Để ngành mía đường 'sống' được trên sân nhà

Đó là vấn đề mà các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2014 – 2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức vào ngày 14.8 tập trung thảo luận, bàn bạc. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và miền núi Nguyễn Trọng Thừa, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích cùng đại diện lãnh đạo Bộ, ngành TƯ, tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến đường (DN) trong cả nước.

Tập trung tái cơ cấu

“Tái cơ cấu là xu hướng tất yếu, quyết định sự thành bại của ngành mía đường”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định. Theo đó, việc tái cơ cấu phải tập trung vào công tác quy hoạch vùng nguyên liệu tương ứng với năng lực hoạt động của nhà máy, tránh tình trạng mở rộng diện tích tràn lan, ồ ạt; khuyến khích nông dân dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tích tụ ruộng đất để hình thành những cánh đồng mía lớn, tập trung; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch; đổi mới công nghệ và đa dạng hóa các sản phẩm...

Cơ giới hóa trong sản xuất là giải pháp cải thiện hiệu quả, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN thì công tác quy hoạch và DĐĐT đang vấp phải rất nhiều cản trở. Đó là diện tích đất canh tác của mỗi hộ dân không nhiều, bờ vùng bờ thửa chi chít, lại nằm rải rác; rồi lâu nay việc quy hoạch vùng mía theo hướng “mở” – tức nông dân sản xuất xen canh nên vùng nguyên liệu không đồng nhất. Do đó, theo đề xuất của Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Cao Minh Tuấn thì: “Khi quy hoạch, các ngành chức năng nên thực hiện đến nơi đến chốn. Tránh tình trạng làm nửa vời khiến nông dân quay vòng với việc lựa chọn cây trồng, còn DN lại phập phồng lo thiếu nguyên liệu”.

Còn theo ý kiến của ông Lê Văn Tam-Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) thì quá trình tái cơ cấu đòi hỏi rất nhiều thời gian và kinh phí. Nhưng thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, DN nên tự cứu mình bằng các chính sách bảo trợ cho nông dân. “Về điều này, tôi khâm phục cách làm của Công ty CP đường Quảng Ngãi. Đó là họ mạnh dạn liên kết, hỗ trợ nông dân xây dựng cánh đồng mía lớn đạt năng suất trên 100 tấn/ha. Đây chính là động lực để nông dân gắn bó với cây mía. Bởi khi năng suất cao, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của họ gia tăng”, ông Lê Văn Tam bày tỏ.

Đẩy mạnh liên kết
Việt Nam đang tham gia và thực hiện đầy đủ những nội dung trong các Hiệp định thương mại khu vực, quốc tế nên DN cho rằng, nếu ngành mía đường không chủ động liên kết, hợp tác đồng nghĩa với việc tự loại mình ra khỏi sân chơi lớn. Tuy nhiên, việc liên kết này cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN, trong đó có vấn đề buôn lậu. Bởi, “vấn nạn buôn lậu là nguyên nhân chính làm giá đường trong nước giảm, khiến các nhà máy tồn kho hơn 389.000 tấn đường”, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam Đỗ Thành Liêm nhận định.

Tuy nhiên, điều khiến DN băn khoăn chính là việc tạm nhập tái xuất đường Thái Lan qua cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai. Điều này theo đánh giá của các DN là “cho thương lái danh chính ngôn thuận để... buôn lậu đường”. Lý do, việc tạm nhập tái xuất đường qua cửa khẩu phụ đã chặn việc xuất khẩu chính ngạch của đường, gây thất thu thuế và làm nhiễu loạn thị trường đường trong nước. Hơn nữa, “hành động này đã biến nước ta thành thị trường tiêu thụ và sân chơi cho ngành mía đường Thái Lan”, ông Đỗ Thành Liêm khẳng định. Do đó, ông Liêm đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ cho phép “phản công” bằng cách nhập đường thô từ Thái Lan, sau đó chế biến và xuất khẩu với giá thấp. Đề xuất này được các DN ủng hộ, bởi nó không chỉ mang lại nguồn lợi cho quốc gia từ việc thu thuế, mà còn ổn định thị trường đường trong nước.

Khuyến khích nông dân gia nhập “sân chơi”

Vụ 2014 – 2015 là vụ thứ 4 liên tiếp, giá đường giảm khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù giá đường giảm đến 30% nhưng giá mía chỉ giảm 15%. Điều này theo các DN là “để cố gắng giữ vùng nguyên liệu”. Có điều, với giá 750.000 – 900.000 đồng/tấn như hiện nay thì nông dân bị lỗ, khiến họ không mặn mà, thậm chí phá bỏ mía để chuyển sang các loại cây trồng khác.

Để khắc phục tình trạng trên, các DN đề xuất nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất ở vùng tập trung, không tự ý mở rộng hoặc thu hẹp diện tích trồng mía mỗi khi thị trường biến động. Nhưng để nông dân “sống khỏe” với cây mía, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và miền núi Nguyễn Trọng Thừa đề xuất: “Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, thì các DN phải thực sự xem nông dân là đối tác làm ăn, sẵn sàng chia sẻ thuận lợi lẫn khó khăn. Bởi hiện giờ, dường như DN chỉ xem nông dân là người sản xuất theo kiểu làm công”.

Hơn nữa, nông dân vẫn chưa hài lòng với kết quả kiểm tra chữ đường của nhà máy. Vậy nên, để giúp nông dân yên tâm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT sớm kiểm tra và ban hành sử dụng máy đo nồng độ đường cầm tay. “Đây sẽ là thiết bị bảo vệ quyền lợi nông dân, cũng như nâng cao trách nhiệm của nhà máy trong quá trình kiểm tra chữ đường”, ông Đỗ Thành Liêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định.

Hy vọng với những giải pháp trên, ngành mía đường cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng sẽ có những khởi sắc và “sống” được ngay trên sân nhà.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201508/de-nganh-mia-duong-song-duoc-tren-san-nha-2620273/