sách và giải pháp giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Các nghị sĩ trẻ tham gia phiên thảo luận

Tham luận thảo luận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa cho biết, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Quốc hội Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung nhiều luật như: Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ... Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đổi mới, sáng tạo, hướng tới trở thành một trong những trung tâm cung ứng lương thực, thực phẩm chất lượng cao”, ông Phạm Trọng Nghĩa nói.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng, với vai trò là những nghị sĩ trẻ, đại diện cho các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới, các nghị sĩ cần cùng nhau chung tay thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở phạm vi toàn cầu. Ông Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, các thành viên IPU xem xét thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để đồng hành cùng Chính phủ các nước hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ tốt hơn cho phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-nghi-thanh-lap-mang-luoi-nghi-si-tre-toan-cau-ve-doi-moi-sang-tao-135923.html