Đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra nghi vấn phóng sinh cá có hại xuống sông Hồng

Trước những thông tin gây xôn xao dư luận về việc phóng sinh số lượng lớn cá (trong đó có loài cá dữ) xuống sông Hồng, các ban ngành chức năng đã tích cực vào cuộc để xác minh làm rõ. Ngày 17/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, đơn vị này cũng đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị điều tra

Hàng nghìn người từ khắp các tỉnh thành đổ về tham dự buổi lễ phóng sinh cá. Ảnh: T.G

Việc làm gây hoang mang dư luận

Theo Bộ TN&MT, vào ngày 5/2 ở xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội đã tổ chức lễ phóng sinh thu hút hơn 1.000 phật tử tham dự. Một số lượng lớn cá đã được phóng sinh, trong đó có loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Tuy nhiên, thông tin từ các phương tiện thông tin và báo cáo của cơ quan chức năng của Hà Nội (Chi cục Thủy sản) chưa thống nhất về nguồn gốc, chủng loại, khối lượng cá được phóng sinh. “Việc này đang gây hoang mang trong dư luận và người dân về ảnh hưởng của việc phóng sinh các loài ngoại lai vào môi trường tự nhiên”, văn bản Bộ TN&MT nhận định.

Bộ TN&MT cho rằng việc phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại là trái với quy định của pháp luật hiện hành như Luật Đa dạng sinh học năm 2008 (tại Khoản 1 Điều 52) quy định: “Việc nuôi trong nước loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép”.

Nghị định số 155 ngày 18/11/ 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định: “Phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn vì mục đích thương mại, trong trường hợp kiểm soát được sự phát triển, lây lan của chúng và chưa gây ra thiệt hại”.

Đối với các hành vi nuôi, lưu giữ, vận chuyển, trồng, cấy loài ngoại lai xâm hại ngoài phạm vi khu bảo tồn, tùy mức độ thiệt hại thì mức xử phạt sẽ tăng nặng theo quy định tại Khoản 3, Điều 43 Nghị định này. Bộ TN&MT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai công tác nghiệp vụ để xác định rõ các thông tin liên quan đến vụ việc nêu trên và xử lý theo quy định đối với trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.

Đã thả rồi không thể bắt lại được

Liên quan tới thông tin người dân phóng sinh loài cá dữ ra sông Hồng, sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Linh Ứng (quận Hoàng Mai), cho biết lễ phóng sinh được tổ chức với mục đích cầu bình an cho người dân. “Cá phóng sinh ra sông Hồng là do người dân ở gần khu vực và các tỉnh thành lân cận tự nguyện mua ở chợ sau đó mang đến bến sông mời các thầy làm lễ xong rồi phóng sinh ra sông. Nhà chùa không mua cá về phóng sinh ra sông”, sư thầy Thích Đàm Thu cho hay.

Trong khi đó, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sau khi nắm bắt sự việc, Sở đã giao cho Chi cục Thủy sản xuống xã Bát Tràng kiểm tra. Chính quyền xã cho biết thả chủ yếu cá trê, không có cá chim trắng. Tuy nhiên, ông Mỹ cũng cho rằng cá chim trắng có nguy cơ xâm hại nhưng được cho phép nuôi nên nếu có phóng sinh ra sông Hồng cũng không ảnh hưởng lắm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thông tin thêm, Chi cục Thủy sản đang tiếp tục xuống làm việc với chính quyền nếu phát hiện có phóng sinh cá chim trắng sẽ kiến nghị xử phạt theo quy định, chứ không thể bắt lại được.

Ở góc độ chuyên gia, GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Trước hết phải nói về tục lệ lấy cá đi thả xuống sông là việc cần tuyên truyền người dân nên bỏ. Bởi việc này sẽ làm mất thời gian của người đi thả, chưa kể những loài cá đó lại có mầm bệnh. Người dân cần có thời gian sản xuất, công tác, học hành chứ không phải đi thả cá”.

“Những loài cá hiện đang có ở sông Hồng không phải loài cá chim trắng. Nếu phóng sinh loài cá này xuống sẽ làm môi trường môi sinh bị biến đổi. Ở sông Hồng rất cần những loại cá như cá anh vũ, những loại cá ngày xưa người Việt Nam hay dùng. Tổng cục Thủy sản cần phải hướng dẫn người dân xem chỗ nào nên thả cá, chỗ nào không, xem xét dịch bệnh ra sao chứ không phải thả bừa bởi nước sông cũng có mật độ nhất định”, GS Hồng chia sẻ.

Phóng sinh cá bữa bãi sẽ tác động xấu đến môi trường sinh học

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy Sản II cho biết, cá chim trắng nước ngọt (cá pacu, tên khoa học Colossoma brachypomum/Piaractus brachypomus) là loài ngoại lai có nguồn gốc Nam Mỹ. Nhiều người hay nhầm nó là cá hổ nhưng không phải. Cá chim trắng không phải là loài bản địa, không nên thả ra môi trường tự nhiên mà phải nuôi trong môi trường kiểm soát được (trong lồng, bè…).

“Việc thả phóng sinh nên thả các loài cá bản địa, của vùng nước đấy. Nếu thả các loài ngoại lai sẽ có tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng đến các loài bản địa và đa dạng sinh học”, ông Trọng cho hay.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nghi-van-phong-sinh-ca-co-hai-xuong-song-hong-bo-tnmt-de-nghi-bo-cong-an-vao-cuoc-dieu-tra-20170217214104621.htm