Để Mường Lát vươn lên thoát nghèo bền vững

Là một huyện biên giới có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thế nhưng bằng quyết tâm chính trị cao, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát đã triển khai đồng bộ các giải pháp cũng như thực hiện nhiều chính sách dân tộc thiết thực, hiệu quả, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Người dân xã Quang Chiểu (Mường Lát) với mô hình trồng lúa nếp Cay Nọi cho thu nhập ổn định. Ảnh: Xuân Minh

Công tác giảm nghèo được xem là nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã Mường Chanh. Để những hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, xã đã lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cũng như chú trọng công tác tuyên truyền, giúp người dân có ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại.

Qua trao đổi về câu chuyện giảm nghèo, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh Bùi Văn Nhân cho biết, địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Ví dụ như sau khi rà soát để nắm bắt nhu cầu thực tế của từng hộ nghèo, xét thấy hộ gia đình nào có điều kiện phát triển chăn nuôi thì hỗ trợ vật nuôi, hộ nào có quỹ đất thì hỗ trợ cây trồng; rồi hỗ trợ làm nhà ở; phối hợp với ngân hàng hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất... Địa phương cũng chú trọng công tác dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo...

Xã Mường Chanh có trên 800 hộ, với gần 4.000 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Khơ Mú, Kinh, Mường, trong đó dân tộc Thái chiếm trên 90% dân số. Mường Chanh là xã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý kiến chỉ đạo xây dựng “xã điểm” thoát nghèo gắn với XDNTM nhân chuyến thăm và làm việc tại huyện Mường Lát ngày 2 và 3/9/2011. Trong 12 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều nguồn lực đã được hỗ trợ cho Mường Chanh phát triển. Đến nay, tổng nguồn lực đầu tư được gần 180 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên xã đã tổ chức xây dựng nhiều hạng mục công trình quan trọng, như: công sở xã, trạm y tế, nhà văn hóa bản; chỉnh trang, xây mới, cải tạo, nâng cấp các điểm trường; xây hệ thống giao thông, thủy lợi, các công trình điện, nước sinh hoạt phục vụ người dân...

Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, xã Mường Chanh đã xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, như: nuôi bò sinh sản, trồng rừng tập trung, khai hoang trồng lúa nước... Nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế, như: mô hình chăn nuôi bò của chi hội phụ nữ bản Chai; mô hình thâm canh lúa lai tại bản Cang, bản Bóng với diện tích 10 ha, có 200 hộ tham gia, năng suất đạt 50 tạ/ha... Thông qua các mô hình đã giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả, như: hộ gia đình ông Vi Văn Nường ở bản Chai; hộ gia đình ông Lương Văn An ở bản Lách...

Mặc dù xã Mường Chanh đạt được những kết quả tích cực, song công tác giảm nghèo ở địa phương vẫn chưa thật sự mang tính bền vững; tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn cao, chiếm trên 43%, cận nghèo trên 25%; vẫn còn một bộ phận người dân có nguy cơ tái nghèo bởi tác động của thiên tai, bão lũ...

Cơ sở hạ tầng ở xã Mường Chanh (Mường Lát) được đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, thời gian qua huyện Mường Lát đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Qua đó khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân trong việc chung tay xóa đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực tham gia xây dựng cuộc sống mới. Theo đồng chí Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, một trong những giải pháp để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, từ đó làm thay đổi nhận thức của một phận người dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế; không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu trong cán bộ, đảng viên và người dân. Mục tiêu của công tác tuyên truyền cũng là để làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, chuyển từ tập quán sản xuất manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Cùng với đó, huyện Mường Lát phối hợp với Viện Nông nghiệp Thanh Hóa nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng - nông hóa làm cơ sở khoa học để huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương. Trong đó, hướng tới các loại cây trồng, con nuôi chủ lực, gắn với địa chỉ bao tiêu sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, như: trồng trẩu, quế, cỏ trong chăn nuôi, dưa, sắn; chăn nuôi trâu, bò, gà đen, lợn mán... Điển hình là huyện đã liên kết với Công ty CP Sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) triển khai mô hình trồng sắn năng suất cao, với diện tích 2.000 ha. Theo đó, công ty đầu tư giống sắn, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất.

Có thể khẳng định, từ những giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo ở huyện Mường Lát đã đạt được thành quả nhất định. Theo báo cáo của huyện, tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 chỉ còn 39,3%, giảm 16,8% so với năm 2021, bình quân giảm 8,4%/năm; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 25,02 triệu đồng /người/năm...

Để giúp huyện Mường Lát phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, vươn lên thoát nghèo bền vững, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 đưa huyện Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo. Đây là nghị quyết đặc thù, dành riêng cho Mường Lát, mở ra cơ hội mới để huyện Mường Lát phát triển, là đòn bẩy để Mường Lát tiếp tục làm tốt công tác giảm nghèo trong những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: Xuân Minh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/de-muong-lat-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung/29270.htm